Ngày hội Sneaker Fest 2018 ở TPHCM hôm 8.7 - nơi hội Rick Kid khoe những set đồ hàng hiệu trị giá hàng ngàn đôla. Ảnh: Kênh 14.
Choáng, bởi đó là những đứa trẻ còn ở tuổi cắp sách tới trường. Choáng, vì chúng quá đắt đỏ, quá xa xỉ với không chỉ những người chưa làm ra tiền, mà còn với mức bình quân thu nhập.
Nhưng câu hỏi đặt ra là bộ đồ đắt đỏ của những đứa trẻ có gì phản cảm không? Có hở hang xấu xí vi phạm đạo đức xã hội không? Có trái luật không?
Câu trả lời là không! Hay nói đúng hơn, người duy nhất có thể có ý kiến chỉ có thể là các bậc cha mẹ, những người chi tiền. Nếu đồng tiền ấy chưa phát hiện là tham ô, tham nhũng, trốn thuế..., đó chắc chắn là những đồng tiền chân chính cả theo logic thông thường cả ở nguyên tắc suy đoán vô tội.
Suy cho cùng. Đồ hiệu, xa xỉ cũng là bình thường trong bất cứ xã hội, quốc gia nào. Bởi một xã hội không thể buộc tất cả cùng may ô, cùng quân phục, cùng dép tổ ong, cùng màu xám. Cũng như việc người ta không thể rao bài học đạo đức với một doanh nhân rằng dừng uống chai rượu đắt tiền để dành tiền đó làm... từ thiện. Cũng như không thể yêu cầu một MC không được mặc áo trắng sạch sẽ vào vùng lũ.
Nhưng câu chuyện lại khác hoàn toàn, chẳng hạn với “chiếc đồng hồ của Trịnh Xuân Thanh”.
Tờ Dân trí vừa kể lại cú sốc của một Phó TGĐ thuộc loại “doanh nghiệp tỉ USD”. Trong cuộc gặp, chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 78.000 USD mà ông này đeo trên tay bị Trịnh Xuân Thanh chê cười là loại “lái xe đeo”. Và sau đó, Thanh khoe chiếc “Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G phiên bản đặc biệt với vỏ bọc làm từ vàng trắng cùng những họa tiết điêu khắc, chạm trổ tinh vi hoàn toàn thủ công. Ở thời điểm Thanh khoe năm 2015, chiếc đồng hồ có giá 1,7 triệu USD (tức là khoảng 39 tỉ đồng).
1,7 triệu USD (39 tỉ đồng) cho một chiếc đồng hồ xem giờ. Mở ngoặc, lương của chính Chủ tịch, TGĐ tập đoàn nhà nước như PVN cũng chỉ 80-85 triệu đồng/tháng.
Một đồng lương cao so với mặt bằng thu nhập nhưng không bao giờ có thể nói tới chuyện sở hữu một thứ đồ xa xỉ đến mức “thế giới chỉ vài người có”, không bao giờ có thể mua sắm những “biệt thự trăm tỉ” chỉ để tụ tập chơi bời mỗi cuối tuần. Nó thực sự trở thành vô cảm, thành vấn đề khi những dự án mà ông Thanh chịu trách nhiệm bị rút ruột, thua lỗ, trong tình trạng gần như phá sản.
Huống chi, đó chỉ là những thứ bị phát hiện.
Chiếc đồng hồ, căn biệt thự, hơn 67.000 cổ phiếu đó đã ở đâu, đã như thế nào trong tương quan trách nhiệm kê khai tài sản/thu nhập đối với một công chức có chức, có quyền. Đó mới là câu hỏi chúng ta cần đặt ra và phải trả lời chứ không phải là set đồ của những đứa trẻ.
Theo Anh Đào/Báo Lao động