Mới đây, sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở đào tạo, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thành lập 02 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An. Các đoàn đã đến trực tiếp các cơ sở giáo dục mà báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định. Qua quá trình kiểm tra ở mức độ khác nhau, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định.
Theo đó, trong số các khoản thu thỏa thuận, có nhiều khoản thu các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5, Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân).
Đáng chú ý, theo đại diện Thanh tra Bộ GD&ĐT, trong số các khoản thu sai quy định có nhiều khoản thu được hội cha mẹ học sinh (HCMHS) đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Cũng theo Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC, giải pháp đóng góp chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Tuy nhiên, việc đại diện HCMHS lớp đứng ra kêu gọi cha mẹ học sinh đóng góp các khoản thu bình quân đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Lao động).
Anh Nguyễn Thanh Quý, có con học tại một trường cấp 1 (Ba Đình, Hà Nội) nêu ý kiến: “Hội cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi đóng tiền tự nguyện, chẳng lẽ chúng tôi lại từ chối. Tôi cho rằng có nhiều khoản thu chưa thực sự cần thiết, tuy nhiên nếu không đóng cũng rất khó xử cho phụ huynh học sinh”.
Một phụ huynh khác, chị Dương Thanh Mai (Đông Anh, Hà Nội) cũng bất bình không kém với những khoản thu đầu năm do hội cha mẹ học sinh “đề xuất”: “Con tôi học lớp 3, hai năm trước năm nào cũng đóng tiền lắp điều hòa cho các cháu, vậy mà đến năm nay lại tiếp tục đóng tiền lắp điều hòa. Vậy những chiếc điều hòa đã lắp trước đi đâu? Chức năng chính của hội cha mẹ học sinh là quan tâm đến tình hình học tập của các cháu trong lớp. Các cháu có tiếp thu bài tốt hay không? Cô giáo dạy chương trình có phù hợp hay không? Việc thu tiền là việc của nhà trường. Nếu thấy cần thiết, nhà trường sẽ nêu ý kiến”.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngoài học phí bắt buộc và bảo hiểm y tế, các khoản thu khác đều được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, tại một số cơ sở đào tạo mà Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có đợt kiểm tra, một số khoản “lạm thu” như: Đóng tiền máy chiếu, tiền điều hòa, quỹ Đội, quỹ Chữ thập đỏ… Mà đáng nói, các khoản thu này hầu như đều được HCMHS của lớp, hoặc của trường đứng ra kêu gọi phụ huynh các học sinh đóng góp đã làm không ít người rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười".
Mặc dù không ít phụ huynh cho rằng, một số khoản thu này là không cần thiết, tuy nhiên để đứng ra phản đối hoặc chất vấn về những khoản thu trên thì không phải ai cũng có thể mạnh dạn đứng ra lên tiếng. Trên thực tế, có rất nhiều lý do để những bậc phụ huynh khó đứng ra phản đối các khoản thu này. Một số người thì lo con cái sẽ bị kỳ thị hoặc thiếu quan tâm. Một số khác thì lo ngại xấu hổ trước các bậc phụ huynh khác nếu không cho con mình được “bằng bạn, bằng bè”.. Và, cũng bởi do HCMHS đứng ra kêu gọi “hỗ trợ” chứ không phải do nhà trường ép buộc phải đóng góp, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh cho rằng, HCMHS chính là “tấm bình phong” của nhà trường trong vấn đề thu phí tại một số cơ sở giáo dục có dấu hiệu lạm thu hiện nay.
Nói về hoạt động của hội cha mẹ học sinh, bác Vũ Thúy Loan (Hà Nội) - một giáo viên hưu trí chia sẻ: “HCMHS chính là cầu nối giữa cha mẹ học sinh, giáo viên và nhà trường. Thường thì giữa giáo viên và ban phụ huynh lớp sẽ có những trao đổi về tình hình học tập chung của học sinh trong lớp, sức khỏe, khả năng học tập của riêng từng cháu. Qua HCMHS, có thể truyền đạt lại cho bố mẹ của riêng từng học sinh những ưu, khuyết điểm của con em mình, nhằm tạo điều kiện khuyến khích, động viên hoặc kèm cặp tốt hơn cho các con. Ngoài ra, HCMHS cũng góp phần thúc đẩy các phong trào của lớp như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa, tổ chức đi tham quan, cắm trại ngoài giờ cho học sinh trong lớp. Cho nên, việc tồn tại của HCMHS là cần thiết. Về vấn đề “lạm thu” diễn ra tại một số nơi vừa qua theo tôi là trái quy định. HCMHS không có chức năng đứng ra kêu gọi thu tiền cũng như hoạch định các mức đầu tư cho lớp học”.
Thực tế cho thấy, tại một số cơ sở giáo dục hiện nay, HCMHS đang làm chưa đúng với Thông tư 55. Điều này có thể thấy trách nhiệm nằm ở chính HCMHS và nhà trường khi thực hiện các việc làm trên.
Trước những kiến nghị của nhiều phụ huynh trong thời gian vừa qua về việc nên xóa bỏ HCMHS, trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Hội cha mẹ học sinh đại diện của cha mẹ học sinh, rất cần thiết để tạo sự phối hợp, sự kết nối giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hoạt động của HCMHS như thế nào thì cũng cần phải xem xét để đảm bảo hiệu quả và phát huy đúng vai trò, chức năng.”
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc áp dụng và thực hiện. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho trẻ nhỏ, không nên để hội cha mẹ học sinh biến tướng thành một tổ chức "lạm thu".
Theo Vũ Hoàng/Báo điện tử Đảng Cộng sản