Mới đây, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I, Văn phòng Chính phủ) đã ký ban hành văn bản số 823/VPCP-V.I ngày 28/01/2019 gửi UBND thành phố Hà Nội chuyển đơn thư của ông Phạm Văn Đạc, bà Nguyễn Thị Điệp và một số công dân tại tổ dân phố số 3 Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm để kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền, đề nghị thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ.
Nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước cách thực hiện dự án theo kiểu áp đặt lấy đất, làm đường của quận Nam Từ Liêm.
Theo người dân, dự án được chuẩn bị triển khai từ cuối năm 2014 nhưng cho tới nay khi triển khai vẫn còn rất nhiều ý kiến không đồng thuận liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và giải quyết các chế độ chính sách. Các ý kiến của một số hộ dân chưa được chính quyền địa phương lắng nghe và giải quyết một cách thỏa đáng.
Dự án khi triển khai sẽ ảnh hưởng tới cả trăm hộ dân thuộc các tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng, họ sinh sống ổn định, liên tục từ nhiều đời nay, thậm chí có cả những hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; thế nhưng, dù có quyền lợi sát sườn như vậy, người dân lại chưa hề được phổ biến, chưa được bất cứ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tổ chức họp lấy ý kiến cho dự án trên.
Ông Phạm Văn Đạc, tổ dân phố 3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì cho rằng, dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn triển khai rất thiếu minh bạch, thiếu khách quan khi phương án hiện tại so với bản đồ quy hoạch mà người dân đã biết trước đây thì có sự khác biệt đáng kể. Ngoài ra, dự án không hề lấy ý kiến người dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, không công khai các giai đoạn thực hiện dự án theo đúng Luật Quy hoạch hiện hành?
“Cùng với đó, mức giá đền bù của dự án đưa ra từ 20 - 46 triệu đồng/m2 đất là không thỏa đáng, chỉ bằng 1/5 đến 1/10 giá trị thực tế khiến quyền lợi của người dân ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề” - Ông Phạm Văn Đạc nói.
Mặt khác, tại một số hộ, mặc dù chung một dải đất, đều sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ trước ngày 15/10/1993, tuy nhiên, khi xây dựng phương án áp giá đến bù thì UBND, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư quận Nam Từ Liêm lại chia ra thành nhiều loại đất như đất giao thông, thủy lợi do UBND phường quản lý để không phải thực hiện việc chi trả, đền bù.
Và nhiều hộ dù đã được giao đất giãn dân do Hợp tác xã Hồng Tiến cấp và thu tiền đất nhưng nay lại không được công nhận?
“Ngoài phần bồi thường thiếu diện tích đất, trên thực tế để thi công 1m2 nhà trên thị trường có mức giá từ 5 - 7 triệu đồng. Nhưng đơn giá bồi thường áp dụng cho các công trình, vật dụng kiến trúc bằng 10% giá thực tế như hiện này là chưa phù hợp. Mong rằng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà đất bị thu hồi” - bà Nguyễn Thị Điệp, một người dân thuộc diện thu hồi đất bức xúc cho biết.
Nhiều phần đất lưu không do UBND phường Mễ Trì quản lý nằm sát đường mở rộng nhưng quy hoạch vẫn lấy vào phần đất đã có sổ đỏ của người dân.
Khi được hỏi về Quyết định số 6762/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án, bà Nguyễn Thị Điệp nói, đây là lần đầu tiên dân cư tại đây chính thức được biết về phương án cải tạo mở rộng ngõ, nếu được thông tin sớm hơn và lấy ý kiến đầy đủ thì dự án đã được ủng hộ và không nảy sinh nhiều bất cập đến như vậy.
Tại Khoản 4 Điều 20 Luật Quy hoạch đô thị 2009, quy định trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, nêu rõ: “Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định phê duyệt”. Theo bà Điệp cũng như nhiều dân khác thì họ đã ở lâu đời rồi, nhà đất đã được thành phố cấp giấy phép xây dựng và “sổ đỏ”nghĩa là đã sinh sống trong đất ở được quy hoạch lâu dài của thành phố.
Bây giờ “đùng một cái”, quy hoạch nào đó lại lấy đất, lấy nhà của chúng tôi phục vụ dự án khác thì chúng tôi cho rằng là không thỏa đáng và đề nghị chính quyền thành phố và quận phải làm rõ chuyện này về mặt pháp lý, trình tự thủ tục, quy định của pháp luật.
Tại sao lại có chuyện đánh cong con đường đoạn từ cho Mễ Trì Hạ đi theo đường Ao Khoang để lấy vào đất của dân đang sinh sống ổn định, trong khi phía đối diện còn thừa quỹ đất lưu không. Rất nhiều hộ gia đình hiện đang sinh sống tại đây đều được các cấp có thẩm quyền cấp đất, xây nhà và có “sổ đỏ” đầy đủ?. Đó là câu hỏi về sự vô lý và bất công mà người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đặt ra.
Nhiều hộ trong diện giải phóng mặt bằng cũng bày tỏ lo lắng khi cuộc sống của họ gắn liền với mặt ngõ này để làm nơi mưu sinh, kiếm sống hằng ngày. Bây giờ lấy đất làm đường mà không được bố trí tái định cư tại chỗ thì nhiều người chưa biết làm gì để có thể tồn tại.
Đa số người dân đều cho rằng, để hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà nước, giảm tối đa thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống người dân mà vẫn đảm bảo lưu thông khu vực, dự án cần điều chỉnh cục bộ dự án theo hướng lấy đất chếch sang phần đất lưu không do UBND phường Mễ Trì quản lý về phía chợ Mễ Trì Hạ; đồng thời, đây là đường nhánh nên không nhất thiết phải mở quá rộng, chỉ cần mở rộng vừa đủ, nhất là khi lòng đường quy họach rộng hơn 15m mà lấy đất người dân đang sinh sống để làm vỉa hè rộng tới 15m (cộng cả 2 bên hè) thì là quá bất hợp lý.
Do đó, chính quyền quận Nam Từ Liêm không thể mãi im lặng mà cần có cuộc đối thoại với người dân để làm rõ trắng đen, đúng sai. Một quyết định, một dự án với bất cứ lý do gì mà không đảm bảo công bằng, đúng pháp luật và minh bạch thông tin thì hẳn nhiên không thể có được sự đồng thuận từ nhân dân. Đằng này Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì lại đang tồn tại nhiều bất cập theo như người dân phản ánh.
(Mặt trận) - Trước thềm Năm mới, đón Xuân Kỷ Hợi 2019, thay vì cảnh nô nức, vui vẻ như mọi năm, hàng chục hộ...
Phan Anh Tuấn