Câu chuyện nêu trên và các trường hợp tương tự ở địa phương khác được đưa lên mạng xã hội, qua đó nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, được nhiều phụ huynh quan tâm chia sẻ. Các phụ huynh cho rằng không có quy định nào xử phạt việc sinh con thứ ba và thủ tục cấp giấy khai sinh không phải mất phí. Mặc dù vậy, trước yêu cầu của cán bộ tư pháp cơ sở, gia đình, phụ huynh đành "tự nguyện" nộp tiền cho "quỹ dân số kế hoạch", để sớm được làm các thủ tục khai sinh cho con, cháu mình.
Tại cuộc họp báo do Bộ Tư pháp tổ chức tuần qua, giải đáp phản ánh của báo chí về việc người dân ở một số địa phương phải "nộp phạt", hoặc "tự nguyện đóng góp" một khoản tiền khi đăng ký khai sinh cho con thứ ba trở lên, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp Ðỗ Ðức Hiển cho biết: Trước thông tin báo chí phản ánh, Bộ chỉ đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phối hợp Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra, xác minh tại một số địa phương. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, sự việc báo chí phản ánh là có thật. Theo lời giải thích của đại diện địa phương thì đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên.
Trên thực tế, ở không ít nơi, hằng năm, xã, phường cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, với sự tham gia chủ yếu của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong bản cam kết có nêu nội dung, như các hộ gia đình nếu để xảy ra vi phạm chính sách dân số, thì "tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất hai triệu đồng" cho ban dân số, kế hoạch hóa gia đình địa phương… Theo quan điểm này, dù bản cam kết chỉ mang tính "tự nguyện", nhưng người dân vi phạm sinh con thứ ba cần có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp vào quỹ dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần hỗ trợ thực hiện các vấn đề dân sinh, xã hội khác trên địa bàn dân cư…
Tuy nhiên, không tán thành quan điểm này, người phát ngôn Bộ Tư pháp nêu rõ: Việc UBND cấp xã yêu cầu người dân phải "nộp phạt" hoặc "tự nguyện đóng góp" một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ ba trở lên là không phù hợp những quy định pháp luật hiện hành. Bởi vì, quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân (dân sự) cơ bản nhất của trẻ em đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em, và được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ở Việt Nam, quyền được khai sinh được khẳng định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Ðiều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015; Ðiều 13 Luật Trẻ em năm 2016; Ðiều 6, Ðiều 15 của Luật Hộ tịch năm 2014.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Ðiều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là "chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định". Theo đó, yêu cầu người dân phải "nộp phạt", hoặc "tự nguyện" đóng một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với những trường hợp sinh con thứ ba là trái với quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực vừa qua đã gửi Công văn số 422/HTQTCT-HT đến Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, yêu cầu chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện đúng quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ em; không được có bất cứ hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Hơn nữa, rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm thì sẽ đề nghị chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp ở địa phương (UBND, HÐND các cấp), không được thu tiền của người dân liên quan việc đăng ký khai sinh do sinh con thứ ba trở lên dưới bất kỳ hình thức nào, để bảo đảm phù hợp quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của công dân, của trẻ em.
Theo Thái Trung /Báo Nhân dân