Vận dụng phương pháp phát huy sức mạnh quần chúng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Sức mạnh của quần chúng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của mọi cuộc cách mạng. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của nhân dân trong lịch sử và tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”(1) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo phương pháp phát huy sức mạnh quần chúng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023, ngày 29-11-2023 _Nguồn: baokontum.com.vn

Phương pháp pháp huy sức mạnh quần chúng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng

Cách mạng muốn thắng lợi, trước hết phải xác định đường lối và phương pháp đúng đắn và phù hợp. Trong đó, phương pháp cách mạng là cách thức để tổ chức thực hiện đường lối đạt hiệu quả, giải quyết được những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong từng thời kỳ; đồng thời, huy động cao nhất lực lượng cách mạng tự giác, tích cực tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc với quyết tâm giành thắng lợi cao nhất. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, vì vậy, phương pháp cách mạng phải bao gồm việc tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, tập hợp và xây dựng lực lượng quần chúng thành “bức tường đồng” bất khả xâm phạm. Chỉ khi quy tụ, tập hợp toàn dân sẽ tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, trường tồn trước những biến thiên của lịch sử, để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, nhưng nếu mỗi người đứng riêng rẽ thì sẽ không thể tạo thành sức mạnh, chỉ khi được giác ngộ, quy tụ trong một khối thống nhất mới tạo thành sức mạnh “muôn người như một”. Tuy nhiên, việc quy tụ, tập hợp và phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân đòi hỏi phải có phương pháp, hình thức phù hợp, trong đó, Đảng phải là hạt nhân. Trên cơ sở kế thừa và tiếp nối truyền thống của cha ông về tinh thần “thân dân, trọng dân, yêu dân” và sức mạnh “chở thuyền”, “lật thuyền” của nhân dân; quán triệt sâu sắc tư tưởng “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi nhân dân là “mạch nguồn” tạo nên sức mạnh nội sinh, quyết định sự hưng thịnh, suy vong của quốc gia - dân tộc; là “thành lũy” kiên cố vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam là đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp bằng con đường “bạo lực cách mạng”. Đồng thời, nhấn mạnh, bạo lực cách mạng nhất thiết phải có sự tham gia đông đảo của quần chúng. Bởi, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”(2), chỉ khi quần chúng được giác ngộ, quy tụ thành một khối thống nhất mới trở thành lực lượng hùng hậu chống lại bạo lực phản cách mạng. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn các phong trào yêu nước trước khi Đảng ra đời (phong trào Cần Vương, phong trào của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu…) đều thất bại do chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn và phương pháp cách mạng phù hợp; trải qua ba cao trào cách mạng từ 1930 - 1945, Đảng đã chứng minh đường lối, phương pháp bạo lực dựa trên sức mạnh quần chúng là đúng đắn. Lòng dân, sức dân dưới sự lãnh đạo của Đảng được quy tụ, chuyển hóa thành sức mạnh vô địch làm nên kỳ tích lịch sử, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị để Đảng ta vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng ngay sau đó, vận mệnh của đất nước rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi giặc đói, giặc dốt, đặc biệt là giặc ngoại xâm đang đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do của dân tộc. Với dã tâm “cướp nước ta một lần nữa”, thực dân Pháp đã đặt dân tộc Việt Nam trước thử thách mới: Hoặc chiến đấu để giữ vững nền độc lập, hoặc trở lại kiếp nô lệ một lần nữa. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu cả dân tộc nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự chủ động và bản lĩnh của Đảng ta với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, cùng với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(3), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; đồng thời, sáng tạo trong việc khơi dậy, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, chủ động khai thác và động viên được sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, viết nên thiên sử vàng cho lịch sử dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã phát huy và đưa sức mạnh toàn dân lên tầm cao mới. Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, vừa phải đương đầu với đế quốc Mỹ - một kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới ở miền Nam, vừa phải giải quyết nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa ở xã hội ở miền Bắc, với trí tuệ, bản lĩnh sáng suốt, Đảng đã huy động tổng lực sức người, sức của trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa… để chi viện cho tiền tuyến, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Như vậy, trước sự tồn vong của dân tộc, với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, dựa vào nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên.

Thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã minh chứng nhờ có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng đã tập hợp, quy tụ, phát huy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển một “đạo quân chính trị” hùng hậu cho cách mạng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là nét độc đáo trong phương pháp cách mạng của Đảng ở thời kỳ này.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Song, do lạc hậu về nhận thức lý luận, cùng với những sai lầm “tả khuynh”, “hữu khuynh” trong tổ chức thực hiện nên đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng; cùng với sự bao vây, cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch. Trước hoàn cảnh đó, Đảng tiếp tục vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp phát huy sức mạnh quần chúng để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi mới. Với bản lĩnh kiên cường, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc quy tụ, đoàn kết quần chúng nhân dân tạo thành sức mạnh vô địch đưa đất nước vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đất nước phát triển nhanh và bền vững(4).

Điệu xòe Thái thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng _Ảnh: TTXVN

Vận dụng phương pháp phát huy sức mạnh quần chúng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ sống còn, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cũng như thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch là công việc hệ trọng, thường xuyên, liên tục liên quan trực tiếp đến vận mệnh quốc gia - dân tộc và lợi ích của nhân dân. Do đó, cần dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân để thực hiện “nhiệm vụ sống còn” này, nhất là khi các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ cơ sở chính trị - xã hội quan trọng nhất đối với sự cầm quyền của Đảng là nền nhân dân. Nhân dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, là “tai mắt” của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, khi được tuyên truyền, giáo dục, huy động, quy tụ, tập hợp bằng phương pháp phù hợp, họ sẽ có khả năng “tự đề kháng” trước những thông tin xấu độc, có cách thức đấu tranh hiệu quả để mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; luôn tin tưởng và chủ động bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, đã giúp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng”(5). Đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược về phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh nội dung “dựa vào dân”, phát huy sức mạnh của nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là giải pháp quan trọng hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”(6), đồng thời, khẳng định chiến lược xây dựng “thế trận lòng dân” là nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, hình thức, phương thức thể hiện, phát huy tốt vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông; lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... Những kết quả này góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, việc xây dựng “thế trận lòng dân”, dựa vào dân và phát huy sức mạnh toàn dân có lúc, có nơi còn hạn chế, bất cập. Do đó, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận, “đồng tâm hiệp lực” của nhân dân, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể, là trung tâm trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của công cuộc đổi mới, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, do đó, mọi chủ trương, chính sách đều phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; khơi dậy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để hiểu dân, kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tránh để những bức xúc nổi cộm thành “điểm nóng”.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để giúp nhân dân nhận thức và hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm công dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền. Tăng cường trang bị cho nhân dân kiến thức, kỹ năng để nhận diện phương thức, phương tiện, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kịp thời và chủ động thông tin, tuyên truyền về những vụ việc, vấn đề nhạy cảm, phức tạp, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Ba là, tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và toàn xã hội; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tiếp tục dựa vào dân để kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác cán bộ, kiên quyết đấu tranh, phê phán với những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân.

Bốn là, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…; bảo đảm chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế. Tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

TS Nguyễn Thị Thu Hà

Học viện Chính trị khu vực I

Theo Tạp chí Cộng sản

--------------------------------

(1), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 501
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 672
(3), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534, 89.
(4), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 20, 27.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 248.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều