|
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên TMĐT rất khó khăn nhưng là cuộc chiến không thể khoan nhượng. |
Hàng hiệu vài trăm nghìn nhan nhản trên sàn điện tử
Hiện nay, chỉ cần click chuột vào bất kỳ trang TMĐT nào, người tiêu dùng cũng có thể thuận tiện đặt mua bất cứ mặt hàng nào, từ thực phẩm tới đồ tiêu dùng... Đặc biệt trong những dịp khuyến mãi kích cầu mua sắm, nhiều mặt hàng có mức giảm sâu càng thu hút các tín đồ mua sắm online.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng hóa giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Các đối tượng buôn lậu thường tìm địa điểm hẻm hóc, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Thậm chí, nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo, những chiếc túi hàng hiệu, hay nước hoa, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới được rao bán với giá vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web TMĐT, đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Tính đến hết năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.
Điển hình, trong tháng 7/2020, Tổng cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP. Lào Cai, đối tượng kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan QLTT cùng các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thành công.
|
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cùng các đại biểu tham quan Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả do Tổng cục QLTT tổ chức. |
Cuộc chiến không khoan nhượng
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.
Nhiều các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh, khiến lực lượng QLTT không kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (đối với hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ, nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn.
Ông Trần Hữu Linh dự báo, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
“Vì vậy, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ chính của QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục các chủ thể, chủ sàn giao dịch thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chứ không chỉ kiểm tra ở ngoài phố, vì ngay cả các phương thức bán hàng truyền thống thì hiện nay cũng thoả thuận trước trên mạng xã hội", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Để dẹp nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường truyền thống lẫn thương mại điện tử, lực lượng QLTT cả nước đã có nhiều biện pháp đấu tranh …Cụ thể, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục QLTT ban hành Kế hoạch số 888 về đấu tranh chống hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Thực tế triển khai Kế hoạch, lực lượng QLTT phát hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thời gian qua chủ yếu là vật tư, thiết bị y tế (gồm khẩu trang, thuốc đặc trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng. Trong đó, vi phạm nhiều nhất vẫn là khẩu trang y tế.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Nguyễn Đức Lê cho biết, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung rà soát các chính sách pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tránh chồng chéo, tạo kẽ hở pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các quy định liên quan đến xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình, nhận diện phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gia lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả. Chủ động xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống gian lận trên môi trường mạng.
Mặt khác, Tổng cục QLTT tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ trong nội địa, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế… Tổng cục cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hình thức đa dạng, thiết thực như thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…
Theo Thu Trang/Báo Tin tức