Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Về tín ngưỡng có khoảng hơn 8 nghìn lễ hội hàng năm; về tôn giáo có 46 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế trong đó có việc thực hiện nhất quán chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân nên trong xã hội đã xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới với nhiều biểu hiện, tính chất khác nhau.
Qua khảo sát ở các tỉnh, thành phố có thể thấy các hiện tượng tôn giáo mới chưa có hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi hoàn chỉnh mà chủ yếu vay mượn giáo lý của các tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Tin Lành, Công giáo, tín ngưỡng dân gian.
Các hiện tượng tôn giáo mới tạo ra những áp lực cho một số chính quyền các cấp trong xử lý hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới xảy ra trên địa bàn. Hoạt động của không ít các hiện tượng tôn giáo mới đã ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, như: truyền bá những tư tưởng phản khoa học về tâm lý và sức khỏe của con người; trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội; xúi giục phá bỏ bàn thờ ông bà, tổ tiên, không hiếu kính với ông bà, cha mẹ, chỉ tin vào đấng siêu nhiên gây ra những mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ; tuyên truyền sai trái các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội; trái với hương ước, quy ước của khu dân cư gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của một bộ phận dân cư.
Một số hiện tượng tôn giáo mới tuyên truyền người tin theo không chăm lo đến sản xuất mà tụ tập cầu cúng, lợi dụng niềm tin của người theo để trục lợi bất chính, lợi dụng giáo lý của các tôn giáo truyền thống nhưng khi thuyết giảng lại phủ nhận giáo lý các tôn giáo truyền thống, xúc phạm giáo chủ, chức sắc các tôn giáo truyền thống, gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Một số hiện tượng tôn giáo mới hoạt động trên phạm vi rộng đưa Bác Hồ thành Đấng Thánh như Đức Phật tái thế nên dễ dẫn đến việc gây mất an ninh chính trị, xã hội, chuẩn mực đạo đức. Trong số các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện và tồn tại ở nước ta hiện nay có một số nhóm, hệ phái cực đoan, còn gọi là tà giáo, tà đạo với các biểu hiện tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh tâm linh, gây phương hại về sức khỏe và tính mạng cho người tin theo. Để lôi kéo được nhiều người tin theo, các nhóm Vàng Chứ, Dương Văn Mình, Amí Sara, Hà Mòn... chú trọng tuyên truyền mê tín dị đoan nhấn mạnh đến ngày tận thế để những người tin theo sẽ được cứu vớt, không phải lao động mà vẫn sung sướng.
Các giáo phái như: Tâm linh Hồ Chí Minh, Long hoa Di Lặc, Amí Sara, Pơ khắp Brâu, Hà Mòn... hứa hẹn với tín đồ và người dân về khả năng chữa bệnh không dùng thuốc. Người đứng đầu các nhóm này luôn khuyên bệnh nhân từ chối các liệu pháp y học để chữa trị bằng pháp thuật và cầu nguyện. Một số hiện tượng tôn giáo mới gây xáo trộn trong đời sống gia đình và cộng đồng như tín đồ theo Thanh Hải Vô thượng sư hằng ngày ngồi thiền 2-3 giờ, sống cách xa họ hàng, không uống nước chung, không ăn chung bát đũa, không ăn đồ cúng lễ... gây bất hòa trong quan hệ gia đình và cộng đồng; kích động chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây phương hại đến an ninh quốc gia.
Các tà đạo “Cây Thập giá Chúa Giêsu Krits”, “Tin lành Đấng Christ Việt Nam” và “Hà Mòn” ở khu vực Tây Nguyên đều ý thức tạo dựng các giáo phái này trở thành đạo Tin lành mới và Công giáo mới của các tộc người thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, thể hiện rõ chủ nghĩa ly khai phục vụ mưu đồ chính trị của các thế lực phản động trong nước và ngoài nước.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Văn phòng I, Trung ương GHPG Việt Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023. (Ảnh minh họa) |
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, từng bước đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực như:
Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng: Hệ thống chính trị các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị; chức sắc, chức việc, tín đồ trong các tổ chức giáo hội về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo pháp luật; chú trọng tuyên truyền công tác tôn giáo và lợi dụng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.
Bằng công tác tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, các lực lượng chức năng ở các địa phương đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá nước ta, làm cho đồng bào theo các tôn giáo nhận rõ bản chất thâm độc, nham hiểm của chúng.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: Chính phủ đã ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hàng vạn công trình hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, các công trình nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ... Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc tôn giáo trong việc giúp đỡ xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc, in kinh sách, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tổ chức sinh hoạt tôn giáo…
Tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức tôn giáo thực hiện việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2003 đến nay, cơ quan quản lý nhà nước đã xem xét đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức với 25 tổ chức tôn giáo, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo được công nhận lên 46 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng trong đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.
Trên lĩnh vực đối ngoại: Với phương châm tích cực, chủ động, mềm dẻo trong đấu tranh ngoại giao, các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương đã chủ động hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thông qua các hoạt động của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân tôn giáo và liên quan đến tôn giáo ở trong nước và ở nước ngoài; tăng cường trao đổi đoàn, tham dự các diễn đàn, hội thảo, đối thoại về nhân quyền, tôn giáo với các nước EU, Mỹ, Úc, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế (Mỹ), diễn đàn nhân dân ASEM…; đã tổ chức cho một số đoàn nước ngoài vào tìm hiểu thực tế tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam. Đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm cản trở công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam. Mặt khác, Nhà nước cũng cử một số đoàn cán bộ và đoàn chức sắc tôn giáo ra nước ngoài để làm rõ quan điểm của Việt Nam về chính sách dân tộc, tôn giáo, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch.
Trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị - xã hội ở các địa bàn. Điển hình là công tác đấu tranh làm thất bại các hoạt động ly khai của tổ chức mạo xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” do Thích Quảng Độ cầm đầu; “Phật giáo Hoà hảo thuần túy” do Lê Quang Liêm cầm đầu; xử lý vụ việc gây bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004 âm mưu lập “nhà nước Đêga” với “Tin Lành Đêga” làm quốc đạo; đấu tranh trấn áp số cầm đầu FULRO và tà đạo “Hà Mòn” ở Tây Nguyên; xử lý vụ tụ tập đông người “xưng vua”, lập “vương quốc Mông” gây rối an ninh trật tự ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011.
Đấu tranh với các tổ chức “văn phòng Công giáo đối lập”, hoạt động của tổ chức “liên đảng Lạc Hồng”, “khối 8406”, “nhóm xã hội dân sự”, “hội tù nhân lương tâm”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “hội đồng liên tôn”, ngăn chặn âm mưu thành lập tổ chức “liên tôn chống cộng” của một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo; đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các “đạo lạ”, “tà giáo”, mang nội dung lệch chuẩn văn hoá, đạo đức, trái với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Giê sùa”, “Bà cô Dợ”, “Pơ khắp Brâu”, “Dương Văn Mình”, “hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”; gần đây nhất các cơ quan chức năng đã truy bắt và tòa án đã tuyên những bản án nghiêm khắc xử lý các đối tượng trong tổ chức với cái gọi “hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” do các đối tượng trong và ngoài nước thực hiện bạo động, đột nhập tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin.
Với phương châm “Lấy việc của tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo, dựa vào giáo hội để giải quyết việc nội bộ của giáo hội”, cấp uỷ các cấp đã chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào có đạo, tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo, để tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở các địa phương.
Tuy nhiên, hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiện vẫn còn những bất cập, có nơi còn chủ quan, buông lỏng quản lý nhưng có nơi lại quá chặt chẽ, khắt khe, thậm chí cản trở, cấm đoán gây bức xúc đối với chức sắc, tín đồ, tạo cớ cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của hệ thống chính trị ở một số nơi, nhất là ở cơ sở còn bất cập, chưa đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chưa đáp ứng yêu cầu công tác tôn giáo trong tình hình mới; chưa kịp thời nắm bắt và chủ động trong công tác tôn giáo, xử lý kịp thời những “điểm nóng” phức tạp liên quan đến tôn giáo.
Trong khi đó, nhiều hoạt động tôn giáo “lấn lướt” chính quyền, vi phạm các quy định của pháp luật chưa được xử lý nghiêm. Công tác quản lý và sử dụng đất đai tôn giáo còn bất cập, một số vụ việc kéo dài, chậm được giải quyết, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Công tác vận động, tập hợp quần chúng tôn giáo tham gia vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở nhiều nơi còn hạn chế. Công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo một số nơi còn mang tính hình thức, chưa tạo dựng được mối quan hệ gần gũi, thân thiện và đồng thuận với cấp uỷ, chính quyền và các phong trào chung của đất nước.
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, câu kết với các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo ở trong nước nhằm thực hiện “âm mưu diễn biến hòa bình”; cung cấp kinh phí cho một số nhóm phái lén lút tuyên truyền, phát triển vào Việt Nam, chú trọng địa bàn các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng “ngọn cờ” đối trọng với một số chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở địa phương, khi chính quyền xử lý kiên quyết với những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của những người cầm đầu các đạo lạ, tà đạo này thì các đối tượng vu cáo, xuyên tạc, lên án Việt Nam “vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”; đồng thời kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài, bằng con đường ngoại giao, thông qua các các tổ chức, các diễn đàn quốc tế… để gây sức ép với Chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục công khai lợi dụng chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền", “tự do tôn giáo” tạo cớ can thiệp vào các công việc nội bộ Việt Nam, trong đó có việc ủng hộ, giúp đỡ cho các đối tượng cực đoan. Điều đó, đòi hỏi các cấp, các ngành không được mất cảnh giác, không buông lỏng đấu tranh với âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng nên phải thường xuyên nâng cao nhận thức về tôn giáo, công tác tôn giáo; phân biệt rõ giữa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật với việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào mục đích chính trị, phi tôn giáo để có những giải pháp kịp thời.
Một là, tăng cường công tác nghiên cứu nhận diện, phân loại và đánh giá tác động xã hội để làm luận cứ khoa học trong xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật đối với các loại “hiện tượng tôn giáo mới”. Xác định rõ các tiêu chí để nhận diện theo từng nhóm cấp độ. Chẳng hạn như: nhóm có biểu hiện tính tôn giáo khá rõ, chưa có biểu hiện hoạt động vi phạm quy định của pháp luật, có những yếu tố tích cực; nhóm có biểu hiện tính tôn giáo, nhưng lại có hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng xã hội, hoặc ở một số quốc gia được coi là tôn giáo, nhưng trong hoạt động tại Việt Nam có những biểu hiện vi phạm pháp luật (theo Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo); hội, nhóm trái pháp luật, có yếu tố tà giáo; nhóm bị các thế lực thù địch lợi dụng... Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo có cơ sở tham mưu, đề xuất chính quyền các giải pháp ứng xử phù hợp với mỗi loại.
Hiện tượng nào có thể định hướng cho chính quyền cơ sở xem xét theo pháp luật, từng bước cho đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; những hiện tượng nào cần thông tin rõ tính chất hoạt động tiêu cực để mọi người hiểu, vận động, từng bước thu hẹp; hiện tượng nào cần phải đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở các kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo, tổ chức bất hợp pháp… các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị cần tiếp tục phối hợp thống nhất tham mưu các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác nhận diện và định hướng giải pháp quản lý đối với từng loại hiện tượng tôn giáo mới.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ công tác tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị (khoá XII) Về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia… trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phổ biến cho đông đảo quần chúng nhân dân nhận thức rõ về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân khi tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; nhận thức rõ đâu là chính đạo, là tôn giáo hợp pháp, đâu là tà đạo; đâu là những hành vi hoạt động trái pháp luật. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc cho tín đồ, có ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân và trách nhiệm đối với xã hội. Định hướng giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân giữ gìn và phát huy tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và Nhân dân nhằm loại bỏ các hiện tượng “thánh hoá” người có công thành những vị “thánh, thần, tiên, phật, đấng cứu thế”… lừa gạt, lôi kéo người dân theo vì mục đích phi tôn giáo.
Ba là, kiên quyết đấu tranh, phê phán, giáo dục và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước; kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ gây rối trật tự, đòi hỏi những điều mà luật pháp không cho phép, hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo sự đồng thuận ủng hộ của đông đảo quần chúng trong việc phê phán, lên án, tự giác đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân lợi dụng “tôn giáo mới” “đạo lạ, tà đạo” mê hoặc một bộ phận quần chúng.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cơ sở và giữa các lực lượng chức năng nhằm chủ động, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối Đảng, Nhà nước. Trong đó, cần chú ý đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trực tiếp tại cơ sở biết cách nhận dạng và phòng chống, theo các tôn giáo hợp pháp và tín ngưỡng truyền thống. Công tác tuyên truyền, vận động phải phát huy vai trò tham gia của các chức sắc, chức việc, người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ ở cộng đồng các khu dân cư.
Bốn là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo định hướng thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật có liên quan như: đất đai, dân sự, văn hoá, y tế, giáo dục... để phát huy nguồn lực của tôn giáo vào sự phát triển xã hội. Kịp thời nắm bắt những vấn đề bức xúc nảy sinh trong cộng đồng tôn giáo để có biện pháp phù hợp, quan tâm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của quần chúng có tôn giáo, nhất là trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, chức sắc, tín đồ theo quy định của pháp luật.
Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ của tổ chức đã được Nhà nước chấp thuận và đúng pháp luật. Chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, nhất là khiếu kiện, tranh chấp đất đai, cơ sở thờ tự tôn giáo trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, phù hợp với thực tế, quan tâm tới nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, hợp lý của chức sắc, tín đồ, tạo sự đồng thuận, ổn định. Cần có biện pháp quản lý việc xuất bản, in ấn để giảm thiểu các ấn phẩm tuyên truyền mê tín xuất hiện trôi nổi trên thị trường, gây xáo động trong nhận thức và tâm lý người dân; tăng cường công tác quản lý mạng xã hội của các hiện tượng tôn giáo mới.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo nhằm thu hút, tập hợp chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia. Nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của chức sắc, tín đồ; phối hợp tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, phù hợp thực tiễn, đúng pháp luật. Đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc phát động; xây dựng môi trường văn hoá, tín ngưỡng lành mạnh; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo.
Thực hiện tốt phương châm: kiên trì, khéo léo, tế nhị, mềm dẻo, kiên quyết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tuyên truyền, vận động quần chúng, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của các chức sắc, nhà tu hành có tiếng nói phê phán, lên án với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. Tăng cường quan tâm tạo điều kiện và hướng dẫn cho chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện... trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư, vai trò của các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng trong giữ gìn an ninh, trật tự ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước.
DƯƠNG MẠNH HÙNG - Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam