Kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm

Lợi ích nhóm diễn ra dưới nhiều biểu hiện ở những quy mô và cấp độ khác nhau; lợi dụng các kẽ hở và ẩn mình trong vỏ bọc của pháp luật, nhân danh cái tốt đẹp và lợi ích chung của quốc gia, cộng đồng, tập thể để vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, người thân và “phe cánh” của mình.
Hiện nay lợi ích nhóm đang gây ra hiện tượng bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ nghiêm trọng trong đời sống xã hội. (Ảnh minh họa bài viết)

LỢI ÍCH NHÓM GÂY THIỆT HẠI LỚN ĐẾN TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI

Bản chất của lợi ích nhóm là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với những cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm người bên ngoài, nhằm tạo ra các quyết định hoặc tìm cách tác động vào chính sách để đạt được lợi ích riêng. Nó làm cho các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước bị méo mó, sai lệch ngay từ khi phôi thai xây dựng và hoạch định, thậm chí có thể làm thay đổi các quy định của pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm.

Nhà nước ta thực hiện quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) bằng hệ thống các công cụ, kế hoạch. Vì vậy, lợi ích nhóm luôn tìm cách tác động đến việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bằng những mánh khóe, thủ đoạn hết sức tinh vi, họ nhân danh lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, tìm mọi cách “lách luật” để các nhà lãnh đạo, quản lý đưa ra những quyết định mà lợi ích của nó chỉ phục vụ cho nhóm của họ, chứ không phải đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc. Khi các quyết định đó được ban hành, nó sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là giành được những hợp đồng béo bở. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu đích danh lợi ích nhóm cản trở sự phát triển kinh tế: “Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp; có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm”(1). Thực tiễn cho thấy, những năm qua ở một số địa phương, một số ngành chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên đã diễn ra thực trạng đầu tư, phát triển tràn lan trong nhiều lĩnh vực mà không có quy hoạch, dẫn đến tình trạng ế thừa hoặc nơi thừa, nơi thiếu; thậm chí vì lợi ích nhóm mà người ta có thể chà đạp lên các vấn đề như môi trường, dân sinh… để lại hậu quả rất nghiêm trọng mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu, làm lãng phí các nguồn lực của đất nước, thiệt hại lớn về kinh tế và gây bức xúc trong xã hội; năng suất lao động giảm sút, giá thành sản phẩm tăng cao, tạo ra độc quyền, phá vỡ môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế; hạn chế nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài, cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam... Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự tụt hậu về kinh tế và làm chậm quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

GÂY TỔN HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN UY TÍN VÀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Bằng các thủ đoạn khác nhau, những kẻ tham nhũng, lợi ích nhóm tìm cách mua chuộc, lôi kéo những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước tham gia vào hoạt động của lợi ích nhóm, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, bè cánh và phe phái trong các tổ chức đảng. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên cương quyết dưới nhu nhược” ở một số tổ chức đảng, địa phương thời gian qua là những biểu hiện của sự chi phối bởi yếu tố lợi ích nhóm.

Công tác cán bộ là nội dung quan trọng, khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Song hiện nay, lợi ích nhóm đã tác động vào tất cả các khâu, các bước trong quy trình hoạt động của công tác này. Vì lợi ích nhóm, người ta có thể ban hành ra các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình trái và dưới tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản theo quy định chung của Đảng, Nhà nước như: nới lỏng hơn các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, tiếp nhận, luân chuyển, bố trí công tác, đi đào tạo ở nước ngoài…, để người thân hoặc những người trong nhóm của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện đó, nhằm mục đích trục lợi cho cá nhân, người thân hoặc nhóm lợi ích. Hậu quả, vì lợi ích nhóm mà họ đã đưa những cán bộ, đảng viên kém đức, kém tài vào các vị trí lãnh đạo; bố trí cán bộ không vì năng lực, vì công việc mà vì thân quen, cánh hẩu. Khi bị phát hiện thì biện minh rằng: việc bổ nhiệm cán bộ là trách nhiệm của tập thể cấp ủy và được tiến hành một cách “dân chủ”, “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”…. Thực chất đó chỉ là sự lợi dụng danh nghĩa tập thể, lợi dụng kẽ hở trong quy trình và nguyên tắc của công tác cán bộ để áp đặt ý kiến cá nhân. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”. Hay như Đảng ta: “Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín”(2) và: “Nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”(3).

LÀM THA HÓA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ LÀM ĐẢO LỘN NHỮNG CHUẨN MỰC, GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

Lợi ích nhóm tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các hành động hối lộ, quà biếu, quà tặng… Làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mất đi vai trò tiên phong gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu và đồng lõa làm trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, dẫn đến thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng, chính trị, sống thiếu lý tưởng, thờ ơ trước đời sống chính trị và vô cảm trước những khó khăn, thiếu thốn của nhân dân. Khi đã xa vào tham nhũng, lợi ích nhóm, những cán bộ, đảng viên này dễ dàng chuyển hóa về tư tưởng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Lợi ích nhóm hoạt động càng mạnh, càng làm gia tăng và đẩy nhanh sự suy thoái tư tưởng, chính trị - nguyên nhân chính của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Lợi ích nhóm làm gia tăng lối sống cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, giả dối, chạy theo đồng tiền; khiến các hiện tượng tiêu cực ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - coi đó là việc bình thường! Vì lợi ích nhóm mà không ít cán bộ, đảng viên trở thành trung gian, cầu nối cho các tệ nạn chạy chức, chạy quyền hoặc thực hiện các phi vụ làm ăn mờ ám, vi phạm pháp luật.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống dưới tác động của lợi ích nhóm nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến sự suy thoái của một số lượng lớn cán bộ, đảng viên và tác hại của nó sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu như trước kia, sự suy thoái, tham ô, tham nhũng của mỗi đảng viên là sự hư hỏng của một con người, diễn ra lẻ tẻ thì hiện nay, khi cá nhân đảng viên sa vào lợi ích nhóm sẽ kéo theo sự hư hỏng của một nhóm người, tập thể người, sức tàn phá của nó sẽ rất lớn. Trước đây, khi đất nước ta chưa mở cửa, hội nhập, các vụ án tham nhũng chỉ có cá nhân phạm tội hay một số ít người phạm tội thì ngày nay, cả một tập thể người, nhóm người phạm tội. Lợi ích nhóm đã chuyển thành nhóm phạm pháp, là nơi dung dưỡng, bảo kê cho tham nhũng hoành hành. Đúng như Đảng ta đã chỉ ra: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(4).

KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM

Công bằng xã hội là mục tiêu cao cả và tiêu chí quan trọng nhất phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay lợi ích nhóm đang gây ra hiện tượng bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ nghiêm trọng trong đời sống xã hội, nó làm cho việc phân phối sản phẩm xã hội không còn công bằng, nó tạo ra sự phân hóa giàu nghèo một cách bất hợp lý và không chính đáng. Đó là sự phân hóa không xuất phát từ tài năng, đóng góp chính đáng, mà do tham nhũng, do sự cấu kết của một nhón người với nhau để hưởng lợi một cách bất hợp pháp từ những chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Sự bất công xã hội do lợi ích nhóm gây nên là rất nguy hiểm, nó tạo ra sự phẫn nộ, bất bình trong quần chúng nhân dân. Đó là sự bất công ngay từ “gốc” - diễn ra ngay từ sự phân phối cơ hội phát triển.

Đây cũng là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm để chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kích động nhân dân, gây bạo loạn làm mất ổn định chính trị, chống lại Đảng, Nhà nước và đe dọa sự tồn vong của chế độ XHCN ở nước ta.

Lợi ích nhómlà lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau để trục lợi, vơ vét và chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của xã hội nhằm mưu lợicá nhân. Nói cách khác, lợi ích nhóm là lợi ích của nhóm người móc nối, thông đồng với nhau, lách luật, làm những điều phi pháp để trục lợi, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể và củacáccá nhân khác.

Đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và là vấn đề hệ trọng của xã hội, vì không rõ “chiến tuyến” - trong “nó” có “ta” và trong “ta” có “nó”, vừa là “ta” lại vừa là “nó”. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh này, cần phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết ngăn ngừa cái sai và phải đặt nó nằm trong tổng thể chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Chúng ta luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh này -loại trừ lợi ích nhóm ra khỏi đời sống xã hội, góp phần thiết thực làm trong sạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng thành công chế độ XHCN ở nước ta./.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN PHƯƠNG 
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng

Theo Tạp chí Tuyên giáo

_____________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2012, tr.86.

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.196, 197.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.93.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều