Tài sản bất minh có dễ thu hồi?

Những người phạm tội tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng tài sản của họ có thu hồi được không mới là điều quan trọng.

Thời gian qua, hàng loạt vụ án tham nhũng đã được phanh phui, nhiều vụ án đã được Tòa án phán quyết và nhiều vụ án đang trong quá trình điều tra, xử lý. Hiện đang nổi lên là vụ Trịnh Xuân Thanh gây ra những thất thoát hàng nghìn tỷ khi còn là lãnh đạo của PVC.

Biết rằng, khi bị phát hiện sai phạm thì sinh mệnh chính trị, vị trí xã hội… của những người này sẽ không còn, nhưng điều dư luận quan tâm là việc thu hồi khối tài sản bất minh này được thực hiện như thế nào, có thực hiện được hay không?

 Hình ảnh Trịnh Xuân Thanh khi ra đầu thú

Thực tế các vụ án kinh tế thời gian qua, số tiền các đối tượng gây thất thoát, tham nhũng là vô cùng lớn, đặc biệt lớn! Đó là con số mà có thể là nhiều doanh nhân và những người có thu nhập cao, người lao động mơ ước cũng khó có được.

Thế nhưng, theo phân tích của các nhà  nghiên cứu lý luận gạo cội, người tham nhũng không phải chỉ “ăn” một mình. Để có thể tham nhũng được khối tài sản khổng lồ đó họ cũng đã phải "chia năm, xẻ bảy" cho những người khác để có được cơ hội tham nhũng, vơ vét của đất nước. Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng hàng nghìn tỷ ấy không phải “rơi” một cách cơ học, nguyên si vào túi Trịnh Xuân Thanh, mà con đường đi của nó rất loằng ngoằng, lắt léo.

Số tiền của Nhà nước bị thất thoát, mất đi là rất lớn, nhưng thực tế nó đã bị rơi rụng ở nhiều khâu nên tỷ lệ tài sản Nhà nước thu hồi lại được rất nhỏ, thậm chí nếu không muốn nói là không có gì.

 

Theo kết luận của UBKT Trung ương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mắc sai phạm lớn trong quá trình cổ phần hóa Công ty CP bóng đèn Điện Quang.

Tham nhũng không đơn giản là việc chiếm dụng một khoản ngân sách lớn của Nhà nước. Tham nhũng xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, bình diện khác nhau. Nhiều khi đó là sự lợi dụng chính sách, những người có địa vị, được giao trọng trách quản lý đã giành về mình những ưu thế trong việc sử dụng đất đai, tài sản của nhà nước để sinh lời cho bản thân, người nhà...

Mục đích chống tham nhũng là trừng trị đích đáng, đúng pháp luật kẻ tham nhũng nhưng cũng phải thu hồi được tối đa tài sản đã bị thất thoát . Thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ khắc phục được hậu quả nguy hiểm cho xã hội, trả lại nguồn lực cho đất nước mà còn có ý nghĩa cảnh báo, ngăn chặn hành vi tham nhũng, triệt tiêu động cơ kinh tế của những người có khả năng và cơ hội tham nhũng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm kinh tế nhưng hầu như không bị xử lý.  Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận 115 cuộc kiểm toán, phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính 14.781,9 tỷ đồng nhưng không phát hiện tham nhũng. Qua công tác thanh tra đã ban hành 138.953 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 13.075 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 69 vụ/107 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó có 49 vụ/95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Thực trạng này có lẽ đã chưa răn đe được những người nắm “tiền – quyền” tiếp tục tham nhũng.

Quyết tâm chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân ta đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy”. Rõ ràng, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các cơ quan chức năng phải làm sao thu hồi triệt để tài sản đã tham nhũng và đưa cả những người chống lưng cho những kẻ tham nhũng ra ánh sáng.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều