36 trạm thu phí vào nội đô sẽ như đóa hoa 36 cánh cho một thành phố trong lành, thảnh thơi, không ùn tắc hay biến thành 36 cái lô cốt gây thêm ùn tắc và cả bức xúc?
Nhưng nhìn việc lấy ý kiến, có thể nhận thấy thành phố cũng đang hoàn toàn nghiêm túc với một biện pháp giảm ùn tắc giao thông. Mà TPHCM làm rồi thì có thể Hà Nội cũng sẽ làm. Đơn giản, không TP nào chịu về nhì nếu quy tiền được sự ùn tắc.
Với ngót 1.800 tỉ đồng, dự án này dự kiến sẽ đặt 36 cổng thu tiền. Mức thu 40.000 đồng/ xe cá nhân; 30.000 đồng/ xe taxi và 50.000 đồng/xe tải, xe bus vào trung tâm TPHCM, từ 7h sáng tới 19h tối.
Trước tiên, chúng ta phải cùng công nhận cái được của dự án này: Chắc chắn nó sẽ thu được tiền. Nói như dân gian là “tiền tấn” chứ không đùa. Bởi như Tiên Phong tính toán, lưu lượng ôtô vào trung tâm TP là từ 110-150 ngàn lượt/ngày.
Chỉ phải xây một cái trạm, đặt vào đó một cô thu ngân. Và tiền cứ thế chảy về. Buôn nào lãi bằng!
Nhưng vấn đề chính là hiệu quả có giảm được ùn tắc hay không thì lại rất khó để khẳng định.
Một lẽ đơn giản, dự án muốn giảm lưu lượng ôtô vào TP nhưng lại không thể giảm nhu cầu đi lại của dân. Đi ô tô phải trả phí quá đắt, người dân buộc phải lựa chọn phương tiện cá nhân khác. Bởi phương tiện công cộng để có thể đi lại thuận tiện vẫn còn ở tương lai rất xa.
Huống chi, khu vực ùn tắc của cả TPHCM và Hà Nội hầu hết là khu tiếp giáp chứ không phải chỉ lõi nội đô. Đặt ở đó những cái trạm, dù là thu phí tự động không dừng, có khác gì chêm thêm những cái lô cốt vào nút cổ chai ùn tắc.
Huống chi về kinh phí, 1.800 tỉ đồng chưa bao hàm trong đó khoản tiền mà hàng vạn chủ xe phải bỏ ra để lắp thiết bị thanh toán tự động.
Chúng ta vừa nghe loáng thoáng, trong lý do thu phí kia mấy chữ “nước ngoài thu từ lâu”, “Singapore thu rất hiệu quả”. Nhưng cái khác biệt cơ bản giữa ta và Tây, giữa Singapore và TPHCM là họ đã có một hạ tầng giao thông hoàn hảo, đã có một hệ thống giao thông công cộng quá thuận tiện. Khác, ở chỗ bên cạnh các biện pháp có tính chất cưỡng chế nhà nước, họ để dân có sự lựa chọn phương tiện trong việc đảm bảo quyền tự do đi lại.
Cho nên, cứ Metro, cứ BRT đi đã, trước khi lao vào một dự án chỉ có mỗi tác dụng móc tiền túi dân trong khi quá phiêu lưu về hiệu quả.
/Báo Lao động