Nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn nói riêng, toàn cầu nói chung giảm sút khiến hàng hoá tồn kho, doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, không còn vốn để duy trì sản xuất. Các doanh nghiệp đang phải tính toán nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm.
Sụt giảm đơn hàng
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Những tháng đầu năm 2022, ngành dệt may có bước khởi đầu khá lạc quan khi các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu mua sắm sau thời gian đại dịch có xu hướng phục hồi tốt. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may tăng trưởng đạt gần 60% so với năm trước. Hầu hết doanh nghiệp đều có đơn hàng gối đầu, các doanh nghiệp lớn thậm chí có đơn hàng đến hết quý II, quý III. Tuy nhiên, những chỉ số tích cực không kéo dài được lâu, khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra và sau đó là lạm phát ngày càng lan dần.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, tình trạng giảm đơn hàng đã kéo dài suốt từ tháng 6/2022 đến nay, lượng đơn hàng của Việt Thắng Jean ở thị trường châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi đơn hàng cho thị trường Mỹ giảm 30 - 40%. Hàng hóa xuất sang các thị trường này tiêu thụ rất chậm và bị tồn kho. Nhiều lô hàng xuất sang châu Âu từ tháng 7, tháng 8 nhưng đến nay có hơn 50% vẫn để trong kho chưa thể bán ra.
Hiện tại Việt Thắng Jean chỉ sản xuất khoảng 80% so với công suất thiết kế của nhà máy, thậm chí, giai đoạn tháng 7, tháng 8 chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế. Tồn kho tăng cao dẫn tới nguy cơ khách hàng có thể hủy đơn hàng bất ngờ. Do đó, Việt Thắng Jean luôn phải bám sát thông tin thị trường cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng. Những khách hàng có nguy cơ rủi ro cao, công ty sẽ không ký kết đơn hàng để tránh khả năng bị hủy đơn vào phút cuối.
Để có thể duy trì sản xuất và giữ việc làm cho người lao động, Việt Thắng Jean đang nỗ lực chuyển hướng thị trường. Hai thị trường mới của doanh nghiệp này là Canada và Australia đã bước đầu mang lại kết quả, nhưng các thị trường mới vẫn chưa thể bù đắp được sự sụt giảm từ thị trường Mỹ và châu Âu.
Tương tự, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc cho biết, lượng đơn đặt hàng công ty nhận được ở thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 30% so với trung bình các năm trước. Ngoài việc giảm lượng đơn hàng, công ty còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn là các khách hàng hiện nay đều đặt hàng với số lượng nhỏ lẻ và thời gian ngắn theo kiểu "giữ mối". Nhiều đơn hàng đặt với số lượng rất thấp, chỉ dưới 1.000 sản phẩm, thời gian đặt hàng cũng theo từng tháng thay vì đặt trước 6 tháng như trước đây. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lên kế hoạch sản xuất, nhập hàng, mua nguyên phụ liệu, may mẫu…
Không chỉ dệt may mà các doanh nghiệp da giày, cao su - nhựa cũng đang chật vật để duy trì việc làm cho người lao động vì khan hiếm đơn hàng.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, các doanh nghiệp ngành da giày hiện nay đều "khó chồng khó". Sau đợt dịch COVID-19 chưa kịp hồi phục thì chịu tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới. Các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, châu Âu đều không tiêu thụ được hàng dẫn đến tồn kho và dừng nhập khẩu. Làn sóng lạm phát lan rộng và đã tác động đến cả các thị trường châu Á, ngay cả tiêu thụ nội địa cũng giảm sút mạnh. Người tiêu dùng khắp nơi phải thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên cho lương thực và đồ thiết yếu.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, hiện nay hầu hết các thị trường đều giảm 30 - 40% đơn hàng so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục xu hướng giảm mạnh hơn trong những tháng tới. Dự báo tình hình thị trường nửa đầu năm 2023 vẫn rất ảm đạm.
"Không có đơn hàng, doanh nghiệp không có doanh thu, việc vay vốn sản xuất càng khó khăn, một số công ty đã phải dừng sản xuất, số còn lại cũng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Tập đoàn Gia Định hiện có gần 5.000 lao động nhưng đơn hàng ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp đang cố gắng chia ca để công nhân làm việc luân phiên. Tuy nhiên, khả năng sẽ không cầm cự được lâu và công ty phải tính phương án cắt giảm bớt lao động trong thời gian tới" - ông Nguyễn Chí Trung cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cao su - Nhựa TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đơn hàng của doanh nghiệp tại các thị trường châu Âu và Mỹ đều giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân số đơn hàng giảm 20%, có những doanh nghiệp giảm 30% đơn hàng. Giai đoạn này giá nguyên liệu như hoá chất, than đen, cao su tổng hợp đang giảm khoảng 30% so với cao điểm nhưng doanh nghiệp không có thêm đơn hàng để sản xuất. Với tình hình kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm như hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy đơn hàng sẽ khởi sắc trong nửa đầu năm 2023 - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Trợ lực nào cho doanh nghiệp?
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý 3/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Trong khi việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng gặp nhiều khó khăn do mức lãi suất tăng cao, siết room tín dụng,... giải pháp đầu tiên để vượt khó được đặt ra là các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt là khu vực còn ổn định, lạm phát thấp.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu giảm, các doanh nghiệp sản xuất cần khẩn trương đa dạng hóa thị trường, từ nguồn cung nguyên phụ liệu cho đến đầu ra sản phẩm, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
"Hiệp hội đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong có Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày; từ đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây", bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Ngoài các giải pháp hỗ trợ về vốn, lãi suất, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng, về lâu dài, ngành dệt may - da giày Việt Nam cần được các bộ, ngành hỗ trợ mở rộng, đẩy mạnh việc sản xuất vải, dệt, nhuộm để có thể tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao vị thế cạnh tranh với các nước khác. Đặc biệt, là xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... nhằm đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu.
Nhiều dự báo cho thấy tình hình quốc tế năm tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.
Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO... và đẩy nhanh việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục. Mặt khác, Bộ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng... chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, cũng như tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu...
Theo Xuân Anh - Đức Dũng (TTXVN/Báo Tin tức)