Hành động nhân danh thực thi công vụ để viết ý kiến nhận xét vào lý lịch của công dân một cách trái luật có thể gọi đó là trạng thái nhận thức kiểu “đi giật lùi” so với tư duy đổi mới, phát triển của cả xã hội.
Đó là những chuyện buồn về sự lạm dụng quyền lực ở cơ sở.
Cái buồn trước là chuyện tại xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương có cán bộ phê vào lý lịch của công dân rằng, “bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”. Bản lý lịch này được công dân chuẩn bị cho hồ sơ đi xin việc làm. Nguyên nhân là gia đình công dân này vẫn chưa thực hiện đóng tiền làm đường liên xã.
Bút phê vào lý lịch gây khó cho người dân của Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương. Ảnh: IT.
Cái buồn tiếp sau là chuyện tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cán bộ xã này phê vào lý lịch của công dân là: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương". Nguồn cơn ra đời bút phê này, theo nạn nhân kể lại, thì cán bộ xã đã giải thích là do gia đình chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới, tiền điện chiếu sáng.
Sau khi sự việc được phát hiện, báo chí đưa tin, phân tích, UBND tỉnh Hải Dương và UBND TP Hà Nội cũng đã vào cuộc xử lý vụ việc thuộc địa bàn của mình. Cả hai cơ quan này đều có đánh giá việc bút phê như trên là trái luật và chỉ đạo khắc phục kịp thời.
Đây là những trường hợp may mắn vì "nạn nhân" biết sử dụng mạng xã hội, sau đó là báo chí vào cuộc. Không thể khẳng định đây chỉ là hai trường hợp cá biệt, hy hữu.
Bản chất của hiện tượng này là chính quyền cơ sở đã lấy việc phê duyệt lý lịch làm điều kiện gây sức ép với công dân và gia đình họ phải thực hiện nghĩa vụ do địa phương đặt ra.
Đây là sự trở lại của một tư duy cũ kỹ đại diện cho "chủ nghĩa lý lịch" một thời. Mang những dòng phê lý lịch nặng nề như vậy, con đường vào đời của các em sẽ gặp bao nhiêu trở ngại.
Ở vị trí công việc của mình, mỗi cán bộ có quyền bút phê thì hẳn là phải có trách nhiệm chủ động trau dồi kiến thức, cập nhật quy định để biết việc gì mình được làm, việc gì không, để nếu có được “phê” thì cũng phê cho đúng.
Những việc làm tùy tiện, trái khoáy như thế này phải được nhìn nhận là nghiêm trọng và phải bị phê phán nghiêm khắc, lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho các cấp chính quyến, đặc biệt là ở cơ sở.
Không thể để công dân trở thành con tin của những bản lý lịch bị nhận xét tùy tiện, trái qui định của pháp luật, cản trở cơ hội học tập và làm việc cũng như thăng tiến hợp pháp, công bằng của họ trong xã hội.
Theo Xuân Thân/VOV.VN