Mặc dù đây là hoạt động cần thiết để thúc đẩy giao thương nhưng dư luận cho rằng có chuyện “mượn đường” để hợp thức hóa chuyện giải ngân cho các chuyến xuất cảnh không vì mục đích xúc tiến thương mại của cán bộ địa phương?
Minh họa của ĐAN
Dập dìu ra nước ngoài
3 cán bộ tại Thanh Hóa đi xúc tiến thương mại ở Mỹ được đề nghị tỉnh duyệt chi số tiền lên tới gần 2 tỉ đồng gây xôn xao dư luận. Sau khi rà soát, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thông tin số tiền được duyệt chỉ còn 1/3 và nhiều hạng mục phải gạt bỏ. Sự việc này dấy lên câu hỏi: Quy trình xét duyệt các đoàn cán bộ đi xúc tiến thương mại thế nào? Ai là người giám sát hiệu quả?
Mới đây, nhiều địa phương cũng đã bị phát lộ là “rất có vấn đề” trong việc cử cán bộ đi xúc tiến thương mại.
Tỉnh Cà Mau lập ít nhất 3 đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm nước ngoài. Sau khi công luận lên tiếng, UBND tỉnh cho rà soát lại, lượng người tham gia giảm đáng kể, có đoàn giảm từ 18 xuống còn 6 người, giảm đến 12 người.
Cụ thể, ngày 7.9, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1435/QĐ-UBND về việc cử đoàn cán bộ tham gia Hội chợ World Food Moscow và kết hợp khảo sát thị trường, tìm cơ hội xúc tiến thương mại tại thị trường nước Nga, thời gian từ ngày 12-19.9. Đoàn này do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.
Theo đó, danh sách tham gia đoàn có 12 người, gồm 4 cán bộ quản lý và 8 doanh nhân của doanh nghiệp chế biến thủy sản. Trước đó, ngày 9.8, UBND tỉnh Cà Mau có Quyết định số 1262/QĐ-UBND thành lập đoàn công tác có cùng nội dung trên. Tuy nhiên, số lượng thành viên là 25 người và chia làm hai nhóm. Trong danh sách có “phu nhân Chủ tịch UBND tỉnh”.
Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu cơ quan chức năng nghiêm túc rà soát, kiểm tra lại; nhất là việc sử dụng nguồn kinh phí, bố trí thành phần tham gia đoàn đi công tác nước ngoài phải tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước. Sau khi rà soát, Cà Mau ban hành quyết định mới cắt giảm từ 25 người xuống còn 12 người. Danh sách mới, không có tên “phu nhân Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau”.
Ngoài ra, cuối tháng 8, UBND tỉnh Cà Mau cũng thống nhất chủ trương cho Sở NNPTNT thành lập Tổ công tác đi học tập kinh nghiệm quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Thái Lan trong 6 ngày (tính cả đi về 2 ngày).
Tổ công tác gồm 6 thành viên với tổng kinh phí hơn 255 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trước đó, tại tờ trình của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau về việc xin cử đoàn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm quản lý tàu cá, danh sách thành viên mà sở này đề xuất lên tới 18 người. Thông tin này cũng bị dư luận phản ứng, UBND tỉnh chỉ chấp nhận cho 6 người đi Thái Lan.
Trước đó, ngày 30.8, UBND tỉnh Cà Mau có công văn xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau cử cán bộ đi hợp tác hữu nghị, xúc tiến đầu tư với tỉnh Nagasaki, kết hợp khảo sát thị trường Nhật Bản. Thời gian đi là 5 ngày, thành phần gồm lãnh đạo tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo sở và Văn phòng.
Ngạc nhiên nhất là Bạc Liêu, cuối tháng 7, Sở NNPTNT tỉnh này cũng có tờ trình xin đi Malaysia học tập kinh nghiệm… nuôi chim yến. Đoàn đi Malaysia gồm 18 người, trong đó có 14 cán bộ sẽ đi bằng ngân sách tỉnh, thời gian đi là 5 ngày trong tháng 8; còn lại 4 người là các doanh nghiệp đi cùng, kinh phí tự túc. Ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết, đây mới là tờ trình của Sở NNPTNT, tỉnh chưa có chủ trương.
Một góc thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (ảnh minh họa). Ảnh: NHẬT HỒ
Hiệu quả từ xúc tiến thương mại chỉ đạt 0,28% kim ngạch xuất khẩu
Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2017, Việt Nam đã đạt được dấu mốc đáng nhớ khi vươn tới kim ngạch xuất khẩu cán mốc 200 tỉ USD. Tăng 21% so với năm 2016. Thế nhưng, chưa có báo cáo nào thực sự thẩm định rõ ràng con số 200 tỉ USD ấy có bao nhiêu phần là do hiệu quả của các cuộc xúc tiến thương mại mang lại.
Mặc dù Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú từng cho biết, trong năm 2017, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại đạt hơn 569 triệu USD và hơn 324 tỉ đồng. Nếu đó là một đánh giá đầy đủ, rõ ràng giá trị từ các cuộc xúc tiến thương mại quá nhỏ bé, chỉ đạt 0,28% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tại các địa phương, công tác xúc tiến thương mại ở mức độ nhỏ hơn, có lẽ chính vì thế mà nhân sự tham gia có nhiều thành phần lãnh đạo hơn. Điều đặc biệt là thường các thành phần xuất ngoại lại thiếu đi đại diện các doanh nghiệp - đối tượng hiểu rõ nhất mình cần bán gì ra thị trường và thị trường ở đâu có thể tiếp nhận được sản phẩm của mình.
Trao đổi cùng PV Báo Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Phạm Ngọc Hưng nhận định: “Vấn đề xúc tiến thương mại thực sự là nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó phải biết doanh nghiệp mình mạnh cái gì, yếu cái gì để mình hỗ trợ doanh nghiệp mình cái đó.
Việc tổ chức các chuyến đi xúc tiến thương mại ở các địa phương, nếu sử dụng nguồn kinh phí đó để các hiệp hội thực hiện, chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn vì họ làm theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Còn các đoàn địa phương đi xúc tiến thương mại mà chi phí lên tới tiền tỉ thì thật sự rất khó hiểu. Nếu kinh phí đó, để hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh triển khai, người ta sẽ biết doanh nghiệp tỉnh mình cần thâm nhập thị trường nào, doanh nghiệp nào đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu, doanh nghiệp nào cần bổ sung điều kiện gì để có thể tham gia…
Nếu cần thiết thì chỉ cần có một bộ phận của lực lượng xúc tiến thương mại địa phương tham gia để nắm bắt thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.
Ông Hưng cũng cho rằng, các nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình xúc tiến thương mại phải được kiểm soát chặt chẽ, có báo cáo kết quả bằng những hợp đồng cụ thể mới thực sự hiệu quả.
Rõ ràng, đã đến lúc cần phải xem lại quy trình và thành phần của các đoàn xuất ngoại với mục đích xúc tiến thương mại ở các địa phương.
Theo Duy Tiên – Nhật Hồ/Báo Lao động