Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Người dân phải chịu thuế kép

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng là không hợp lý, khiến người dân phải đóng 2 lần thuế, tạo gánh nặng cho nhiều người.

 TS Nguyễn Trí Hiếu

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở.

Hiện tại, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Dựa trên 2 nguyên tắc này, TS Trí Hiếu cho rằng đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý.

“Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

TS Hiếu cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

“Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi” – TS Hiếu phân tích.

Đánh thuế trên quyền sử dụng đất là một thông lệ quốc tế mà hầu như nhiều quốc gia áp dụng. Lấy ví dụ, ông Hiếu cho biết, Mỹ không hề có thuế bất động sản mà chỉ có thuế đất. Thuế đất đó sẽ được định phần trăm giá trị của đất và người dân phải trả thuế đất hàng năm. TS Hiếu cho rằng, thay vì đánh thuế nhà ở, chúng ta nên đánh thuế đất từ 1-5% giá trị của đất là phù hợp với thu nhập cũng như điều kiện của người dân hiện nay.

 

Theo Thiên Bình/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều