Xét xử vụ kiện dự án KDC Hòa Lân: Bài học và giải pháp ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản

(Mặt trận) - Ngày 13/8 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) Quận 7, TP. HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là đất dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Thương vụ đấu giá khu dân cư Hoà Lân có nhiều dấu hiệu bất thường. Ảnh Dân Việt 

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn) và các đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Chợ Lớn (AgriBank Chợ Lớn); Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) và Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương.

Tại phiên tòa ngày hôm qua, phía bị đơn là Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn vẫn yêu cầu HĐXX bác đơn kiện. Ngược lại phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu trong các đơn khởi kiện và kiện bổ sung.

Theo đó, các yêu cầu khởi kiện và kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú gồm: Đề nghị TAND Quận 7 tuyên vô hiệu đối với hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngày 1/7/2017, công chứng tại Văn phòng Công chứng TP Mới; Tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản là đất dự án KDC Hòa Lân; Tuyên hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản số 10/2015 ngày 17/6/2015; Yêu cầu TAND quận 7 giải quyết cho Công ty Thiên Phú trả nợ đối với hợp đồng tín dụng (HĐTD) ngày 1/9/2003 (kèm phụ kiện hợp đồng) và HĐTD ngày 26/3/2007. Theo đó, tính đến ngày 25/5/2017 Công ty Thiên Phú thỏa thuận nợ ngân hàng là 1.117 tỷ đồng; Tuyên hủy biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của Công ty Thiên Phú ngày 17/4/2015 giữa Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn…

Trong quá trình xét xử vụ án Khu dân cư Hòa Lân, nguyên đơn là Công ty Thiên Phú cho rằng, Nhà nước sẽ thất thu gần 1.400 tỷ đồng do vi phạm quy định của pháp luật trong việc thẩm định định giá tài sản khi xử lý tài sản thế chấp thu hồi nợ tại dự án Khu dân cư Hòa Lân, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước và thiệt hại cho nguyên đơn.

Trình bày tại toà, nguyên đơn cho biết, khi chiếu theo bảng giá đất năm 2015 - 2017, đối với đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai (giáp ranh Thủ Dầu Một - Đại lộ Bình Dương) theo Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 và quyết định 04/2017/QĐ-UBND ngày 17/2/2017 của UBND tỉnh Bình Dương, thì đất dự án KDC Hòa Lân thuộc loại 1, đơn giá là 4.752.000 đồng x hệ số điều chỉnh: 0.9  x hệ số K: 1.3 = 5.559.840 đồng/m2.

Vì vậy, giá trị tài sản thực tế là quyền sử dụng đất 490.765,1 m2 của dự án Khu dân cư Hòa Lân theo đơn giá UBND tỉnh Bình Dương phải là hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 xác định giá trị tài sản là chỉ hơn 1.400 tỷ đồng, không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.

Trong khi đó, các chứng thư thẩm định giá số 403/2015/CT-VALUCO ngày 12/5/2015 và chứng thư thẩm định giá số 246/CT-THM ngày 19/4/2016 đều đã hết thời hạn hiệu lực vào thời điểm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá ngày 25/5/2017. Bởi vì, theo quy định của pháp luật thì các chứng thư thẩm định chỉ có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng thì phải định giá lại tài sản để làm căn cứ xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.

Đại diện nguyên đơn nêu ý kiến, “Việc sử dụng chứng thư thẩm định không còn hiệu lực, không còn giá trị pháp lý mà Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn, Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Tư vấn Quốc tế dùng làm căn cứ xác định giá khởi điểm là trái với quy định của pháp luật hiện hành”.

“Việc sử dụng chứng thư thẩm định không còn hiệu lực, không còn giá trị pháp lý, không đúng với giá trị thị trường để làm căn cứ xác định giá khởi điểm đối với dự án Khu dân cư Hòa Lân dẫn đến việc xác định việc bán đấu giá tài sản chỉ đạt hơn 1.300 tỷ đồng đã làm thiệt hại tối thiểu cho nhà nước số tiền gần 1.400 tỷ đồng” - Đại diện bày tỏ quan điểm.

Qua vụ án trên và một số vụ việc đấu giá tài sản ở nhiều địa phương cho thấy, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc củng cố, phát triển các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, đáp ứng  ngày càng tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua còn nhiều những vướng mắc, bất cập và chưa rõ ràng trong một số nội dung cụ thể, trong đó có việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là bất động sản.

Do đó, vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là đất dự án Khu dân cư Hòa Lân là một vụ việc điển hình, do đó dư luận đang mong chờ một bản án công tâm, khách quan của Hội đồng xét xử, đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đương sự và các bên có liên quan trong vụ án.

Hai là, qua thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản. Tình trạng này diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương... Hành vi này xảy ra rất tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành.

Vì vậy, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động đấu giá. Đồng thời cần phải minh bạch thông tin trong các hoạt động đấu giá để tránh những tiêu cực trong thực tiễn.

Ba là, vẫn còn có tình trạng việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau”, “sân trước”, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, thậm chí còn tình trạng móc nối để trục lợi, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Để tránh việc thông đồng giữa các bên tham gia đấu giá với các quan tổ chức đấu giá để mua được tài sản với giá thấp đòi hỏi cần có sự giám sát trong suốt quá trình đấu giá. Câu chuyện “quân xanh, quân đỏ” cũng sẽ được hạn chế nếu phát hiện và ngăn chặn sớm. Mặt khác, nếu phát hiện có sai phạm thì cần huỷ kết quả đấu giá để hạn chế tiêu cực. Đồng thời, nếu cơ quan điều tra điều tra và xử lý những sai phạm thì sẽ tăng tính răn đe và giảm đi thực tiễn xấu.

Bốn là, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá sẽ hạn chế được nhiều tác động tiêu cực từ phía con người. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiết kiệm được chi phí đấu giá truyền thống cho nhà nước. Cùng với đó, hoạt động này sẽ minh bạch tránh tiêu cực trong hoạt động đấu giá.

Trước nhưng dấu hiệu sại phạm trong quá trình đấu giá Khu dân cư Hòa Lân, Công ty Thiên Phú, làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng vì cho rằng, việc tổ chức bán đấu giá tài sản là dự án Khu dân cư Hòa Lân đã có nhiều sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản, người có nhu cầu tham gia đấu giá, đặc biệt có nguy cơ làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Sau đó, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đã vào cuộc thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Đến khoảng cuối tháng 12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành Kết luận thanh tra tra số 62/KL-TTR. Trong đó chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót trong vụ đấu giá này từ lúc tiến hành các thủ tục cho tới lúc Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, nhưng nghĩa vụ tài chính lại không thực hiện đúng như cam kết.

Từ Kết luận Thanh tra Bộ Tư pháp, Công ty Thiên Phú đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn các giao dịch liên quan Khu dân cư Hòa Lân, đồng thời yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá trước đây.

Đến ngày 14/2/2019, Công ty Thiên Phú đã nộp đơn khởi kiện Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn ra TAND Quận 7, TP.HCM yêu cầu vô hiệu Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 1/7/2017 tại Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương do vi phạm quy định pháp luật về đấu giá tài sản.

Sau đó, TAND Quận 7, TP.HCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm mọi hình thức giao dịch liên quan tài sản đang tranh chấp là dự án Khu dân cư Hòa Lân mà trước đó Công ty Thiên Phú đã có đơn khởi kiện và đề nghị ngăn chặn.

Bên cạnh đó, trong báo cáo ngày 29/3/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng nêu ra việc không thực hiện đúng thoả thuận của Công ty Kim Oanh với Agribank Chợ Lớn. Công ty Kim Oanh nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa nghĩa vụ tài chính trong thời gian dài nhưng Agribank Chợ Lớn không có biện pháp quyết liệt để xử lý là trái với Quy chế đấu giá, thể hiện việc chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý tiền là tài sản đấu giá Nhà nước của một tổ chức tín dụng.

 

 

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều