NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN VÀ CÁC VẤN ĐỀ CHỐNG PHÁ CHỦ YẾU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH ĐỐI VỚI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TA
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã khẳng định, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Tại Đại hội VI (12/1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”1. Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”2.
Trong Cương lĩnh năm 1991, Đảng xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”3. Điều này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các Văn kiện Đại hội Đảng và trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước liên tục đưa ra các âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên nhiều phương diện khác nhau.
Về âm mưu chống phá, âm mưu cơ bản và lâu dài của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta đang xây dựng, Chúng tìm cách phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận nhằm đưa ý thức hệ tư sản thâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống tinh thần của Nhân dân ta, tiến tới xoay chuyển quỹ đạo phát triển của Việt Nam đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một âm mưu rất nguy hiểm và thâm độc của các thế lực thù địch và liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Về phương thức, thủ đoạn chống phá, để thực hiện âm mưu, các thế lực thù địch đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau
Một là, tiến hành phân rã về tư tưởng, lý luận bằng cách đan cài những quan điểm Mác-xít, giả danh Mác-xít, đúng - sai lẫn lộn, làm cho người đọc mất phương hướng, không phân biệt được ngay - gian, chính - tà; móc nối, xâm nhập vào nội bộ của Đảng, tìm cách phân hóa tổ chức để tìm ra “ngọn cờ” tập hợp lực lượng.
Hai là, phát tán tài liệu, viết thư gửi các tổ chức quốc tế; trả lời phỏng vấn đài, báo quốc tế về tình hình Việt Nam, cổ súy cho đấu tranh tự do; điều trần về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; giới thiệu sách, báo, hồi ký, phát tán các video clip có nội dung xấu độc, nhằm xuyên tạc tình hình chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Ba là, kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, gây sức ép với Việt Nam, kích động Nhân dân, nhất là giáo dân đấu tranh đòi tự do, dân chủ.
Bốn là, gây dựng nhiều tổ chức như tổ chức phản động “Việt Tân”, đảng Đại Việt ở nước ngoài câu kết với một số phần tử phản động, cơ hội chính trị ở trong nước, mạng lưới blogger Việt Nam; tạo lập các website, blog, facebook, fanpage giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, xuyên tạc về bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa và kích động chống đối.
Năm là, khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, văn hóa phẩm đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, ngược lại với thuần phong mỹ tục; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị và trong Nhân dân.
Sáu là, kích động chống đối thông qua các hội, nhóm, tài khoản trên mạng xã hội, kích động những vấn đề liên quan đến các sơ hở, sai phạm và bức xúc xã hội; lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây dao động về tư tưởng, gây mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong Nhân dân, chia rẽ nội bộ và kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Bảy là, lấy ý kiến qua mạng xã hội nhằm tạo áp lực dư luận, gây áp lực đối với chính quyền bằng cách soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư ngỏ”, “thư góp ý” (cả chính danh, nặc danh và mạo danh) để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm gây nhiễu loạn thông tin, kích động, gây áp lực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn xã hội.
Tám là, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Một trong những biểu hiện của thủ đoạn này là kêu gọi “Biểu tình ảo trên không gian mạng” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo ra hiệu ứng đám đông.
Từ không gian mạng, các đối tượng phản động hướng dẫn cách thức chế tạo chất nổ, vũ khí, cách thức tiến hành khủng bố, phá hoại, gây rối an ninh, biểu tình, livestream các vụ việc nhạy cảm, tụ tập biểu tình, khiếu kiện... để kêu gọi cộng đồng mạng và những kẻ cơ hội chính trị tham gia bình luận, chia sẻ, tạo điểm nóng.
Về những vấn đề cơ bản mà các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, chống phá
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Thời gian qua, các thế lực thù địch tập trung chống phá vào những vấn đề cơ bản như sau:
Một là, xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay. Các thế lực thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đang phát triển ở giai đoạn tự do cạnh tranh nên chỉ phù hợp với hoàn cảnh xã hội phương Tây lúc bấy giờ.
Hơn nữa, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chính là một bằng chứng không gì thuyết phục hơn để cho thấy sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hai là, xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phủ nhận sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Các thế lực thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với phương Tây, còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam.
Họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, là phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thực chất của quan điểm này là cố tình đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá vỡ từng mảng trong nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự xáo trộn trong ý thức hệ của Nhân dân.
Ba là, xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Các thế lực thù địch cho rằng chủ trương, đường lối của Đảng là sự “nhào trộn vô nguyên tắc”, “không có gì mới mẻ”, “khư khư ôm cái cũ đã lỗi thời”. Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bốn là, xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu trong quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng những kết quả đã đạt được của nước ta qua hơn 35 năm đổi mới là “không đáng kể”, do đó, khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới là “viển vông”, “phi thực tế”.
Năm là, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự; sử dụng mạng xã hội để tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm gây tâm lý hoang mang, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng, chế độ.
Sáu là, phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt thông tin, lợi dụng những vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành “cách mạng đường phố” tại Việt Nam...
Những âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá tinh vi đó tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và đất nước tác động nhiều chiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng.
Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”4, “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”5.
Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sư tồn vong của Đảng, của chế độ ta và tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta trong thời gian tới.
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản như sau:
Một là, thường xuyên bám sát định hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Gắn nhiệm vụ này với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, đồng bộ.
Ngoài ra, việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, trong tất cả các cơ quan, ban, ngành và địa phương để tạo nên một thế trận toàn diện, đấu tranh trên mọi mặt trận.
Hai là, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như:
Phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai...
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh từ sớm, từ xa, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong việc định hướng dư luận cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ba là, phát huy tối đa vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; đặc biệt là Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong việc tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ; nắm bắt, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh.
Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với Nhân dân.
Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả.
Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý và áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, cần chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định.
Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.
Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, lan tỏa Nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực tiễn hơn 93 năm ra đời và phát triển của Đảng đã cho thấy, trước bất kỳ nhiệm vụ nào, Đảng cũng luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo nên một nguồn nội lực tổng hợp.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ rất khó khăn nên để thực hiện có hiệu quả, cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, lan tỏa những chủ trương, đường lối của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên mà của cả Nhân dân.
Vì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên đó chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Do đó, các giải pháp nêu trên sẽ góp phần thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.127.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.21.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.108.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.164.
Trương Thành Trung - Thạc sĩ, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Mặt trận,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.