Sầm Sơn (Thanh Hóa): Dân “kêu cứu” vì bỗng dưng bị thu hồi “sổ đỏ”

(Mặt trận) - Mặc dù vụ việc tranh chấp đất đai còn chưa ngã ngũ và cần phải tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan; tuy nhiên UBND thành phố Sầm Sơn lại vội vã thực hiện thu hồi “sổ đỏ” đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Toan (Nga An, Nga Sơn, Thanh Hóa) khiến quyền và lợi ích hợp pháp của hộ ông Toan vốn được pháp luật bảo vệ, thì nay bỗng nhiên bị đe dọa, thêm vào đó nguy cơ mất trắng tiền tỷ đã đem tiền đầu tư vào bất động sản.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Toan (trú tại xóm 5, xã Nga An, huyện Nga sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Ngày 07/3/2016, giữa ông Toan và vợ chồng ông Lường Văn Lọc và bà Nguyễn Thị Mùi (trú tại phường Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã thỏa thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 400,2 m2 đất tại thửa đất số 586, 587 và 588 tờ bản đồ 29 tại thôn Hồng Thắng, phường Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Diện tích đất nêu trên có nguồn gốc là do UBND thị xã Sầm Sơn giao cho ông Lường Văn Lọc theo Quyết định số 520/QĐ-UBND và kèm theo biên bản bàn giao đất cho gia đình ông Lọc ký cùng ngày 01/3/2016. Hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện tại Văn phòng Công chứng Tín Việt trên tinh thần các bên hoàn toàn tự nguyện.

Sau chuyển nhượng, ông Toan đã hoàn tất các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và được UBND thị xã Sầm Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CĐ 204307 ngày 31/3/2016 mang tên ông Nguyễn Ngọc Toan đối với toàn bộ diện tích đất nêu trên.

Công trình bà Tơ tiến hành xây dựng trên diện tích đất của ông Toan đã được cấp “sổ đỏ”.

Tiếp đó, đến tháng 5/2016, bất ngờ xuất hiện một người phụ nữ có tên Vũ Thị Tờ tự ý mang vật liệu tiến hành hoạt động xây dựng trên phần đất đã được cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Toan.

Ngay sau đó, ông Toan đã có đơn đề nghị UBND thành phố Sầm Sơn can thiệp buộc dừng thi công và tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết đơn thư, ông Toan được biết, trước đó, ông Lọc có thực hiện giao dịch với người khác theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có cơ quan nào chứng thực.

Vậy nhưng, ông Lọc không thừa nhận việc mua bán nói trên, lúc này, sự việc đã dẫn đến câu chuyện là các bên tiến hành giám định chữ ký trong hợp đồng mua bán.

Kết luận giám định số 919/KLGĐ-PC54 ngày 12/7/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa) xác nhận vân tay của ông Lọc và bà Mùi trùng khớp với các mẫu giám định nhưng chữ ký thì chưa đủ cơ sở kết luận là chữ ký của cùng một người trong hợp đồng.

Trong lúc vụ việc còn “mong manh” giữa cái đúng và sai, giữa tranh chấp dân sự, hay có dấu hiệu hình sự, đến ngày 02/8/2016, UBND thành phố Sầm Sơn ban hành Kết luận số 1809/KL-UBND chứa đựng nhiều nội dung bất lợi cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Toan.

Không dừng lại ở đó, UBND thành phố Sầm Sơn lại công nhận hợp đồng mua bán đất không qua chứng thực viết tay giữa ông Lọc và ông Định là có thật mặc dù Kết luận Giám định khẳng định không có cơ sở xác định chữ ký trong hợp đồng và chữ ký giám định là của cùng một người.

Đồng thời, đề xuất hủy bỏ “sổ đỏ” đã cấp cho ông Toan trước đó và chuyển hồ sơ liên quan đến việc mua bán giữa ông Lọc và ông Định sang cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự.

                 

Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Lọc và ông Đinh (em bà Tờ) không xác nhận của các cơ quan chức năng.

     Văn bản PC54 Công an Thanh Hóa gửi UBND Thị xã Sầm Sơn.

Sang ngày 13/9/2016, UBND thành phố Sầm Sơn ban hành Quyết định số 5596/QĐ-UBND thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Toan. Lý do thu hồi, hủy bỏ là việc cấp giấy chứng nhận trái quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013.

Đề cập tới vấn đề này, ông Toan cho rằng những văn bản đề nhằm thu hồi quyển sổ đỏ cho gia đình ông là hoàn toàn bất hợp lý bởi gia đình ông Toan không thuộc một trong các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, ông Toan cho biết: Trên thực tế, trong nhiều năm qua tại thị xã Sầm Sơn, không ít hộ gia đình chuyển nhượng đất ngay khi có quyết định giao đất (nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); trong đó gia đình bà Vũ Thị Tờ có rất nhiều trích lục đất được cấp từ chuyển nhượng theo cách tương tự vẫn được UBND thị xã Sầm Sơn  chấp nhận. Đến nay, hộ ông Toan bị thu hồi, hủy giấy chứng nhận là không công bằng và rất bất thường.

    

Quyết định số 5596 của UBND thị xã Sầm Sơn thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà ông Toan

Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến ông Toan rơi vào tình trạng đầu tư rất nhiều tiền mà không được sử dụng đất. Do vậy, sau khi nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên ông Toan đã làm đơn khiếu nại nhưng vẫn chưa được UBND thành phố Sầm Sơn xem xét, giải quyết dứt điểm.

Theo luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng Văn phòng Luật sư Thủ Đô thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Tại Khoản 2  Điều 106  Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp rất cụ thể, bao gồm:

“a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

Bên cạnh đó, theo luật sư Ngô Tất Hữu, qua đối chiếu các quy định trong Luật Đất đai, rõ ràng gia đình ông Toan không thuộc các trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, luật sư Ngô Tất Hữu cho rằng, Điều 5 Luật Công chứng quy định “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan…” .

Măt khác, luật sư Ngô Tất Hữu còn phân tích, Điều 52 Luật Công chứng quy định  “ ....cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”.

“Với quy định trên UBND thị xã Sầm  Sơn chỉ có quyền đề nghị tòa án hủy văn bản công chứng nếu thấy có vi phạm pháp luật. Như vậy, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền tuyên hủy văn bản công chứng Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Lọc và ông Toan” - luật sư Ngô Tất Hữu nhấn mạnh.

 

Luật sư Ngô Tất Hữu - Trưởng Văn phòng  luật sư Thủ Đô, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Công Tâm – Mai Thảo

Bình luận

Viet Minh - 07:40 11/09/2017

Đã có dấu hiệu sự bao che rõ ràng của chính quyền đối với những kẻ đang cố tình chiếm đoạt tài sản.

Trả lời

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều