Trạm thi phí BOT Cai Lậy là đỉnh điểm của sự phản đối mức thu phí BOT và vị trí đặt trạm thu phí.
Sau “hiệu ứng” trạm thu phí BOT Cầu Bến Thủy (TP Vinh, Nghệ An), đến BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), “cuộc chiến tiền lẻ” đã lan rộng ra khắp các trạm BOT trên cả nước. Đỉnh điểm là tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tiếp đó là BOT QL5 (Hưng Yên), BOT QL1 tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai). Mới đây, Bộ GTVT đã phải lên kế hoạch giảm mức phí BOT trên các tuyến quốc lộ hiện nay. Theo đó, 54 trạm thu phí BOT trên cả nước sẽ được điều chỉnh giảm phí trong thời gian tới.
Vì sao chậm giảm phí 54 dự án BOT?
Theo Bộ GTVT, sở dĩ đến nay chưa thể giảm phí tại các dự án BOT là do Bộ GTVT đang phải lấy ý kiến các chủ đầu tư dự án BOT và địa phương đặt trạm thu phí.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đối với 54 dự án BOT do Bộ quản lý, Tổng cục đang rà soát với chủ đầu tư dự án để thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện.
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có nhiều sai phạm được chỉ ra.
Theo ông Huyện, việc rà soát, đàm phán dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 10 để Tổng cục đề xuất Bộ GTVT xem xét, phê duyệt giảm phí. Nếu được thông qua, tháng 11 tới sẽ tiến hành giảm phí tại các trạm BOT.
“Tuy nhiên, việc giảm phí phải xem xét vào tình hình thực tế của từng trạm. Những trạm có lưu lượng xe ít như dự án BOT cầu Hạc Trì sẽ không giảm để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông: “Quan điểm của Bộ GTVT là sẽ điều chỉnh mức phí theo xu hướng giảm, rà soát xong trạm BOT nào sẽ giảm ngay phí đường bộ tại dự án đó”.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, mỗi dự án là một nhà đầu tư nên không thể thực hiện giảm phí đồng loạt cùng lúc. Việc rà soát các trạm thu phí sẽ đánh giá cụ thể về dự án, phương án tài chính và hoạt động thu phí thực tế/lưu lượng xe, xem đó là căn cứ để đàm phán với các nhà đầu tư và thống nhất mức phí có thể giảm hài hoà nhất.
“Hiện nay ở phía Bắc, Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất giảm phí trạm BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 15/10 với mức giảm là 25%. Tại khu vực miền Trung, tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề nghị giảm phí qua trạm BOT trên Quốc lộ 1, Bộ GTVT đang xem xét để thống nhất điều chỉnh giảm phí”, Thứ trưởng Đông nói.
Đối phó với nguy cơ bùng phát phản đối BOT?
Về phương án giảm phí BOT tại 54 trạm thu phí trên toàn quốc của Bộ GTVT, nhiều người dân đặt câu hỏi. Có phải vì sau khi một số trạm thu phí BOT bị người dân phản đối bằng cách trả tiền lẻ nên phải giảm?
Nếu theo quy định, nhiều trạm phải dừng thu phí khi chưa quyết toán xong giá trị công trình, nhiều dự án có nhiều sai phạm nhưng vẫn để thu phí…
Rất nhiều tuyến đường độc đạo, chủ đầu tư chỉ "tráng men" lại mặt đường rồi đặt trạm thu phí BOT.
Đặc biệt là vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt sai sót, bất cập ở các dự án BOT, BT của ngành GTVT, như là "ém" thông tin về dự án, cải tạo đường cũ nhưng thu phí theo kiểu làm đường mới, dự án chưa hoàn thành đã thu phí cả tuyến, đường làm một đằng đặt trạm thu phí một nẻo...là nội dung kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT…Chỉ định thầu, làm sai nguyên tắc; Chọn nhà thầu năng lực yếu; Đặt trạm thu phí bất hợp lý; Mập mờ thu phí… và kiến nghị xử trách nhiệm 2 đơn vị là Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Anh Phạm Văn Nhất, ở Thanh Châu, TP. Phủ Lý (Hà Nam) thường xuyên đi trên tuyến đường từ Pháp Vân – Cầu Giẽ cho rằng, “đối với tuyến đường có nhiều sai phạm thì nên cho dừng thu phí để kiểm tra, làm rõ. Xem chi phí thế nào, phương án thu bao lâu chứ cứ thu tù mù thế này không ai quản lý là không ổn”.
Còn anh Võ Duy Phong ở Duy Xuyên, Quảng Nam, chạy xe tải chở hàng Bắc Nam cho biết, giờ QL1 nhiều trạm thu phí quá, cứ một thời gian lại thấy có trạm thu phí BOT mọc lên, thu phí.
“Mình chạy xe tải đường dài, đến trạm hỏi xe mình hết bao nhiêu phí thì móc tiền ra trả chứ biết làm sao được. Nếu có quy định là có kết luận sai phạm, chưa quyết toán xong thì không được thu tiền phí thì nên áp dụng cho dân được nhờ…”.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, chúng ta nên sòng phẳng và minh bạch. Chỉ có như vậy thì mới giải quyết được vấn đề. Còn nếu cứ mập mờ thì sẽ còn phát sinh tiêu cực.
Với nhiều tồn tại, sai phạm tại của dự án BOT, BT giao thông đã được chỉ ra, cần được Bộ GTVT giải quyết. Còn với cách "giảm giá vé" như hiện nay, nhiều người sẽ nghĩ rằng nó chỉ là biện pháp tạm thời xoa dịu lòng dân, mà chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề./.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát mức phí cụ thể cho lộ trình từ Bắc vào Nam.
Theo đó, ôtô đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 phải nộp mức phí tối đa là 4.540.000 đồng mỗi xe, trong khi lộ trình cao tốc mức phí là 4.805.000 đồng mỗi xe.
Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, cả nước hiện có 70 trạm BOT đang thu phí trên các tuyến Quốc lộ, có 10 trạm khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Theo Phi Long/VOV.VN