|
Đá tự nhiên lát vỉa hè tại một số tuyến phố Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. |
Như bài trước Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, đá lát vỉa hè Hà Nội được quảng cáo có độ bền lên tới 70 năm, nhưng trên nhiều tuyến phố mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần vì thiếu quy hoạch đồng bộ, phần do sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng đá cũng như công tác triển khai thi công đào hè, đường...
Đá lát vỉa hè “kém chuẩn”
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 6 và quý II/2020 của UBND Thành phố Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đá lát vỉa hè trên địa bàn thành phố có nhiều chủng loại khác nhau nên cường độ nén uốn cũng khác nhau. Hiện nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn sử dụng đá lát vỉa hè có cường độ nén uốn chỉ bằng 1/3 so với quy chuẩn và yêu cầu. Bên cạnh đó, về độ đồng chất của vật liệu đá, một số khu vực mỏ vẫn sử dụng phương pháp khai thác bằng nổ mìn, đá khai thác bị “om”, chất lượng không đồng nhất nên dễ bị nứt gãy. Do đó, trong quá trình chuẩn bị vật liệu đá, các địa phương cần hết sức lưu ý đến nguồn gốc, cường độ nén uốn và độ dày của đá.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, thực trạng xuống cấp của vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân: Chất lượng của đá và chất lượng của công tác lát đá. Người đứng đầu thành phố có thể căn cứ vào các nguyên nhân này để xử lý trách nhiệm. Đá lát được cưa xẻ từ những tảng đá lớn. Những tảng đá lớn đó phải kích nổ để lấy từ núi về, sau đó trải qua hàng loạt công đoạn mới cho ra được những viên đá lát đưa về Hà Nội. “Ra lò” từ tảng đá bị kích nổ, có viên đá còn nguyên vẹn, nhưng có những viên đá được lấy từ phần đá chỗ gần thuốc nổ sẽ bị “om”, tức là có những vết nứt ngầm rất nhỏ, chỉ khi đưa vào kính hiển vi mới thấy được mặc dù nhìn bằng mắt vẫn bình thường như bao viên đá khác.
Do đó, trước khi mang đá về lát vỉa hè, đơn vị chuyên môn phải thực hiện quy trình chọn lựa tỉ mỉ, viên nào tốt thì lấy, viên đá nào “om” phải loại ra. Nhưng họ lại không làm, kiểm tra bằng mắt không thấy vấn đề gì là mang đi lát ngay. Những viên “om” được sử dụng dưới tác động lực của phương tiện hàng ngày sẽ nhanh chóng bị nứt, vỡ. Bên cạnh đó, lát đá quan trọng là lớp lót nền phải phẳng, không được lún, nếu có sự chênh lệch cốt nền dẫn đến nứt vỡ đá. Để xảy ra hiện trạng thực tại, là do công tác quản lý thi công hời hợt, buông lỏng.
|
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu việc triển khai thi công lát đá vỉa hè cần tuân thủ nghiêm quy trình ba bước, tuy nhiên thực tế liệu có đúng so với quy định? |
Chất lượng thi công chưa bảo đảm
Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản số 377/TB-SXD thông báo chỉ đạo của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố gửi UBND các quận, huyện, thị xã; trong đó nêu rõ các yêu cầu đối với việc lát đá vỉa hè.
Về quy trình thi công, UBND các quận, huyện, thị xã tuân thủ nghiệm thu tại 3 bước thi công: Một là chỉ triển khai lát hè khi đáp ứng yêu cầu phải đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền...). Lưu ý đơn vị thi công xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cấp thoát nước... phải bảo đảm kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún mặt nền lát hè. Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.
Hai là bê tông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế; lấy mẫu kiểm tra cường độ bê tông theo quy định và phải nghiệm thu trước khi chuyển bước thi công lát đá.
Ba là các viên đá lát phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu trước khi lát. Đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh.
Tuy nhiên, nhiều người dân băn khoăn đặt câu hỏi, thực tế liệu có đúng so với những yêu cầu của Sở Xây dựng Hà Nội?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Định (60 tuổi, trú tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa) nhận xét, chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là rất tốt, vấn đề ở đây là quá trình thi công chưa đúng kỹ thuật dẫn đến đá nứt, vỡ.
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: Thực ra, lát đá đôi khi không tốt bằng dùng gạch block bởi lát đá không có độ thấm, trong khi tiêu chuẩn thoát nước của Việt Nam có đến 20% nước thoát là thấm xuống bề mặt. Điều đó có nghĩa là khi dùng đá lát thì dĩ nhiên là không còn độ thấm, không giảm tải được việc úng lụt ở trên đường phố Hà Nội, thậm chí còn tăng thêm.
Mặt khác, các đơn vị thi công rất thích lát đá bởi đó là công việc đơn giản, không cần làm móng nên họ có thể thuê thợ thời vụ làm, chỉ cần đổ cát, thêm ít vữa, gõ gõ là xong. Trong khi đó nếu viên đá không đúng tiêu chuẩn, thợ không có tay nghề, không căn chỉnh để xảy ra khe hở giữa viên đá và lớp cốt nền thì lập tức sẽ vỡ, không có độ bền.
Hà Nội hiện rất thích làm mới, cải tạo mới nhưng quản lý rất yếu kém. Nói đơn giản thì dù Hà Nội có lát đá vỉa hè đẹp bao nhiêu, nhưng vẫn có tình trạng ôtô để trên vỉa hè, xe máy phi lên vỉa hè, ý thức của người dân còn yếu kém thì cũng không thể giữ được vỉa hè đẹp. Mặt khác, câu chuyện ở đây là có tiến hành đấu thầu đá hay các vật tư vật liệu xây dựng không? Bởi số lượng đá dùng ở đây rất lớn, giá thành không chỉ vài chục nghìn/m2 mà lên tới vài trăm nghìn/m2, nếu lát hàng vạn, hàng chục vạn m2 thì tiền mua đá ở đâu? Chọn mua đá như thế nào? Thứ nữa là chúng ta quen khai thác đá thủ công, lấy đá tự nhiên bằng phương pháp nổ mìn dẫn đến kết cấu sinh học của viên đá bị phá vỡ, vô hình chung các mạch đá bị ảnh hưởng, tác động đến kết quả cuối cùng.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Lát đá vỉa hè là một giải pháp về chỉnh trang đô thị, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của nó là gì? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được. Do đó, kế hoạch thực hiện cần cân nhắc kỹ và thống nhất được việc quản lý đô thị với các ban, ngành liên quan cùng quản lý.
Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì kết quả cũng cho thấy, việc lát đá vỉa hè mà rộng hơn là kế hoạch chỉnh trang đô thị Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập. Đó là chưa tính đến các vấn đề kinh tế. Chỉ tưởng tượng một khối lượng khổng lồ đá tự nhiên sẽ sử dụng để lát vỉa hè cho toàn thành phố thì chi phí sẽ lớn thế nào? Hơn nữa, khối lượng các núi đá sẽ bị khai thác phục vụ cho việc đó sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và môi trường nơi khai thác ra sao? Và những con đường mới lát đá hôm nào nay đã hỏng đã cho thấy sự lãng phí ngân sách.
“Thay áo” cho đường phố Hà Nội là điều nên làm và cần làm, nhưng để thành công, chúng ta cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách. Về vấn đề này, Báo điện tử Xây dựng sẽ thông tin trong bài viết tiếp theo.
Theo Khánh Hòa/Báo Xây dựng