|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, lãnh đạo và đại diện của 63 địa phương Việt Nam, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tô Anh Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm để “kết nối tay ba” giữa đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trước những chuyển biến nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, Thứ trưởng cho rằng hợp tác, gắn kết, tin cậy, đổi mới, sáng tạo là nhu cầu và lựa chọn tất yếu, là cơ sở để tất cả chung tay vượt qua thách thức, cùng nhau nắm bắt cơ hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững sau dịch bệnh.
Nhấn mạnh sự đồng hành với các doanh nghiệp và địa phương trên hành trình hội nhập và phát triển của đất nước, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Bộ Ngoại giao đã xác định phương châm “xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Trong những năm qua, hoạt động kết nối giữa các địa phương Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc của công tác ngoại giao kinh tế và đang ngày càng được đẩy mạnh, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác mới.
Với mạng lưới 94 cơ quan đại diện tại nước ngoài, Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định Bộ Ngoại giao sẵn sàng làm nhịp cầu đưa các đối tác nước ngoài đến gần hơn với Việt Nam và đưa các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Tại Phiên “Kết nối vì phát triển”, các diễn giả từ một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam (Lào, Nhật Bản, Nga, Pháp) và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc đã trao đổi về triển khai hợp tác cấp địa phương giữa Việt Nam và nước đối tác. Khi chia sẻ về những khó khăn do đại dịch COVID-19 trong triển khai hợp tác cấp địa phương, các diễn giả cũng đánh giá cao những kết quả đạt được và ấn tượng với những cách làm mới, mang lại hiệu quả hợp tác thiết thực như gặp gỡ/kết nối trực tuyến giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, thiết lập các cặp quan hệ kết nghĩa cấp địa phương.
Đại diện một số tỉnh thành (Hải Phòng, Bắc Ninh) cũng chia sẻ tại Tọa đàm những kinh nghiệm và bài học rút ra từ triển khai hợp tác hiệu quả với một số nước đối tác nước ngoài.
Tiếp đó, Phiên “Hợp tác đầu tư và thương mại” lần đầu tiên đã có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp. Đại diện cho một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các diễn giả quốc tế đã chỉ ra những cơ hội hợp tác, đồng hành cùng các địa phương Việt Nam vượt qua đại dịch, tái mở cửa, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu được các diễn giả xác định là đòn bẩy quan trọng thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại thời gian tới.
Nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương tại nước ngoài được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ. Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang cũng trao đổi tại Tọa đàm về kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác cùng các doanh nghiệp nước ngoài tại địa bàn trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” đã thành công tốt đẹp với sự tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, đoàn ngoại giao và đại diện doanh nghiệp. Thông qua trao đổi và kết nối, các địa phương đã tích lũy được các kinh nghiệm, bài học quan trọng trong triển khai công tác đối ngoại địa phương phục vụ phát triển, nỗ lực phục hồi từ đại dịch; đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài tại các tỉnh, thành phố Việt Nam được “hiến kế”, đề xuất chung tay cùng các địa phương tái mở cửa một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái "bình thường mới". Các nhà đầu tư nước ngoài thêm vững tin vào chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ và các địa phương Việt Nam.
Theo P.V (TTXVN)