|
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
|
1. Một số vấn đề về tính đảng và tính khoa học trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Tính đảng và tính khoa học là hai khuynh hướng cơ bản mà mỗi cá nhân, tổ chức chính trị biểu hiện trong các hoạt động của một hình thái kinh tế - xã hội xác định. Thực tiễn xã hội luôn thay đổi, biến động liên tục, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải bảo đảm tính khoa học để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và thích ứng môi trường để tồn tại, phát triển; song trong một hình thức chính trị xác định, các cá nhân, tổ chức còn phải bảo vệ lợi ích chung của nhóm chủ thể quyền lực chính trị - đảng chính trị mà họ tham gia, để duy trì, ổn định và phát triển. Thực tế đó đặt ra đối với mỗi cá nhân, tổ chức chính trị là giải quyết mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học trong mỗi hoạt động xã hội.
Tính đảng là sự thể hiện nhất quán và xuyên suốt quan điểm, hệ tư tưởng của một đảng chính trị nhất định trong xã hội. Theo Từ điển tiếng Việt, tính đảng là “khuynh hướng trong công tác, hoạt động, v.v. thấm nhuần hệ tư tưởng của đảng”(1). Tính đảng còn là khuynh hướng phản ánh đầy đủ nhất sự bảo đảm, bảo vệ và đấu tranh một cách tích cực và chủ động cho những lợi ích của một đảng chính trị xác định trong các hoạt động đời sống xã hội. V.I.Lênin cho rằng: “Tính đảng là kết quả và là biểu hiện chính trị của những đối lập giai cấp đã phát triển cao độ”(2) và cụ thể đó là “tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”(4).
Mặc dù không nêu rõ các công cụ bảo đảm, bảo vệ tính đảng, song, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn đến ba vấn đề mang tính sống còn của Đảng và thể hiện rõ nhất trong Di chúc của Người: (1) Giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng; (2) Thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; (3) Thấm nhuần, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân(5).
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động làm rõ bản chất phản động, phản cách mạng của những quan điểm sai trái, thù địch, từ đó vạch trần, lên án và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch về mặt tư tưởng, lý luận. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, và do đó, là biểu hiện sinh động của tính đảng trong thực tiễn.
Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ “chống” trong toàn cục của nhiệm vụ “xây” - bảo vệ, tăng cường nền tảng tư tưởng của Đảng. Suy cho cùng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch “là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(6). Đây là những yêu cầu mang tính nguyên tắc của tính đảng trong nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tính khoa học trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chính là việc bảo đảm nguyên tắc của khoa học lịch sử và khoa học chính trị. Để bảo đảm sự thuyết phục trong đấu tranh phản bác, thì những thông tin phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc của khoa học lịch sử và khoa học chính trị. Nội hàm các quan điểm sai trái, thù địch được xác định gắn liền hai nội dung chính trị và lịch sử.
Khoa học lịch sử hay sử học là khoa học nghiên cứu về quá khứ loài người. Để tìm hiểu lịch sử, người nghiên cứu phải dựa vào sử liệu(7): tìm kiếm, sưu tầm, chọn lọc, giải mã các thông tin trong sử liệu, đặc biệt là cần phê phán sử liệu, xác định tính xác thực của sử liệu và độ tin cậy của các thông tin mà sử liệu phản ánh, bởi “nguồn càng xác thực, thông tin có mức độ tin cậy càng cao, thì sự kiện lịch sử được phản ánh trong sử liệu càng trung thực”(8). Do vậy, khoa học lịch sử là quá trình tương tác liên tục, phát triển giữa nhà sử học và sử liệu được nhà sử học tích lũy, phê phán(9). Khoa học lịch sử gắn liền với các sự kiện trong quá khứ, đòi hỏi phải bảo đảm ba nguyên tắc cơ bản: khách quan, trung thực và nhân văn, tiến bộ(10).
Để bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc của khoa học lịch sử, nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thể hiện: Một là, các sự kiện, nhân vật lịch sử, nhất là lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cần phản ánh một cách khách quan trên cơ sở nhận thức khoa học về sự kiện, nhân vật lịch sử đó. Hết sức tránh cách trình bày một chiều, “tô hồng” hoặc “bôi đen”, tránh trình bày phiến diện. Hai là, phải dựa trên nguồn tài liệu, sử liệu xác thực và có độ tin cậy cao. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu của khoa học lịch sử. Xã hội tất yếu phát triển, tri thức khoa học ngày được bổ khuyết, cái mới trong khoa học lịch sử ngày càng được khám phá. Do đó, cần phải thường xuyên bổ sung, cập nhật những thông tin sử học mới nhất, bổ khuyết các “khoảng trống” trong nghiên cứu, liên hệ và liên kết các sự kiện để tìm ra những kinh nghiệm, bài học và quy luật mới, từ đó không những chủ động phản bác các luận điệu sai trái, thù địch mà còn đập tan các quan điểm sai trái, thù địch ngay dưới dạng “ý tưởng”, trong “trứng nước”. Ba là, nội dung đấu tranh hướng đến việc tôn trọng và trân trọng quá khứ, bảo vệ hòa bình, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, không kỳ thị, kích động hận thù.
Khoa học chính trị hay chính trị học là “một khoa học nghiên cứu chính trị như một chỉnh thể nhằm nhận thức và vận dụng những quy luật và tính quy luật chung nhất của chính trị”(11). Khoa học chính trị có một nguyên tắc cơ bản nhất là khách quan(12). Nguyên tắc khách quan xuất phát từ ý tưởng về sự thống nhất của khoa học, chủ yếu là cách nhận biết thế giới - sự hiểu biết thông qua kinh nghiệm quan sát trực tiếp, được hệ thống hóa theo các quy luật logic. Nhận thức về thực tế không đòi hỏi một sự hiểu biết, tư duy trừu tượng, mà là sự khám phá và phân tích các sự kiện thực tế. Điều quan trọng nhất trong nguyên tắc khách quan là: (a) sự xác minh (kiểm chứng bằng kinh nghiệm, thực nghiệm) và (b) tính rõ ràng (sự rõ ràng của các phạm trù, khái niệm được sử dụng và khả năng hoạt động của chúng)(13). Một trong phương pháp kiểm chứng, bảo đảm khách quan trong khoa học chính trị chính là lịch sử. Sir J.R. Seeley cho rằng: “Lịch sử mà không có khoa học chính trị thì không có kết quả; khoa học chính trị mà không có lịch sử thì không có gốc rễ”(14).
Để bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc của khoa học chính trị, nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phản ánh rõ ràng, trung thực, khách quan chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thể hiện đầy đủ, đúng đắn thực tiễn, thực tế công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên hết, trước hết;... Đồng thời, xác thực (chứng minh) bằng thực tiễn sinh động việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những vấn đề khác của Đảng. Từ đó, mọi thông tin phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo đảm tính khách quan của khoa học chính trị, thể hiện sự thuyết phục cũng như chia sẻ của mọi người dân về những thành công cũng như một số hạn chế được Đảng thừa nhận, khắc phục trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Xét đến cùng, khoa học lịch sử và khoa học chính trị thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, mang đầy đủ đặc trưng của nhóm ngành này, đó là “khoa học cụ thể nhất và đặc biệt nhất, phụ thuộc nhiều nhất vào các ngành khoa học sớm hơn và trừu tượng hơn, một trong đó các sự kiện khó thu thập và phân tích hơn và do đó là cái cuối cùng xuất hiện trên sân khấu”(15). Do vậy, trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải nắm chắc các yêu cầu, nguyên tắc của khoa học lịch sử và khoa học chính trị.
2. Thực trạng và giải pháp bảo đảm mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng, được Đảng tập trung lãnh đạo và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, còn bị động, lúng túng”(16). Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do cán bộ, đảng viên, mà nòng cốt là lực lượng chức năng (tuyên giáo, công an, quân đội, thông tin và truyền thông) chưa xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Biểu hiện cụ thể ở một số nội dung sau:
Một là, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu gắn liền với không gian mạng. Một số thông tin sai trái, thù địch phát tán trên không gian mạng nhanh chóng, mức độ rộng khắp, khó kiểm soát, lực lượng chức năng chưa áp dụng hiệu quả nguyên tắc của khoa học cũng như công cụ bảo vệ tính đảng, nên dẫn đến bị động đối phó.
Hai là, trong một số trường hợp, chưa nắm bắt thông tin, động cơ, mục đích của những người cụ thể có những ý kiến khác với quan điểm của Đảng, có bị các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng, mua chuộc hay không, làm cho hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trở nên lúng túng, không đạt kết quả.
Ba là, lực lượng tham gia đấu tranh thiếu phương pháp khoa học về các vấn đề “khoảng trống” trong lịch sử, nên còn tuyên truyền đấu tranh một chiều, phiến diện, thiếu sự thuyết phục, thậm chí “bỏ ngỏ” trong việc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phê phán Đảng có những hạn chế trong lịch sử...
Bốn là, trong một số sự kiện chính trị của đất nước, một số thông tin nội bộ về nhân sự dự kiến, chủ trương, chính sách dự thảo của Đảng và Nhà nước còn trong quá trình nghiên cứu, bàn bạc bị rò rỉ, các thế lực thù địch, phản động nắm được, đưa ra các luận điệu xuyên tạc, nhằm lôi kéo dư luận, và khi các thông tin nội bộ trở thành sự thật chính trị, các thế lực thù địch khai thác để dẫn dắt dư luận. Ngoài ra, một số thông tin thời sự chính trị thiếu sự chia sẻ, chủ động giải thích kịp thời, nên người dân bị các thế lực thù địch kích động, xúi giục. Điều đó làm cho lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bị động, lúng túng trong việc định hướng dư luận và phản bác các thông tin sai trái, thù địch trong các sự kiện chính trị của đất nước.
Để bảo đảm mối quan hệ giữa tính đảng và tính khoa học nhằm nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần tập trung một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp khoa học để bảo đảm, bảo vệ tính đảng
Việc khám phá ra cái mới, giải thích cái mới bằng các lý thuyết và kiểm tra cái mới bằng thực nghiệm là quá trình định hình, củng cố và xác lập tư duy, nhận thức mới. Quá trình này gắn liền với việc định hình ý tưởng, xác lập giả thuyết và chứng minh giả thuyết bằng các phương pháp logic hình thức và logic biện chứng, đó là các phép suy luận diễn dịch, quy nạp và loại suy, phép tuyển và phép hội trong logic hình thức; đó là 2 nguyên lý, 3 quy luật, 6 cặp phạm trù trong logic biện chứng, gắn với cách tiếp cận cá biệt và so sánh, lịch sử và logic, phân tích và tổng hợp, cấu trúc và hệ thống, v.v.. Nắm vững tư duy logic gắn với việc linh hoạt, sáng tạo trong các cách tiếp cận, giải quyết là chìa khóa công cụ cho mọi vấn đề thực tiễn đặt ra.
Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phải trên cơ sở phương pháp khoa học, tìm ra các cách đấu tranh phù hợp: 1) Chủ động đưa ra các quan điểm đúng đắn, phù hợp bằng phép hội logic và dự báo các khả năng mà các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, để nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra thông tin kịp thời, kịp thời nắm bắt và dẫn dắt dư luận ngay khi các thế lực đưa ra quan điểm sai trái, thù địch; 2) Khi kẻ thù đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, thì nhanh chóng bác bỏ bằng phép tuyển logic, chứng minh phản chứng, chứng minh loại suy/phân liệt.
Đối với các vấn đề liên quan đến nhân vật lịch sử, nhân vật chính trị đương đại, cần nắm vững cách tư duy logic biện chứng và nguyên tắc khách quan của khoa học. Đánh giá đúng đắn, đầy đủ đóng góp cũng như thừa nhận một số hạn chế của các nhân vật đó, không “tô hồng” nhân vật trái với thực tiễn. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhấn mạnh: “trong quá trình tham gia lãnh đạo, trong cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, không ai hoàn hảo đến độ là không có khuyết điểm trong đời hoạt động cách mạng của mình. Đó là sự bình thường... Vấn đề quan trọng là phải thấy hết và phải đánh giá đúng sự nổi trội và sự đóng góp lớn của một con người. Đây là phương pháp luận khoa học, là quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng giúp cho chúng ta có được một nhân sinh quan đúng đắn trong việc nhận xét cán bộ. Không thể đánh giá con người bằng việc lấy cái nhỏ, cá biệt để thay thế cho cái lớn bao trùm”(17).
Thứ hai, tính đảng phải thực hiện trong thực tiễn và trở thành thực tiễn khách quan
Tính đảng là sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng; thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình; nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Thực chất, đây là các nhiệm vụ cơ bản và trọng tâm nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Tính đảng phải được thực hiện trong thực tiễn và kiểm nghiệm từ thực tiễn.
Đoàn kết, nhất trí trong Đảng trước hết là ở mỗi đảng viên có tình đồng chí, yêu thương giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, ở người đứng đầu các cấp gương mẫu, nêu gương, sáng tạo, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; ở một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối đúng đắn của Đảng(18). Nội bộ Đảng đoàn kết, nhất trí thì những thông tin nội bộ, bí mật nội bộ cũng được kiểm soát chặt chẽ và không phát tán ra bên ngoài; đồng thời, làm vô hiệu hóa âm mưu phá hoại Đảng của các đối tượng thù địch, phản động.
Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu để giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Đó là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà, công khai nhận khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa; nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí, tổ chức mình, trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cầu thị, lắng nghe, không công kích gây mâu thuẫn nội bộ. Theo nghĩa rộng hơn, đó là Đảng tự phê bình và chân thành lắng nghe sự phê bình trong nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa”(19).
Trong công việc hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện và giữ vững đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nâng cao giác ngộ cách mạng, kiên quyết, dũng cảm, hy sinh, vượt qua cám dỗ tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị. Cần nhận thức rõ rằng: “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”(20); “chức quyền là phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân cho nước. Mượn lấy chức quyền để xây dựng sự nghiệp cá nhân là hỏng, là lợi dụng chức quyền”(21). Qua đó, xứng đáng là đảng viên cách mạng, đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(22).
Thứ ba, tôn trọng thực tiễn khách quan, bảo đảm nguyên tắc của khoa học
Nắm rõ quan điểm “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”(23) nên nhiều khi đường lối cách mạng phải trải qua nhiều thử nghiệm và sáng tạo mới đạt đến chân lý. Trong quá trình triển khai đường lối, chắc hẳn có những hạn chế, sai lầm. Đó là vấn đề thường xảy ra trong lãnh đạo của các đảng cầm quyền trên thế giới. Điều quan trọng là thành thật nhận lỗi một cách nghiêm túc, đầy đủ, công khai và minh bạch về hạn chế, sai lầm, không bao biện; nhanh chóng khắc phục hạn chế, tiến hành sửa sai và kiên quyết không để hạn chế, sai lầm đó tái diễn tương tự(24).
Thừa nhận hạn chế, sai lầm trong thực tiễn không chỉ là bảo đảm nguyên tắc khách quan của khoa học, mà còn là bảo đảm nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; có sai lầm thì cho cơ hội, tạo điều kiện sửa sai; việc đoàn kết, nhất trí tiến hành khắc phục hạn chế, sai lầm của Đảng cũng chính là đạo đức cách mạng, và đó chính là bảo đảm tính đảng.
Cần tôn trọng các ý kiến xây dựng, đóng góp của nhà nghiên cứu, trí thức, sớm nhận thức rõ hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, thông tin chính xác, kịp thời hạn chế, khuyết điểm và cố gắng khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Song song với đó, cần đề phòng và đấu tranh với các đối tượng thù địch, phản động dựa vào hạn chế, sai lầm của Đảng mà lợi dụng xuyên tạc, đưa ra quan điểm suy diễn để hạ thấp uy tín, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Nghiên cứu, đúc rút những bài học kinh nghiệm nhằm hạn chế, khuyết điểm của Đảng trong lịch sử và đương đại, đóng góp trí tuệ để Đảng ta lãnh đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu vì lợi ích quốc gia - dân tộc, không để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đó chính là nguyên tắc của khoa học lịch sử.
Thứ tư, sự lãnh đạo của Đảng phải tuân theo quy luật khách quan.
Một nguyên tắc cơ bản nhất của khoa học chính là khách quan. Nguyên tắc khách quan đòi hỏi sự tôn trọng thực tiễn, thực tế, quy luật vận động và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng. Còn nguyên tắc của tính đảng là đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng nhấn mạnh: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”(25).
Lợi ích quốc gia - dân tộc là một phạm trù rất rộng, song trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta xác định: “Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(26). Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nòng cốt là lực lượng chức năng cần giải thích cho mọi người dân hiểu rõ và thấu triệt chủ trương này của Đảng. Từ đó, người dân có sự đề kháng trước các quan điểm xuyên tạc của kẻ thù về một số vấn đề lịch sử “nhạy cảm”, chủ quyền biên giới, biển đảo và các sự kiện chính trị mà Đảng chưa công bố, nhằm phòng tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học là vấn đề nguyên tắc, phương pháp luận trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi kỹ năng, phương pháp khoa học, tư duy logic cao, biện chứng, đồng thời có khả năng am hiểu và giác ngộ chính trị, lịch sử, nắm rõ lý luận, bám sát thực tiễn. Để công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt hiệu quả, Đảng cần nâng cao chất lượng giác ngộ chính trị, tri thức khoa học cho cán bộ, đảng viên, nòng cốt là lực lượng chức năng, tuyến đầu đấu tranh; đồng thời, tập trung xây dựng lực lượng đấu tranh chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực giác ngộ chính trị, lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, có tri thức khoa học liên ngành, bảo đảm sức chiến đấu cao.
HUỲNH THANH MỘNG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
_________________
(1) Viện Ngôn ngữ học:
Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2023, tr.999.
(2) V.I. Lênin: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.348.
(3) V.I. Lênin: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.165.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.290.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.622.
(6) Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.28.
(7) Sử liệu “bao gồm mọi nguồn tri thức lịch sử (trực tiếp hoặc gián tiếp), tức là mọi thông tin (theo nghĩa của lý thuyết thông tin) về quá khứ của con người, bất cứ nơi nào thông tin đó được tìm thấy, cùng với các cách truyền tải thông tin đó (các kênh thông tin)”. Xem Jerzy Topolski (1992), Metodología De La Historia (tercera edición), Cátedra, Madrid, pág.300.
(8) Xem Phạm Xuân Hằng (Chủ biên): Đại cương về sử liệu học và các nguồn sử liệu chữ viết lịch sử Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.43.
(9) Theo Edward Hallett Carr, “đó là một quá trình tương tác liên tục giữa nhà sử học và các dữ kiện của nhà sử học, một cuộc đối thoại không hồi kết giữa hiện tại và quá khứ”. Xem Edward Hallett Carr (1961), What is History?, Vintage Books, New York, p.35.
(10) Trong nghiên cứu lịch sử, tính khách quan là tái hiện lại hiện thực lịch sử, đưa lại nhận thức đầy đủ nhất (tiệm cận hoặc chính xác) về quá khứ của con người dựa trên những thông tin đáng tin cậy. Đây là nguyên tắc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của khoa học lịch sử; tính trung thực là tôn trọng sự thật lịch sử và mô tả lại quá khứ một cách chân thực dựa trên những sử liệu đáng tin cậy, không xuyên tạc sự thật lịch sử; tính nhân văn, tiến bộ là giúp con người hiểu rõ về quá khứ, từ đó rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật có ích. Khoa học lịch sử vừa phải phản ánh sự thật trong quá khứ, nhưng không kích động hận thù, xung đột hoặc kỳ thị, thành kiến..., vừa phải góp phần bảo vệ hòa bình, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.
(11) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Khoa học chính trị: Tập bài giảng Chính trị học (hệ cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004, tr.9. Cũng trong cuốn sách này (trang 8), thuật ngữ chính trị được định nghĩa là quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, các dân tộc, các lực lượng xã hội trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị, tập trung là quyền lực nhà nước.
(12) Nguyên tắc khách quan nhằm khắc phục các lối suy nghĩ, thách thức trong chính trị học ngay từ khi ra đời: 1) Thái độ “kỳ lạ” của nhiều người đã quen với việc dành phần lớn nỗ lực của họ để phân tích ý kiến của người khác; 2) Niềm tin về những ý tưởng của sự vật sở hữu một số thực tế siêu việt; 3) Giải thích các sự kiện ở thế giới bên ngoài theo hình ảnh chủ quan theo các lý thuyết “vật linh”, tìm kiếm trong tâm trí về một cách diễn giải có mục đích và hài lòng. Xem Naresh Chandra Roy, Jyotirindra Das Gupta, Jayanta Kumar Ray (1963), Principles of political science, Macmillan and Company Limited, Calcutta, pp.4-5.
(13) В. П. Пугачев, А. И. Соловьев (2004), Введение В Политологию, Аспект Пресс, Москва, c.43.
(14) Sir J.R. Seeley (1896), Introduction to political science: two series of lectures, Macmillan and Co., London and New York, p.4.
(15) H.C. Carey (1888), Principles of social science, J.B. Lippincott Company, Philadelphia, vol.1, p.37.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172.
(17) Võ Văn Kiệt: “Anh Sáu Thọ - Một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành, một nhà lãnh đạo tài năng” trong Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.45-46.
(18) Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.621-622.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.114. Người nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.301.
(20) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.38.
(21) Trích ghi chép cá nhân của đồng chí Võ Văn Kiệt. Xem Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.533.
(22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.672.
(23) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.351.
(24) Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng thừa nhận: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”. Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64.
(25) Đảng ta xác định: Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66, 69, 70.
(26) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.188.