Chỉ "cởi lòng" với đại gia có thư ký gửi tiền đặt cọc
Các "phù thủy" hô biến nhiều cánh rừng, nhiều hàng cây cổ thụ đẹp mê hồn ven sông suối, ven các đồi nương và thung lũng thơ mộng đã dùng thủ đoạn gì?
Tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, nhóm PV được một thợ buôn gỗ dặn: muốn vào vai "đại gia", phải nắm đúng được cách mà dân buôn cây cảnh đại thụ quan niệm thế nào là đại gia.
Xe ô tô đẹp, bụng phệ, ăn nói nhênh nhang một tí; và phải có thơ ký đi sau ghi số tài khoản của chủ buôn để sớm chuyển khoản "cọc tiền". Chú lái xe phải xăng xái lo cho ông chủ, ông chủ chỉ ngắm cây và tung ra những nhận xét trên trời.
Quả nhiên, theo kế hoạch trên, các chủ cây mới vừa dè dặt "nói không" với vài thành viên trong nhóm chúng tôi, lập tức thay đổi thái độ "gọi dạ bảo vâng" ngay.
Cây cổ thụ được khai thác và buôn bán nhiều nhất là cây bằng lăng
Chúng tôi lái xe đi rà rà dọc quốc lộ 14, cũng chính là Đường Hồ Chí Minh huyền thoại từ Đà Nẵng qua Quảng Nam lên Kon Tum rồi ngược phía Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Thấy một xe máy cày càng (công nông) nổ phành phạch đinh tai nhức óc, càng xe nghều ngào như con gọng vó cứ lừng lững lao đi, bất chấp mọi quy định về an toàn giao thông. Thùng xe là một bậc đại thụ bằng lăng bị bứng cả gốc với bầu đất to tròn được bọc bằng lưới thép B40.
Cây cổ thụ đang được vận chuyển đi tiêu thụ tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Cây bằng lăng bị chằng buộc nằm dọc thùng xe, da cây trắng ngà, thân thăn thớ. Nước thời gian gội cho đại lão bằng lăng thật uy nghi hoành tráng. Tiếc thay, chúng đã bứng cụ từ rừng về, chặt gần hết rễ, thân của cụ cũng cụt lủn còn độ 5m. Đó là quy cách phổ biến của cây cảnh cổ thụ hiện nay.
Người ta chơi gốc cây to, thân cây lớn cắt chỉ còn vài mét tính từ gốc. Rồi trên đỉnh của cây khi trồng, họ sẽ ghép các loại hoa tường vi trong và ngoài nước vào.
Mùa đến, hoa tím thủy chung nở miên man. Tường vi ngoại nở rất bền, sau hoa thì tàn chứ không ra quả. Hoa rụng lứa nọ thì lứa kia lại lên. Đó là lý do cây bằng lăng có thân chắc nịch, thăn thớ, u mấu, "da" đẹp bị cạo trọc, vét nhẵn ngoài thiên nhiên hoang dã.
Vận chuyển cây từ rừng về nhà vô tư chạy trên quốc lộ mà không bị cơ quan chức năng phát hiện
"Nhắm" trúng con mồi khả nghi, chúng tôi lập tức áp sát, mở cửa kính xe, cố làm ra vẻ cả nhóm đang thi nhau chụp ảnh bằng smart-phone đắt tiền. Tỏ ra thích thú, tôi - ở tuổi trung niên tóc bạc - hất hàm thò đầu ra khỏi xe, hỏi vài câu trịch thượng: "Này, các chú em, cây đẹp đó, có bán thì ta mua".
Rất bất ngờ! Thay vì xuống xe hỏi han, phát giá, chiếc máy cày càng gục gặc rồ ga lên, tỏ vẻ hơi sờ sợ. Trên xe, từ tài xế đến phụ đều nhìn ngược nhìn xuôi, quan sát các máy đang chụp ảnh, rồi vẫy tay ra hiệu "im lặng".
Chúng tôi kiên nhẫn đi theo, vẫn nói những câu trịch thượng: "Cây đẹp, chúng mày không bán, đem làm củi nấu bánh chưng nó phí ra".
Nhóm đào và vận chuyển đại thụ vuốt mồ hôi, ra hiệu cho chúng tôi bám theo vào một con đường đất đỏ mà xe bán tải hai cầu đời mới nhất cũng vô cùng chật vật để bò qua các ổ voi ổ khủng long được.
Theo người dân việc vận chuyển vô tư vì cây khi khai thác đã được sự chấp thuận của chủ cây
Đi vài cây số, cu cậu vẫn ra hiệu đi theo. Thấy chúng tôi ngần ngừ. Cu cậu đen nhẻm từ máy cày càng nhảy xuống, ra sát mũi xe, lễ phép: "Bác mua cây ạ? Đi theo cháu. Ngoài đường này không tiện nói chuyện".
Đi khoảng 15 phút thì đến một khu ruộng lúa kèm theo vườn điều, dốc dác kinh người. Máy cày lướt trên cỏ, trên các nương khô cằn cỗi toàn cây chết khô. Bên kia tắt máy. Tôi mở cửa.
Hóa ra là một khu tập kết cây cảnh đại thụ về "ươm" tạm của họ. Mọi giao dịch qua zalo hình ảnh rồi chuyển khoản. Xe cẩu đi qua nương rẫy, bò vào đây, buộc dây xích sắt lớn, "cõng" cây đi từ Bắc chí Nam.
Cây từ rừng được chở thẳng vào vườn ươm là đất có sổ đỏ để chờ cơ quan có thẩm quyền đến chứng nhận là cây của nhà trước khi xuất bán
Cần kiểm lâm, Chủ tịch hay Công an xã chứng nhận? - "Cho mấy lít là xong!"
N. là chủ khu "vườn ươm đại thụ" có dáng thon gọn, rắn rỏi như con báo, quê gốc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang giới thiệu: "Nhà tôi ở gần Khu bảo tồn Thiên nhiên Khe Rỗ đấy, trước tôi là kiểm lâm, thả hàng nghìn con rùa tang vật các vụ buôn bán lậu vào Khe Rỗ, chú ạ".
Sau này kết thân, đến nhà N. ở xã Ea H’leo chơi, bố N. khoe: "Thằng cu nhà tôi nó ở trên rừng suốt, có khi ba ngày mới về. Nó đào cây cảnh mà".
N. tuổi 8x, vợ con đề huề, nhà to, toàn bằng gỗ quý, lại có cả xưởng gỗ chuyên chế tác nhà gỗ để bán, ngay ở xã Ea H’leo. Những bộ sập gỗ mà N. đang trưng bày và làm chỗ mở tiệc đãi khách ở trong nhà, có đường kính gần 2m.
"Khi mua về, hơn ba chục thợ làm gỗ của em mới khiêng được sập này vào. Em phải tháo cả khung cửa nhà ra mới khiêng lọt vào cơ mà".
Nhà của N. được dựng toàn bằng gỗ, trước nhà N. để một cây bằng lăng đã ghép tường vi để chào hàng khi có khách đến nhà
N. có tài sản lớn, quan trọng hơn, cậu là dân buôn gỗ lâu năm, nên có quan hệ tốt với kiểm lâm và chính quyền sở tại. Khi phong trào đào tận gốc trốc tận rễ các cây bằng lăng cổ thụ rộ lên, sẵn nong sẵn nế, N. chớp thời cơ làm luôn.
Cây bằng lăng cổ thụ ở sân nhà N., qua công nghệ ghép tường vi tím xuất sắc của mấy cậu đàn em N., nay, đã nở hoa. Cậu đưa chúng tôi về nhà và khoe. Khoe cả cao hổ nấu nguyên con, "chung chơi" với bạn bè.
Tại nương "ươm" các cụ đại thụ bằng lăng của N., câu chuyện bắt đầu, chúng tôi ghi hình bí mật toàn bộ. N. nhanh thoăn thoắt, điều khiển công nông vượt núi, đào hố ươm cây, buộc xích sắt cẩu cây, trèo thang cao ghép mắt tường vi vào các "bằng lăng lão mộc tinh".
Có lúc, cậu ngồi trong hốc cây cảnh cổ thụ đang đứng uy phong trong vườn ươm nhà mình mà dốc bầu tâm sự với "đại gia" đang sắp vung tiền mua cả công-ten-nơ đại cảnh mang ra Hà Nội "trồng" vào trang trại của tôi - trong vai con một "đại gia" đương chức, "cụ ông" không muốn ra mặt mua hàng.
N. đưa nhóm PV đến thăm khu vườn ươm đề hô biến cây rừng thành cây của nhà mình
N. nói: "Anh thông cảm. Lúc nãy, bọn em không dám nói chuyện ở ngoài quốc lộ, vì người dân và cán bộ nhìn vào. Cây bằng lăng này vài chục triệu đồng, bọn em đào ngoài rừng về. Vừa đánh, vừa khiêng, vừa cẩu, vừa chuyển bằng máy cày càng, hiểm trở lắm. Mất 3 ngày mới về được đến đây. Còn chưa tắm rửa gì.
Cây này chưa có giấy tờ gì, nếu không phải là em vận chuyển thì kiểm lâm "nó" bắt ngay từ dọc đường. Cán bộ lâm trường họ bắt ngay từ khi mình ra rừng đào trộm. "Phải quan hệ hết!".
Phải về đến vườn thì mới là cây của em. Đất này em có sổ đỏ. Coi như cây vườn nhà em, em bứng đi bán. Em làm giấy tờ bán, xác nhận là cây của mình. Bảo thêm mấy thằng "địa bàn" (kiểm lâm địa bàn), với Chủ tịch xã hay Công an xã ký chứng nhận vào, đóng cả dấu vào là xong!".
Nói rồi, cu cậu đi về nhà tắm.
Ngoài những cây thăn thớ, u mấu, người săn lùng gỗ còn khai thác cả cây thẳng, đường kính lớn, thể hiện sự già nua, cổ kính trên cây
Khó khăn nhất là việc truy xuất hồ sơ nguồn gốc lâm sản
Trước đây, theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT quy định cây tự nhiên còn sót lại ở các nương rẫy đã có sổ, muốn sử dụng khai thác, buôn bán hợp pháp phải có sự giám sát, xác nhận của kiểm lâm địa bàn, UBND xã, người dân và cộng đồng khu dân cư.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, Bộ NNPTNT có Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT việc khai thác cây có nguồn gốc từ tự nhiên, cây trùng tên với các loại cây trong rừng thì 2 bên người mua và người bán tự làm bản kê với nhau là có thể vận chuyển, buôn bán hợp pháp.
|
Theo Nhóm PV Điều tra/Dân Việt