Nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về âm mưu diễn biến hòa bình trên không gian mạng của các thế lực thù địch

(Mặt trận) - Hiện nay internet ở Việt Nam được phổ cập và phát triển rộng rãi góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại nhiều tiện ích trong đời sống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự giao lưu, hội nhập văn hóa không giới hạn, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là đối với thế hệ trẻ vì đây là lực lượng tiếp cận mạng xã hội, ứng dụng internet rất lớn. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về âm mưu diễn biến hòa bình trên không gian mạng của các thế lực thù địch.

Ở nước ta, thế hệ trẻ độ tuổi từ 16 - 30 tuổi có khoảng hơn 23 triệu người, chiếm khoảng hơn 23% dân số cả nước; là lực lượng lao động chính, đóng góp sức lực, trí lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế hệ trẻ là lực lượng “xung kích, sáng tạo, đi đầu”, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học - công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.

Trong nhiều năm qua, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp đã tuyên truyền, vận động, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả trong công tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, tạo niềm tin trong tầng lớp thanh niên và xã hội.

Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay kế thừa tinh hoa tốt đẹp của dân tộc và những thành quả của cách mạng, có trình độ học vấn cao, nhạy cảm với thời cuộc, giàu khát vọng, biết tận dụng mạng xã hội để tập hợp lực lượng, không ngừng sáng tạo cùng tạo dựng tương lai, tích cực tham gia các phong trào do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động các phong trào:

“Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”; “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, "Thanh niên làm theo lời Bác, sống đẹp vì cộng đồng"; "Tỏa sáng nghị lực Việt”; “Tuổi trẻ sáng tạo”… Thông qua các phong trào đã thu hút đông đảo giới trẻ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng tự hào dân tộc góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao được ý thức nhận thức và trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; xây dựng và nhân rộng được nhiều cá nhân, tập thể thanh niên tiên tiến.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước đã triệt để tận dụng tính ưu việt của mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống phá cách mạng, gây chia rẽ, phân luồng và mâu thuẫn tư tưởng trong các nhóm xã hội, nhất là nhằm vào thế hệ trẻ Việt Nam, gieo rắc những tư tưởng chính trị lệch lạc, lối sống thực dụng, văn hóa tầm thường nhằm làm hỏng một thế hệ tương lai của đất nước bằng việc truyền bá “chủ nghĩa cá nhân” “lối sống xa hoa, hưởng thụ”… tác động vào nhận thức, tư tưởng của thanh niên và cho đây là tư tưởng sống hiện đại, thế hệ mới mà một bộ phận giới trẻ đã bình luận hưởng ứng, đồng tình và cổ xúy cho tư tưởng và hành vi lệch lạc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, giá trị đạo đức và văn hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự giao lưu, hội nhập văn hóa trên không gian mạng với sự phát triển đa dạng của mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok…) trên nền tảng Internet kết nối, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang đứng trước nhiều thách thức từng giờ, từng phút đối với thế hệ trẻ vì đây là lực lượng tiếp cận mạng xã hội, ứng dụng Internet rất lớn, chiếm tỷ lệ 94%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với các đại biểu thanh niên tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với thanh niên năm 2023 (Ảnh minh họa)

Thủ đoạn của các chế lực thù địch là thành lập những nhóm sở thích trong giới trẻ và tiến tới thành lập tổ chức chịu ảnh hưởng của chúng bằng những luận điệu xảo trá, bao biện, núp bóng “chân lý”, “lẽ phải” nhưng thực chất hoàn toàn phản khoa học, tác động kiểu “mưa dầm thấm lâu” làm đối tượng bị tác động mất phương hướng, lung lạc lập trường, quan điểm, mơ hồ về nhận thức chính trị; cố tình khoét sâu, bôi đen những thiếu sót để giới trẻ thiếu niềm tin và tập hợp lực lượng trong thế hệ trẻ để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta, Nhân dân ta.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông là quy luật phát triển tất yếu của mọi quốc gia mà Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, mạng internet ở Việt Nam được phổ cập và phát triển tương đối rộng rãi trong toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại nhiều tiện ích trong đời sống nhằm kết nối các thành viên cư dân mạng với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian với những trang mạng xã hội nổi tiếng, trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của cư dân mạng.

Tuy nhiên, lợi dụng môi trường mạng, các thế lực thù địch đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để “chuyển hóa” dần thế hệ trẻ đưa thông tin sai sự thật, lấp lửng, giật gân, hướng dư luận ngả theo quan điểm sai trái, tạo ra các diễn đàn để nhiều người trẻ truy cập, bình luận theo hướng tiêu cực. Thực tế chứng minh, đã xuất hiện tình trạng có những đoàn viên, thanh niên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có ý chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào tệ nạn. Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng môi trường mạng chủ yếu là:

- Lập kênh, trang, nhóm với nhiều danh nghĩa, ý nghĩa khác nhau. Ban đầu, thực hiện đăng tải, chia sẻ các thông tin hữu ích, tích cực để lôi cuốn, thu hút người tham gia, quan tâm, theo dõi, chia sẻ; sau đó từng bước đan xen các nội dung hạn chế, bất cập của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện đăng tải những nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước với thủ đoạn đưa những thông tin sai trái, lệnh lạc, chống phá đến cư dân mạng một cách sớm nhất, nhanh nhất trong từng phút, từng giờ.

- Lập các trang thông tin điện tử cá nhân (tên miền quốc tế) lấy tên của các đồng chí lãnh đạo để đăng tải cung cấp những thông tin hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và đan xen đăng tải những nội dung không chính xác, chứa đựng thông tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đăng tải, chia sẻ thông tin phiến diện, một chiều, áp đặt, quy kết hạn chế, thiếu sót, tồn tại của tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các cấp; trong đó ngụy tạo về điều kiện, hoàn cảnh, thời gian để đánh lừa người tiếp cận thông tin. Khi đăng tải, chia sẻ thông tin đã tổ chức, bố trí một lực lượng khá lớn để tương tác, bình luận, phản biện nhằm đánh lừa người tiếp cận thông tin và lôi kéo họ tích cực tham gia.

- Sử dụng lực lượng có kiến thức để thực hiện nhiệm vụ đăng tải, chia sẻ thông tin xấu, độc, trong quá trình thực hiện, tương tác sử dụng kiến thức chuyên môn cao, thể hiện thái độ thân thiện, có văn hóa để dễ dàng đánh lừa và lôi kéo người tiếp cận thông tin. Đặc biệt, khai thác triệt để những vấn đề bức xúc của người dân...

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, từ đầu năm 2020 đến nay, qua giám sát, Bộ đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo tên các đồng chí ở Trung ương, 4.500 tin bài xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube phát tán những thông tin xấu, độc hại, hoặc rò rỉ thông tin bí mật quốc gia, gây hại cho đất nước, thậm chí tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước.

Chính vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, làm thế nào để không vô tình trở thành những cái máy nhân bản những thông tin xuyên tạc, bịa đặt hay các luận điệu sai trái là điều mà mỗi người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ phải được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, xác định việc đấu tranh với các đối tượng, lực lượng chống phá, thù địch và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Phải thực hiện hiệu quả việc thông tin, tuyên truyền sâu, rộng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lan tỏa thật nhanh chóng, mạnh mẽ những thông tin chính thống về mọi mặt của đời sống xã hội, kể cả những tồn tại, hạn chế, thậm chí là yếu kém, sai sót của hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả việc thông tin, quảng bá trên truyền thông xã hội với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030. Đổi mới hình thức, phương pháp học tập lý luận chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên; chú trọng giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy tính tích cực chính trị của thanh niên để họ quan tâm các vấn đề, các sự kiện chính trị của đất nước.

Phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đi đầu trong việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; nêu cao ý thức cảnh giác, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thế hệ trẻ.        

Ba là, nâng cao năng lực tận dụng yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực từ mạng xã hội của người dùng trẻ. Mạng xã hội tạo cơ hội tốt để thanh niên thể hiện bản thân và tương tác với bạn bè, giúp họ phát triển bản sắc, tính độc lập và điều chỉnh khả năng tương tác của mình một cách lành mạnh, phát triển các mối quan hệ thân thiết. Tham gia vào các loại hình phương tiện truyền thông xã hội chính, trong đó có mạng xã hội là một cách giới trẻ thực hiện quá trình học tập xã hội để cá nhân hòa nhập xã hội, đồng thời “mài giũa” bản thân thông qua những trải nghiệm và học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do đặc tính về tính nặc danh, tính mở của thông tin internet nên nhiều người dùng trẻ ngộ nhận xem nhẹ hay cố tình bỏ qua để vi phạm. Do đó, cần bồi đắp “vùng lõm” về nhận thức chính trị thông qua việc sự trau dồi tự thân của mỗi người trẻ, tất nhiên không thể thiếu vai trò từ các thiết chế xã hội khác.

Bốn là, tăng cường bảo mật và an toàn thông tin trên mạng xã hội. Thế giới mạng xã hội kết nối toàn cầu, đồng nghĩa với việc người dùng mạng xã hội trẻ của Việt Nam, với hành trang kỹ năng còn yếu, phải đối diện với tội phạm mạng quốc tế có các hình thức phạm tội ngày càng tinh vi, nên rủi ro sẽ ngày càng gia tăng, những trang web phản động đặt máy chủ ở nước ngoài được hậu thuẫn phía sau là những tổ chức thù địch... xảy ra ngày càng nhiều. Bởi vậy, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội của giới trẻ Việt Nam, việc huấn luyện những kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, một cách có hệ thống, bài bản, xuyên suốt về bảo vệ an toàn thông tin là việc làm hết sức cần kíp trong tình hình hiện nay.

Năm là, xây dựng và phát triển hệ thống những giá trị, chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Chống lợi dụng mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; chống lợi dụng giao lưu về giáo dục và đào tạo để chuyển hóa tư tưởng, ý thức của một số sinh viên, thế hệ trẻ mang văn hóa độc hại vào Việt Nam. Tăng cường và đổi mới các hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật, ý thức công dân, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia cho thế hệ trẻ, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Dự báo, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm trạng của các đối tượng thanh niên để tập hợp, phản ánh và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.

Chú thích:

 1.    Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

TRẦN VÂN ANH -  Tiến sĩ, Phó Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều