Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng qua đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước trên không gian mạng


Thượng tướng Lương Tam Quang

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an

(Mặt trận) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, chúng tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm là phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng trên không gian mạng được chúng triệt để lợi dụng thực hiện. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, các đối tượng đã tiến hành hàng chục chiến dịch phá hoại tư tưởng, kích động gây rối, biểu tình, gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang, dao động, ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Nguồn:cand.com.vn

Qua công tác đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá trên không gian mạng được các đối tượng tập trung thực hiện đó là: (1) Tạo lập, sử dụng các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài và các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội có thông tin nặc danh, ẩn danh để tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước. (2) Lồng ghép thông tin bịa đặt với một phần thông tin thật về vấn đề, vụ việc cụ thể để đánh lừa, dẫn dắt dư luận. (3) Sử dụng tên, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lập các tài khoản, hội nhóm có tên theo các sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, “nóng” để thu hút dư luận, tạo làn sóng lan truyền thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước. (4) Sử dụng các tính năng truyền tin đa dạng, nhanh chóng từ mạng xã hội (tiện ích phát video trực tiếp - livestream) để lan truyền thông tin xấu, xuyên tạc, kích động, nhất là khi có “điểm nóng”, tình hình phức tạp về an ninh, trật tự. (5) Thông qua các ứng dụng Telegram, Viber, Zalo và sử dụng tính năng iMessage có sẵn trên các thiết bị của Apple để tán phát các thông tin nội bộ, bài viết, hình ảnh, video có nội dung xấu độc đến các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. (6) Sử dụng các ứng dụng, trang mạng nhắn tin miễn phí để tán phát thông tin xấu độc từ bên ngoài đến các số điện thoại tại Việt Nam. (7) Tham gia các hội, nhóm có đông thành viên để tán phát thông tin xấu độc; biên tập, đăng tải bài viết có nội dung xấu trên nhiều hệ thống trang, kênh, tài khoản do cùng một đối tượng quản trị hoặc liên kết đăng tải với các trang, kênh của đối tượng khác có lượng theo dõi lớn. (8) Tổ chức các hội luận, tọa đàm xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội trong nước; cung cấp thông tin, thậm chí biên tập nội dung gửi cho đối tượng bên ngoài đăng tải, tuyên truyền chống phá.

Trước tình hình trên, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia, lực lượng Công an đã phát huy vai trò nòng cốt tăng cường công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:

(1) Chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương các chủ trương, giải pháp, định hướng đấu tranh phản bác, xử lý thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật. Tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng[1], góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng nói riêng.

(2) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, đẩy mạnh quản lý truyền thông trên mạng xã hội, góp phần hạn chế, ngăn chặn thông tin xấu độc tán phát, tác động đến người dùng trong nước. Tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông phản bác quy mô lớn, vạch trần bản chất chống phá, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng; tham mưu triển khai đồng bộ giữa đấu tranh tuyên truyền qua hệ thống báo chí, truyền hình với đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội; quyết liệt xử lý hoạt động lợi dụng báo chí, truyền thông, mạng xã hội để trục lợi, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, các đối tượng đưa tin giả, sai sự thật.

(3) Phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo 35, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương; nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về an toàn, an ninh mạng, các Tiểu ban chỉ đạo về an toàn, an ninh mạng các địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, đưa công tác này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thực chất.

(4) Phát huy mạnh mẽ vai trò của lực lượng Công an cơ sở, Công an xã, bám dân, bám địa bàn tổ chức truyên truyền vận động quần chúng, đấu tranh trực diện với các đối tượng có quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc; tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quy định của pháp luật có liên quan đến Internet, mạng xã hội, tăng cường lan tỏa, chia sẻ thông tin tốt, tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, chủ động cảnh báo đến người dân về tin giả, tin sai sự thật, xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

(5) Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, lực lượng Công an đã quyết liệt đấu tranh với hoạt động hỗ trợ, hậu thuẫn cho các đối tượng lợi dụng địa bàn nước ngoài hoạt động chống phá Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao chủ động cung cấp thông tin chính thống để các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đưa tin trung thực, khách quan về Việt Nam, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Thời gian tới, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, lực lượng Công an nhân dân tập trung triển khai các công tác trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông, trọng tâm là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng; Luật An ninh mạng; Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Gắn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với việc triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào từng mặt công tác công an trên từng lĩnh vực cụ thể. Quán triệt thực hiện có hiệu quả yêu cầu kết hợp giữa “xây” và “chống”, giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”; kết hợp chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm giữa các hình thức đấu tranh phản bác; linh hoạt mục tiêu trọng tâm đấu tranh phản bác theo từng vụ việc, vấn đề cụ thể.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao theo kịp với sự phát triển của công nghệ (AI, ChatGPT, công nghệ video Deepfake), bảo đảm hành lang pháp lý đấu tranh có hiệu quả với đối tượng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo 35 Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; kết hợp chặt chẽ và đồng bộ các loại hình báo chí truyền thông, fanpage chính thống của các cơ quan nhà nước và thu hút công chúng mạng lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng, các tin, bài chính luận, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng đăng tải, tán phát thông tin xấu, độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ nền tảng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vừa tích cực “phủ xanh thông tin” định hướng dư luận, vừa đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời mọi nguồn tin, đối tượng tán phát thông tin xấu, độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin kịp thời, đầy đủ đến đông đảo người dùng mạng về chính sách, pháp luật, nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân, nâng cao cảnh giác đối với các thông tin trên mạng nhằm mục đích xấu, tạo “sức đề kháng tự nhiên” trước các luận điệu tuyên truyền phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động; mỗi người dân biết cách chủ động phòng ngừa trước các luận điệu sai trái, thù địch và phối hợp tích cực với lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, góp phần tạo dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tin giả, phòng ngừa tấn công khủng bố mạng; tích cực tranh thủ sự ủng hộ nguồn vốn đầu tư, trang thiết bị tiên tiến nhất của thế giới phục vụ bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Nâng cao hiệu quả hợp tác với cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật các nước để chủ động cung cấp thông tin, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng địa bàn các nước để hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh trực diện với các hành vi phá hoại tư tưởng, ngăn chặn hoạt động đưa tin sai lệch, tiêu cực về Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[3]. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới qua đấu tranh chính luận, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.

[4]. Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm - Chủ quyền không gian mạng yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia, Nxb. Công an nhân dân, 2021.



[1] Luật An ninh mạng 2018, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018; Nghị định số 53/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định số 13/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều