Nạn mê tín dị đoan bùng phát: Do chính quyền cơ sở “chậm chân”?

Tết Mậu Tuất có lẽ là dịp nạn mê tín dị đoan bùng phát dữ dội nhất, với hiện tượng hàng ngàn người tụ tập, quỳ lạy, khấn vái cục đá, rắn “thiêng”, cá “thần”, cùng với cảnh chen chúc, giẫm đạp để cướp lộc, xin ấn, giải hạn…

 

Kiểm lâm Quảng Bình kẹp cổ "rắn thần" bỏ vào bao, giải tán đám đông mê muội.

Bi hài nhất, là chuyện hàng nghìn người tụ tập tại ngôi mộ vô danh ở TX Ba Đồn (Quảng Bình), để cúng bái, “xin lộc” từ hai con rắn nước, “công đức” số tiền lên tới 250 triệu đồng.

Nguyên nhân tệ nạn mê tín dị đoan đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, do dân trí thấp, nhận thức lệch lạc, thiếu thông tin khoa học, thiếu tư duy phản biện, sự nhập nhèm, lợi dụng của những kẻ buôn thần bán thánh…

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng chưa được chú ý đúng mức, đó là sự lúng túng, chậm trễ, buông lỏng của chính quyền địa phương trước các hiện tượng mê tín dị đoan.

Như trường hợp hàng trăm người dân cúng vái cá “thần” ở Đô Lương, Nghệ An, từ khi phát sinh vụ việc, đến khi chính quyền quyết định cử người dân ra bắt cá, là 6 ngày, từ mồng 1 đến mồng 6 tết.

Cảnh tượng bi hài dân cúng vái “cá thần” ở Nghệ An. Ảnh: DH

Vụ việc hai con rắn nước nằm trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình, chính quyền địa phương cũng rất lúng túng để sự việc kéo dài quá lâu.

Vụ việc phát sinh từ ngày 24/2, nhưng đến chiều 2/3 (sau 6 ngày), UBND TX. Ba Đồn cùng đại diện các ban, ngành tại địa phương mới có buổi họp bàn phương án xử lý. Và sau 7 ngày, nhân viên kiểm lâm mới xuất hiện, cầm kẹp bỏ con rắn nước vào bao đem đi chỗ khác, chấm dứt tình trạng dân tụ tập khấn vái. Lúc này, xung quanh "ngài rắn", hương hoa đã chất như núi.

Cả hai sự việc nói trên, đều rất dễ xử lý, vì diễn ra tại nơi công cộng, không liên quan đến sở hữu cá nhân, tư nhân. Chỉ cần một động tác “đơn giản, gọn nhẹ” là giải quyết được vấn đề, thế nhưng chính quyền địa phương đã để kéo dài quá lâu, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, làm cho tệ nạn mê tín lan rộng.

Nhiều hiện tượng mê tín dị đoan khác, đều có chung tình trạng chính quyền địa phương lúng túng, chậm trễ. Nhiều người tự lập nơi thờ tự, tổ chức cúng bái, cầu hồn, chữa bệnh nhảm nhí, có tính chất lừa đảo, nhưng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để dây dưa, làm số nạn nhân ngày càng tăng. Đến khi gây dư luận rất xấu hoặc hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý.

Để đẩy lùi, triệt tiêu tệ nạn mê tín dị đoan, những cách ứng xử u mê của người dân, không thể tuyên truyền suông mà cần có hành lang pháp lý, chế tài chặt chẽ, đặc biệt là sự tận tâm, quyết liệt của cán bộ địa phương, cơ quan chức năng. Cần xem xét, truy trách nhiệm, xử lý nghiêm những cán bộ liên quan để cho tệ nạn mê tín lan rộng mà không xử lý kịp thời.

Theo Quang Đại/Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều