Chiều 2-9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020).
Ngày 2-9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020. Theo đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng. Cụ thể, năm nay Việt Nam xếp thứ 42 trên 131 quốc gia và nền kinh tế, còn năm 2019 đứng thứ 42/129. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc (GII) năm nay liệt kê năng lực cạnh tranh của 131 nền kinh tế dựa trên 80 tiểu tiêu chí được WIPO, Trường Kinh doanh INSEAD và trường Đại học Cornell phối hợp biên soạn.
Trong những năm qua, Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp thu được nhiều kết quả đổi mới ở nhóm chỉ số đầu ra hơn so với đầu vào, thuộc tốp 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Năm nay, Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu GII, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp trên "ngôi vương", tiếp theo là Thụy Điển và Mỹ. Thụy Sĩ luôn đạt được điểm cao về số lượng bằng sáng chế được nộp, sức mạnh của lực lượng lao động, các trường đại học, các bài báo khoa học được xuất bản và hiệu quả hoạt động của chính phủ.
Một bối cảnh đổi mới đang thay đổi
Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry phát biểu.
Công bố bảng xếp hạng ngày 2-9, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc khôi phục nền kinh tế mỗi nước nói riêng và thế giới nói chung đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá.
Tổng giám đốc WIPO nói: “Sự lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới của dịch Covid-19 đòi hỏi phải có tư duy mới để bảo đảm chiến thắng chung trước thách thức toàn cầu quan trọng này”.
Theo thông cáo báo chí của WIPO, trong bảng xếp hạng hàng năm, GII cho thấy sự ổn định ở vị trí cao nhất, nhưng có sự dịch chuyển dần dần về một nhóm các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam - những quốc gia đã tăng đáng kể trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo trong những năm qua.
Theo đó, trong những năm qua, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam là những nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới GII theo thời gian. Cả bốn quốc gia này hiện đều có mặt trong top 50.
Thông cáo cho biết, các nền kinh tế hoạt động hàng đầu trong GII hầu như vẫn chỉ thuộc nhóm thu nhập cao. Trung Quốc (xếp thứ 14) vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong GII top 30. Theo sau là Malaysia đứng thứ 33.
Ấn Độ (thứ 48) và Philippines (thứ 50) lần đầu tiên lọt vào top 50. Philippines đạt thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay, vào năm 2014, nước này xếp thứ 100. Đứng đầu trong nhóm thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 42 trong năm thứ hai liên tiếp, từ vị trí 71 năm 2014. Indonesia (thứ 85) gia nhập top 10 của nhóm này. Tanzania đứng đầu nhóm thu nhập thấp (thứ 88).
“Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đã thể hiện rằng, sự kiên trì theo đuổi đổi mới sáng tạo sẽ được đền đáp theo thời gian” Cựu Trưởng khoa và Giáo sư Quản lý tại Đại học Cornell Soumitra Dutta đánh giá.
Giáo sư Soumitra Dutta cho biết, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII đã được chính phủ của các quốc gia đó sử dụng để cải thiện hiệu suất đổi mới của họ.
Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Kể từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42 (năm 2020).
Cụ thể, so với năm 2019, nhóm chỉ số đầu vào, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc, trong đó trình độ phát triển kinh doanh tăng 30 bậc từ vị trí 69 lên 39. Trong nhóm chỉ số đầu ra, chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc (từ vị trí 47 lên 38); chỉ số hợp tác viện trường – doanh nghiệp tăng 10 bậc (từ 75 lên 65); chỉ số số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật tăng 13 bậc (từ 74 lên 61); năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc (từ vị trí 23 lên 10). Đặc biệt, chỉ số giá trị thương hiệu toàn cầu lần đầu tiên được sử dụng để đánh giá xếp hạng cũng ghi nhận kết quả tốt của Việt Nam khi đứng ở vị trí thứ 19 với 33 thương hiệu nằm trong Top 5.000 thương hiệu hàng đầu.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong xếp hạng chỉ số GII năm nay, nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng là minh chứng cho việc chúng ta tiếp tục duy trì sự đầu tư của nhà nước, cũng như các doanh nghiệp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi như thể chế, trình độ kinh doanh, tín dụng tiếp tục ở mức cao. Từ việc đầu tư đầu vào như vậy thì các chỉ số đầu ra của chúng ta cũng tiếp tục được duy trì và tăng.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu như một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Các Bộ, ngành, địa phương qua đó nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước của mình. Từ đó cần phải tập trung vào khắc phục những điểm yếu cũng như phát huy các điểm mạnh.
Theo các chuyên gia, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được WIPO phối hợp với Viện INSEAD và Đại học Cornell, Mỹ xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện.
Bộ chỉ số này mang tính toàn diện, phản ánh được tất cả các khía cạnh của hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm cả các yếu tố về thể chế, cơ sở hạ tầng, thị trường,…
Theo THẢO LÊ/Nhân dân