Thêm phiền hà hay cải cách khi ghi tên các thành viên vào sổ đỏ?

Quy định này sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình.

Hôm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm làm rõ một số quy định mới trong Thông tư số 33 do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 tới đây liên quan đến sổ đỏ.

Tại buổi tọa đàm, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, về quy định của pháp luật hiện hành, có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận (hay còn gọi là sổ đỏ) và hộ gia đình là 1 trong 17 trường hợp thể hiện thông tin trên giấy chứng nhận.

 Tọa đàm Làm rõ quy định mới về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quy định mới của Thông tư 33 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành sẽ xử lý hệ quả của quá trình trước đây, khi việc quản lý đất đai chưa tính đến vấn đề cá thể hóa quyền sử dụng đất như hiện nay, dẫn đến những tranh chấp không thể giải quyết được trong thực tế.

Bản chất của sự điều chỉnh lần này là điều chỉnh thể hiện thông tin của các chủ thể, là thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất. Bởi, trên thực tiễn, việc ghi tên chủ hộ gia đình, khi giá trị đất đai lên, chính sách thu hồi, đền bù có sự thay đổi... sẽ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giữa các thành viên trong gia đình, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án.

Hoặc trường hợp khác, khi Nhà nước thực hiện dự án phát triển, thu hồi đất, các thành viên có người có quyền, người không, không xác định rõ ràng thành viên nào có quyền nhằm đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ đền bù.

Do vậy, quy định  này sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, đảm bảo việc minh bạch trong việc giao dịch quyền sử dụng đất sau này và thực hiện việc hỗ trợ đền bù khi nhà nước có nhu cầu thu hồi đất.

 

Người dân làm thủ tục sổ đỏ ở TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong.

 Quy định này cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự. Về vấn đề giải quyết các sổ đỏ đã cấp trước đó như thế nào,

“Đối với các sổ đã cấp trước đây, tại Điều 98 của Luật Đất đai, các giấy chứng nhận đã cấp trước đây đều vẫn có giá trị pháp lý và việc cập nhật, chỉnh lý, bổ sung tên cho đúng theo quy định khoản 5, điều 6 của Thông tư 33 là khi các giao dịch đó thực hiện ở các cơ quan có thẩm quyền thì trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật đúng  tên mà chủ thể là thành viên của hộ gia đình mà chung quyền sử dụng đất lên, người sử dụng đất không phải thực hiện bất cứ việc gì thêm”, ông Mai Văn Phấn cho biết.

Một thực tế là lâu nay, chúng ta chỉ định nghĩa về khái niệm “hộ gia đình” chứ chưa thể hiện trên giấy tờ nên dẫn đến các vướng mắc khi mua bán, giao dịch liên quan đến tài sản gắn liền với đất.

Theo quy định của Luật Đất đai, Hộ gia đình là một chủ thể trong các chủ thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố: có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng; cùng sống chung và có tài sản đóng góp, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó. Việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rất cần thiết và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, bản chất quy định mới của Thông tư 33 không khác gì so với Thông tư 23 trước đây, chỉ khác là đối với cá nhân có thêm thông tin căn cứ và chứng minh thư. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hẳn là những người có tên ở tại thời điểm cấp giấy chứng nhận mà là tại thời điểm được giao đất.

“Chúng ta đang hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử, Hà Nội đang xây dựng hạ tầng cho thành phố thông minh. Khi đạt được đến mức này rồi thì thông tư này, thậm chí thông tư tiếp theo đòi hỏi tính pháp lý phải nâng cao hơn nữa. Đây là bước mà chúng ta chuyển tới chính quyền điện tử. Cơ quan tài nguyên môi trường chúng tôi thực hiện cấp giấy chứng nhận sẽ vô cùng đơn giản, tôi khẳng định luôn không có thêm thủ tục hành chính, không có gây phiền hà, không gây rắc rối”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Theo Thy Hạt/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều