Sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra vào sáng nay 9.4 tại tỉnh Hải Dương là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đối thoại, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân.
Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội để những người nông dân được trực tiếp “Nói thật với Thủ tướng”. Đây cũng nguyện vọng chung nhất mà Ban Tổ chức đã nhận được những gửi gắm của nông dân từ cả những người trực tiếp tham dự buổi đối thoại và cả những người không có điều kiện đến dự buổi đối thoại này.
Trên thực tế, nói đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân cũng đúng. Song nếu xét đầy đủ ra, kể từ khi giữ trọng trách đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành rất nhiều thời gian để tiếp xúc, giải quyết những vướng mắc của nông nghiệp nước ta, mà nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ Thủ tướng quan tâm đến nông nghiệp như giai đoạn này, chỉ riêng năm 2017, Thủ tướng đã dự 17 diễn đàn, hội nghị chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều đó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Phát biểu tại buổi Lễ Vinh danh 87 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ nông dân trong tất cả các khâu từ tín dụng đến giống, vật tư đến kỹ thuật canh tác nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác quy hoạch, dự báo thị trường, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ và thu nhập ổn định cho người nông dân, không để xảy ra tình trạng phải tiếp tục giải cứu sản phẩm nông nghiệp như đã từng xảy ra thời gian qua.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn rất nhiều những vướng mắc, thậm chí bế tắc, bức xúc đối với bà con nông dân chưa được giải quyết triệt để, mà bà con nông dân mong muốn người đứng đầu Chính phủ tiếp tục đưa ra những thông điệp, có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết.
Vậy, nông dân đang muốn nói thật với Thủ tướng điều gì?
Nói thật với Thủ tướng, người nông dân hiện nay đang rất bế tắc về đầu ra cho nông sản.
Nông dân Việt Nam có thừa sự cần cù, sáng tạo, chịu khó để làm ra được nhiều sản phẩm nông sản với năng suất cao, chất lượng dần tốt lên. Song lại đang gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra, khi mà điệp khúc đươc mùa- rớt giá, trồng- chặt với những cuộc giải cứu nông sản cứ diễn ra liên miên. Từ củ gừng, củ sả, quả dưa hấu đến ngô, khoai thóc lúa, củ cải, su hào; rồi hạt tiêu, rồi đến cả con lợn, cái gì cũng thừa, cũng ế.
Vì thế, nói như TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Nếu hỏi nông dân rằng bây giờ họ cần gì ở Chính phủ nhất, chắc chắn nông dân sẽ nói: Cần nhất là thị trường, cần hỗ trợ bán hàng và tôi nghĩ Chính phủ nên tập trung làm tốt việc này”.
Nói thật với Thủ tướng, hiện có rất nhiều kẻ đang trục lợi trên lưng nông dân. Đó là tình trạng sản xuất phân bón giả tràn lan, kém chất lượng, đang tâm bán cho người nông dân.
Nông dân vốn đã có thu nhập thấp, làm nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, nay nạn phân bón giả hoành hành, khiến cho họ gặp rất nhiều bức xúc, mà bao nhiêu năm qua, các ngành, địa phương vẫn không giải quyết được triệt để.
Ngoài ra, còn có tình trạng nhiều kẻ bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm dởm, lừa đảo đi xuất khẩu lao động… mà nông dân chịu trận.
Nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương.
Nói thật với Thủ tướng, nông dân hiện nay không thiếu gì mà chỉ thiếu vốn. Nếu đất đai là tư liệu sản xuất, thì vốn được coi như dòng máu để giúp nông dân khơi thông nguồn tư liệu đó. Hầu như hộ nông dân nào khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp phải bài toán thiếu vốn. Thiếu vốn khiến nông dân không có đủ nguồn lực để mở rộng sản xuất, khai thác triệt để tiềm năng từ đất đai, chuồng trại; Thiếu vốn khiến nông dân không thể chống đỡ lại với những rủi ro của thiên tai, thị trường; Thiếu vốn khiến nông dân lâm vào cảnh bế tắc, phá sản, vỡ nợ…
Nói thật với Thủ tướng, nông dân hiện nay đang là đối tượng dễ bị chèn ép, tổn thương nhất. Ở một số nơi, nông dân phải đóng đủ thứ phí nào là phí môi trường, phí thủy lợi, bảo vệ… mà họ không biết kêu ai. Tiếng nói của nông dân nhiều khi không được coi trọng, tiếp thu.
Nói thật với Thủ tướng, vẫn còn nhiều người, chủ yếu là nông dân bị “bỏ lại phía sau”. Kinh tế đất nước trong những năm qua đã liên tục gặt hái được những mức tăng trưởng cao; tuy nhiên đi kèm đó là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa đồng bằng và miền núi ngày càng giãn cách. Bởi thế, dù dư thừa nông sản, nhưng ở nhiều nơi trẻ em đến trường vẫn phải ăn cơm mà không có thịt, mùa đông đến không có đủ áo quần để mặc ấm.
Nói thật với Thủ tướng, ở một số địa phương hiện nay có hiện tượng cán bộ, đảng viên đã lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp thành đất ở trái quy định của pháp luật. Thậm chí họ còn ngang nhiên xây “biệt thự”, “biệt phủ” trên đất nông, lâm nghiệp. Nhưng khi bị dư luận lên án, họ chỉ bị xử lý kỷ luật, còn “biệt thự”, “biệt phủ” thì vẫn tồn tại. Trong khi đó, người nông dân nếu có vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo pháp luật còn bị cưỡng chế dỡ bỏ ngay…
Nói thật với Thủ tướng, nông dân hiện nay còn rất nhiều điều muốn “Nói thật với Thủ tướng”
Theo Lê Hân/Báo Dân Việt