Nghĩ về thưởng Tết

Cứ cuối năm lại rộ lên chuyện thưởng Tết. Năm nào cũng vậy, muôn hình vạn dạng của thưởng Tết, phổ biến vẫn là quy ra tiền mặt. Năm nay có đơn vị thưởng cao nhất tới hơn 800 triệu, nhưng đó chỉ là thiểu số, còn mức thấp nhất nghe đâu 20 nghìn. Công bằng mà nói, nhiều khi mức thưởng cao ngất ngưởng đó không phải dành cho đa số mà chỉ cá biệt với một vài cá nhân xuất chúng nào đó. Thời đại công nghệ, đôi khi tuyên bố một mức thưởng rầm rộ cũng là cách lên tiếng để mọi người biết đến mình, ngó đến mình, và qua đó biết đến danh tính, tên tuổi thương hiệu của công ty, từ đó thu hút người tài đầu quân, tập trung chất xám...

Thưởng Tết - mối lo không của riêng ai. Minh họa: CTV

Bởi vậy có những cái thưởng cao những đôi lúc “chỉ là ảo”. Bởi có khi làm vài suất thưởng cao ngất với vài cá nhân có khi cũng không bằng một chủ doanh nghiệp phải lo thưởng cho vài trăm công nhân chỉ với mức giá vài triệu đồng/người. Nghe đâu có đơn vị lỗ mà vẫn thưởng, bởi họ muốn tìm cách động viên giữ chân nhân lực đừng rời bỏ họ. Nhưng cũng có những doanh nghiệp lại lợi dụng việc thưởng để gây khó khăn cho người lao động. Chẳng hạn họ hứa sẽ trả cho công nhân tháng lương thứ 13 sau khi nghỉ Tết, bởi họ sợ nếu chi luôn thì sau khi nhận đủ số tiền người lao động sẽ tìm cách nhảy việc và không quay lại sản xuất sau Tết.

Bởi vậy, thiên hạ cứ đổ dồn vào một vài trường hợp cao ngất để so bì. Suy cho cùng, mọi mức thưởng đều có cái giá của nó. Nếu những cá nhân xuất sắc đem lại doanh thu cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm thì chuyện được chủ doanh nghiệp thưởng cả trăm triệu cho cá nhân đó cũng dễ hiểu. Ngược lại đối với đơn vị hành chính sự nghiệp hay các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ gặp khó khăn thì rõ ràng người lao động không thể mong đợi một mức thưởng lớn như vậy. Ở đây chúng ta phải hiểu thưởng Tết bản chất là một sự động viên và khích lệ để con người cố gắng hơn trong công việc, không thể có một công thức chung cho mọi đơn vị. Nhưng thưởng Tết đã là một nếp ứng xử của văn hóa Việt, nên dù gì chăng nữa, ít hay nhiều, đã là người lao động đều nghĩ đến thưởng Tết. Và đương nhiên đó cũng là trăn trở của không ít chủ doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các đơn vị hành chính sự nghiệp. Chúng ta cũng nên nhìn rộng ra khái niệm thưởng Tết. Những hành động hỗ trợ của Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cho những người dân khó khăn để có đủ cơm ăn áo mặc có lẽ cũng là một phần thưởng đầy ý nghĩa với người nghèo dịp Tết.

Nhân chuyện thưởng lại nghĩ tới đội bóng U23 giành ngôi á quân châu Á. Trước đó khi đang thi đấu ngoài băng giá, họ đã được nhiều cá nhân và doanh nghiệp hứa thưởng rất đậm, số tiền hứa đã tới vài chục tỷ đồng. Tất cả người hâm mộ rất vui vì U23 xứng đáng với các giá trị thưởng. Tuy nhiên cũng có một số người bày tỏ băn khoăn: Liệu tiền thưởng đó có đến được với cầu thủ một cách xứng đáng, hay chỉ là chuyện “hứa cho vui”, “lời nói gió bay”, “có tiếng mà không có miếng?”

Các cụ ta nói: “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Rõ ràng chuyện thưởng Tết còn nói tới những điều lớn hơn của ý nghĩa vật chất. Đó còn là sự tự trọng, niềm vinh dự, cũng như những cung bậc ứng xử giữa con người với con người.

Theo Hạnh Nguyên (Báo Người Công giáo Việt Nam)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều