Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, từ Đại hội XII đã xác định chủ trương dứt khoát xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập một cơ quan độc lập quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, ông hoàn toàn ủng hộ việc thành lập cơ quan quản lý vốn độc lập tách bạch với Bộ chủ quản chuyên ngành. Đây cũng là xu hướng của thế giới từng bước buộc các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cạnh tranh theo cơ chế thị trường bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân.
Tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 (Nghị định 131) của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn – PV) tại doanh nghiệp. Với Nghị định này, 19 Tổng Công ty, Tập đoàn lớn được chuyển nguyên vẹn về Ủy ban Quản lý vốn. Ngoài ra, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước được giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao từ các Bộ, UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc xếp sắp về tổ chức, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký, ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao các doanh nghiệp; thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Có thể nói đây là một cuộc cách mạng đột phá trong việc sắp xếp tổ chức lại các doanh nghiệp Nhà nước để từng bước thực hiện cơ chế thị trường, hội nhập, cạnh tranh phát triển cùng với các doanh nghiệp trên thế giới.
Việc Bộ, ngành và các tổ chức liên quan cần phải thực hiện theo Nghị định và một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ là: Chuyển giao các doanh nghiệp từ các Bộ, ngành sang Ủy ban Quản lý vốn thực hiện có đúng tiến độ không? Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp có được thực hiện theo tiến độ không? Vướng mắc ở khâu nào? Bộ, ngành nào phải chịu trách nhiệm? Tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn (đặc biệt là con người) đã ổn định để thực hiện nhiệm vụ chưa? Những vướng mắc gì về tổ chức bộ máy mà các Bộ, ngành cần phải giúp đỡ để Ủy ban Quản lý vốn sớm hoàn thiện đưa vào hoạt động?
Một cuộc cách mạng đột phá chắc chắn sẽ còn nhiều cản trở, tồn tại, ở đâu đó. Có những doanh nghiệp muốn xin trở lại Bộ cũ vì những lý do khác nhau cũng là chuyện đương nhiên. Trong bài báo “Hiểu cho đúng khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” đăng trên Báo điện tử Xây dựng đã giải thích những tiếng kêu không đúng của một vài doanh nghiệp. Họ cho rằng: Những ách tắc của các doanh nghiệp là do chuyển về Ủy ban Quản lý vốn như khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án do Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư; Khó khăn, vướng mắc trong việc giao vốn ngân sách Nhà nước cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và một số những vấn đề khác…
Tất cả những thắc mắc đó từng bước được làm rõ. Nhưng chắc chắn có một điều “không hài lòng” của một vài doanh nghiệp là: Đối với các dự án đầu tư kéo dài nhiều năm, các dự án đầu tư đang thực hiện, các dự án đầu tư đã hoàn thành chưa quyết toán sẽ được Ủy ban Quản lý vốn theo nhiệm vụ của Thủ tướng phân giao sẽ kiểm tra, rà soát tính đúng đắn và hiệu quả của dự án, trình tự thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước. Điều đó có thể là những “khó khăn” cho doanh nghiệp, mà điều đó doanh nghiệp không muốn.
Cũng theo bài báo nêu trên còn một số quan điểm của các chuyên gia cho rằng: “Ủy ban Quản lý vốn phải tái cấu trúc lại theo mô hình tập đoàn đầu tư tài chính của Nhà nước, chứ không phải là một cơ quan hành chính cấp trên của doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay”. Chúng tôi cho rằng, nhiều năm qua, mô hình này cũng đã được thực hiện thông qua việc thành lập Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Nói như vậy thì chỉ cần cấu trúc lại Tổng Công ty này là đủ chứ không cần phải thành lập Ủy ban Quản lý vốn như hiện nay. Chúng tôi nghĩ, việc này cũng đã được Chính phủ, nhiều Bộ, ban, ngành, nhiều cơ quan cũng đã tham gia nghiên cứu và mô hình Ủy ban Quản lý vốn là mô hình cuối cùng được chấp nhận để Chính phủ ban hành Nghị định 131.
Có ý kiến cho rằng “Thời gian qua, Ủy ban Quản lý vốn đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đó là sự dùng dằng trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Đây là mấu chốt khiến việc thiết kế Ủy ban Quản lý vốn không đúng bản chất”.
Theo chúng tôi, ý kiến của một vị trong Ban soạn thảo này là chưa đúng. Vấn đề ở đây là mô hình Ủy ban Quản lý vốn được thiết kế theo đúng Nghị định 131 của Chính phủ, chứ không phải Ủy ban Quản lý vốn không làm đúng bản chất của mình từ khi thành lập. Nếu tiếp tục nêu những vấn đề này sẽ gây ra những hiểu lầm trong tổ chức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn.
Có ý kiến lại cho rằng: “Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn không phải giao dự án đầu tư, mà là giao mục tiêu (tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải giao từng dự án. Ủy ban phải làm như thế. Còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn không phải là nơi thẩm định đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi”.
Theo chúng tôi, Ủy ban Quản lý vốn cũng như các cơ quan hành chính Nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, mà ở đây là Nghị định 131 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn.
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, việc thành bại chính là việc đầu tư vào từng chương trình, dự án. Trong các quy định của pháp luật đặc biệt Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng đã quy định rất rõ loại dự án nhóm nào thì Thủ tướng quyết định đầu tư, dự án nhóm nào các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, dự án nhóm nào thì doanh nghiệp quyết định đầu tư. Tuy vậy, trong bất kỳ dự án nào mà doanh nghiệp muốn đầu tư thì với tư cách của cơ quan sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thể không xem xét về tính khả thi và có ý kiến trước khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều đó đã được quy định tại khoản 4, Điều 3 của Nghị định 131. Những vấn đề như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh sẽ được thể hiện trên từng dự án, đặc biệt đối với những dự án phải đấu thầu, nhất là đấu thầu quốc tế.
Có ý kiến cho rằng “Muốn có người giỏi vào Ủy ban Quản lý vốn thì phải thực hiện cơ chế tiền lương mới, là tiền lương theo thị trường lao động quốc tế mới tuyển được CEO giỏi, chứ đừng đưa mấy ông công chức vào Ủy ban Quản lý vốn. Ghế tại cơ quan này không phải ghế thử quyền lực”.
Chúng tôi cho rằng, mong muốn lương công chức của đất nước cao là nguyện vọng chung, Nhà nước cũng đang nghiên cứu vấn đề này để từng bước cải thiện đời sống của công chức Nhà nước. Tại khoản 5, Điều 8, Nghị định 131 quy định: “Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn hưởng chế độ tương đương Bộ trưởng, các chức danh lãnh đạo còn lại được hưởng theo mức quy định tại Mục I.1 tại Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước…”. Như vậy, những đề xuất về tiền lương nêu trên là trái với Nghị định 131.
Mặt khác, chúng tôi cho rằng các công chức làm việc tại cơ quan Ủy ban Quản lý vốn chắc cũng như công chức tại các cơ quan khác của Nhà nước; sao lại phải vào đây để thử “ghế quyền lực”? Trên thực tế, một số cơ quan Nhà nước còn có tình trạng nhận “con ông cháu cha” để vào ngồi những vị trí “quyền lực” nhưng không đủ điều kiện và năng lực. Việc đó, chúng ta có thể nêu tên từng đối tượng cụ thể như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin. Nhưng trong trường hợp là “con ông, cháu cha” nhưng họ có năng lực thật sự thì tại sao lại không bố trí, sắp xếp?
Với nhận xét khó hiểu trên, liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? Với một chuyên gia uyên bác và hào sảng như vị chuyên gia này, chúng tôi nghĩ ông sẽ không có những nhận xét chủ quan như vậy? Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và lòng tự trọng của cán bộ, công nhân viên Ủy ban Quản lý vốn.
Với một cơ quan mới thành lập có các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được ghi tại Nghị định 131, chúng tôi thấy Ủy ban Quản lý vốn phải thực hiện quá nhiều công việc mà rất nhiều công việc cơ quan này phải chủ trì, phối hợp, trình… Điều này sẽ dẫn đến việc thiếu chủ động, quyết đoán trong điều hành công việc của Ủy ban Quản lý vốn.
Cũng cần nói thêm rằng, theo quy định tại Nghị định 131, mặc dù đây là cơ quan hành chính Nhà nước ngang Bộ, nhưng không phải cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư cũng là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về cổ phần hóa doanh nghiệp là Bộ Tài chính… Vì vậy không thể nói Ủy ban Quản lý vốn là cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về quản lý doanh nghiệp và đầu tư.
Tác giả bài báo cho rằng: Khi nhận xét công việc của một cơ quan nào đó trước hết phải hiểu rõ văn bản pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó, cũng như những nhiệm vụ khác do pháp luật phân giao cụ thể. Như vậy việc nhận xét, đánh giá mới đảm bảo sự đúng đắn và khách quan.
Theo Duy Nguyên/Báo Xây dựng