Ảnh minh họa - Nguồn: qdnd.vn
Nhưng, khen là để thưởng, chê là để phạt! Bởi chưng như thế, nên muôn đời sự khen chê lại càng không cũ, chuyện thưởng phạt lại càng như sự canh tân, thậm chí “nhật tân hựu nhật tân tân”! Vì thế, suốt bấy năm nay, chung quanh chuyện khen chê, thưởng phạt nảy nòi muôn điều ái, ố, hỉ, nộ... Theo đó, vô hình trung, lại đang là chuyện cửa miệng đàm tiếu không chỉ nơi nhân gian rộng nhớn mà còn biến thành bao việc xót xa đến... cười chảy ra nước mắt, làm cho nhiễu loạn... cả những chốn công đường!
Trên khen dưới... thưởng(!)
Ấy là kiểu khen nịnh, mà lại là... nịnh ngược(!). Cấp trên nịnh cấp dưới, tạm gọi là nịnh ngược. Mà nịnh ngược theo mùa: mùa bầu cử, mùa đại hội... Cấp trên ra sức khen... cấp dưới, tới mức không tiếc giấy, chẳng hẹp nhời bao giờ. Trình là khen, gợi ý... khen, thậm chí là chỉ tiêu... khen! Phần thưởng thì dưới... chủ động lo, thậm chí cả việc xã hội hóa mà lo thưởng. Mùa khen vãn, người khen đắc chí trúng cử, trúng bầu... thì khen kia cũng tàn, theo... gió mà bay đi!
Và khen kia lại đợi đến... mùa nịnh ngược năm sau, nhiệm kỳ sau!
Khen... huếnh!
Ấy là kiểu khen “vẽ rắn thêm chân”, “khen phò mã tốt áo”... Nói như dân gian là: có một khen mười, khen để bốc thơm(!). Đó là sự điêu toa, thậm chí là giả dối và lừa phỉnh. Huếnh để khoe mẽ, để đánh bóng mình và đánh bóng nhau, để lừa lọc! Khen huếnh để trát phấn, bôi vôi, tô vẽ, phường tuồng cũng thua, để rắp mưu lên chức, đoạt quyền. Làm thì chơi khen thì thật, chả làm cũng vẽ ra khen. Cái được gọi là thành tích, công huân... chỉ do khen huếnh, chỉ là con diều bằng giấy, chẳng mưa cũng tan, chửa đốt đã cháy, làm hại tất cả. Thế mới có chuyện: Mười người ngực đeo đầy huân chương lại bề bề chức nọ quyền kia, nhưng chỉ khênh... một cái kim(!), đầy hài hước! Chẳng ai tin sự khen nữa. Khi mất hết lòng tin ở chuyện khen thưởng, thì người tốt thượng sách là... buông xuôi, người dở thì mặc sức tô trát huân, huy chương đầy ngực phù phiếm!
Thế là giết chết sự khen chân chính!
Khen từ trên xuống...!
Xưa các cụ bảo: Hình pháp không chừa khanh tướng, khen thưởng không sót thứ dân. Hồ dễ thời nay chả mấy ai thuộc mà làm. Mà họ có thuộc thì cũng làm... ngơ! Dân gian lưu truyền: Cuốc xẻng phân từ dưới phân lên, đường sữa phân từ trên phân xuống. Chuyện khen ở đây cũng thế! Khen theo phẩm trật, chứ chẳng vị công lao hay cống hiến nhỏ to. Cấp to khen to, cấp bé khen nhỏ, không cấp không khen! Thế mới có chuyện, một người cởi trần, thầm lặng dời cả quả núi, mà suốt đời không một lời đếm xỉa, đến mức chả thể sánh tày mười anh huân chương đầy ngực xúm xít chỉ khênh một cái... kim.
Sự khen đã tự... làm nhục mình!
Khen thưởng trong... chum!
Ấy là kiểu khen dấm khen dúi, khen... vụng, khen vịu! Khen là do suy tôn mà có. Nhưng, người trình khen thì... liều lĩnh ký trình! Người ký khen thì quan liêu, tắc trách... liều lĩnh “ký đại”(?). Người được khen thì giấu nhẹm giấy khen, bằng khen tận đáy... hòm, chỉ lén “ghi thầm” cái gọi là thành tích, công lao, cống hiến được khen trong lý lịch! Chả dám công khai. Như là... đánh quả! Như buôn bạc giả vậy! Thế thì còn gì là khen, nếu không nói là phản khen?
Thế là không ít nơi có những loại danh hiệu... tăm tối!
Khen hất... xuống, phạt... thăng lên!
Đây là thứ khen hiểm! Khen để kiếm cớ đẩy họ đi, để rộng chỗ, thế người cùng cánh vế thế vào. Khen để điều động người được khen vào chỗ khó, để thách đố, để trừng phạt... Muôn vạn trò khen để hất đi, hất xuống. Ngược lại, chê để... đưa hất lên! Đây là thứ chê... để thưởng. Ai ai cũng thấy, giao việc gì của chuyên viên, anh ta làm cũng hỏng, ai cũng chê, thì tốt nhất cho làm... phụ trách. Không ít nơi, người không thạo việc gì thì cho làm... “lãnh đạo”! Thế là trắng đen lẫn lộn, phải trái đảo chiều, chả ai muốn hăng say làm tốt, chả ai nỗ lực để giỏi giang nữa!
Thế là kỷ cương rối loạn, phép công như bùn, hậu họa khôn lường!
Khen để... đắp tội, chạy tội!
Đó là trò công khai đánh cắp... danh hiệu. Loại này sử dụng danh hiệu như bùa hộ mệnh, để giảm tội, chạy tội khi bị xử phạt vì mắc tội. Nên họ chạy danh hiệu, thậm chí mua cả... danh hiệu. Vài năm trước, thậm chí năm trước nhận danh hiệu, năm sau bị khởi tố. Xưng xưng mọc mọc để... khen.
Ai mua, ai “bán” danh hiệu? Chả cần nói thêm, cũng rõ! Cả hai tất rước họa vào mình!
Khen kiểu... hội làng!
Ấy là kiểu khen hờ khen hững. Đãi bôi. Tùy tiện. Mặc sức ký khen, đẹp lòng tất cả. Thậm chí cả bình bầu danh hiệu khen thưởng bằng... vỗ tay(!). Cả làng đều vui! Thế mới có chuyện ngực ai ai cũng treo đầy danh hiệu nhưng làng thì... nát như tương Bần, đơn vị thì rối như... canh hẹ!
Chuyện khen chê như thế và đại loại như thế, kể sao cho xiết. Thảo nào, chủ nghĩa thành tích ngày một lan rộng. Nhưng nguy cơ nảy nòi thứ chủ nghĩa thành tích mới, còn nguy hại hơn! Một người nói dối để được khen đã là xấu hổ chỉ riêng họ và những ai khen! Nhưng, một tổ chức dối trá để được khen và những ai giúp sức để khen thì nguy cơ tan vỡ cả một tổ chức là nhãn tiền; và cả những người khen tự làm mất mặt mình!
Vì thế, cổ nhân nói: Khen tùy tiện, phạt lung tung, tất là gieo... loạn! Mà loạn nhân tâm mới là đại họa; mà vãi chài... khen... chê thực là một trong những thứ đáng sợ bậc nhất trên đời
Theo Nhị Lê/Tạp chí Cộng sản