Công ty Đại Dương ngang nhiên đặt trạm trông xe tại vỉa hè trên đường Tô Hiệu (Hà Đông). Ảnh: CN.
Việc một số Cty được “ưu ái” cấp giấy phép như vậy đang khiến nhiều người đặt hoài nghi và cho rằng, phải chăng có lợi ích nhóm ở đây.
Tiền thu vào túi tư nhân
Theo khảo sát của nhóm PV tại một số cung đường ở khu Linh Đàm (quận Hoàng Mai), khu Văn Quán, đường Tô Hiệu (quận Hà Đông) hay khu Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm)… trên địa bàn Hà Nội hiện nay lòng đường đang được bị xẻ để làm dịch vụ trông giữ ôtô.
Ngày 17/4, có mặt tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm rất khó khăn để tìm được chỗ gửi xe ôtô. Phải vòng mấy lượt, chúng tôi dừng lại trước sảnh tòa nhà HH3C, lúc này có một nhân viên mặc áo xanh đến hỏi và xi nhan cho chúng tôi vào một chỗ trống ở dưới lòng đường.
Sau khi xe vào vị trí, nhân viên này đã tiến lên để ghi vé và thu tiền với giá 30.000 đồng/lượt. Trên chiếc vé ghi rõ Cty CP TMDV Vương Lê và số tiền nhưng không hề có con dấu. Khi chúng tôi đắn đo trả tiền và phân vân rằng xe để dưới lòng đường có bị cảnh sát cẩu đi không.
Người này nhanh nhẩu nói và khẳng định: “Ở đây chúng em đã được cấp giấy phép đầy đủ, nếu anh không gửi thì có thể đi chỗ khác. Còn gửi mà mất cái gì bọn em sẽ đền cho anh. Nếu có vé xe mà xe bị cẩu thì phía công ty bên em chịu trách nhiệm”.
Khi hỏi rõ về giá dịch vụ trông xe ôtô ngày đêm tại đây, nhân viên này cho biết giá trông theo tháng tùy xe nhưng giao động từ 700.000 đến 1.000.000đồng/ôtô.
“Nếu trên vỉa hè hết chỗ thì anh cứ đỗ dưới lòng đường, và ngược lại. Ở đây dưới lòng đường khi nào cũng kín chỗ” - nhân viên này nói.
Luật sư Vũ Văn Biên (Hà Nội) cho rằng, việc các công ty thu tiền mà vé không có dấu thì rất khó trong việc quản lý tài chính. Việc thu vé không có dấu thì đó là thu ngoài ngân sách, đó là thu khống. Tiền đó sẽ “chui” vào túi tư nhân.
“Tại sao được cho phép trông xe mà không có vé được in dấu đỏ rõ ràng, có mức vé cụ thể, qua đây để thấy việc quản lý giao thông của chúng ta hiện nay rất kém” - luật sư Biên nói.
Còn tiến sĩ Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Các khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, các đô thị lớn đang có ách tắc giao thông thì cần có các bãi đỗ xe ngầm và đỗ xe nổi cao tầng. Trong quy hoạch hiện nay chưa có nhiều bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Đạt, phiếu thu phải rõ ràng, nếu không thì nguồn tiền đó sẽ vào túi cá nhân chứ không vào tổ chức và cơ quan nhà nước.
Ông Đạt cho rằng, trong trường hợp nếu các điểm trông giữ xe mà nhiều lần vi phạm thì nên thu hồi giấy phép.
Nối tay cho Cty tư nhân
Cuối tháng 3/2018, cư dân tại khu chung cư cao cấp Hyundai Hillstate nằm trên đường Tô Hiệu, phường Hà Cầu, quận Hà Đông (Hà Nội) bất ngờ nhận được thông báo của Sở GTVT Hà Nội về việc “cấp phép tạm thời sử dụng đường (phố) để trông giữ phương tiện giao thông cho Cty CP Bảo vệ An ninh Đại Dương có địa chỉ tại Khu thể thao - công viên thể thao cây xanh phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội được tạm thời sử dụng lòng đường mặt trước và sau của Hyundai Hillstate, tổng diện tích 632m2 để làm dịch vụ trông giữ xe ôtô công cộng. Thời gian sử dụng là 12 ngày, từ 20/3/2018 – 31/3/2018”.
Sau một thời gian thăm dò và cấp tạm 12 ngày, Cty này tiếp tục được Sở GTVT Hà Nội “ưu ái” cấp tiếp thời gian 1 tháng. Bắt đầu từ ngày 1/4 đến ngày 30/4/2018.
Không chỉ tuyến đường quanh Hyundai Hillstate mà hàng loạt tuyến đường khác cũng “bỗng nhiên bị thu phí”. Điển hình là người dân tại khu nhà chung cư CT1A, CT1B, CT2A (Khu đô thị Văn Quán, phường Phú La, Q.Hà Đông) thời gian qua bị “ép” phải gửi xe tại tuyến Đường K15 do một nhóm người xưng là người của Cty TNHH MTV Đỗ Hữu Tín thực hiện.
Phản ánh với báo chí, cư dân ở khu chung cư Văn Quán cho rằng, đường K15 được đầu tư xây dựng là công trình hạ tầng đường giao thông nội bộ dân sinh từ dự án đầu tư khu đô thị Văn Quán, do các cư dân của khu đô thị Văn Quán đóng góp nên không thể để một doanh nghiệp thu phí.
Một lý do khác là lòng đường K15 khá hẹp, việc tổ chức đỗ xe dày đặc trên cả 2 chiều của 2 lối đi đường K15 đối diện nhà CT1A, CT1B và CT2A, không kẻ vạch, không chừa khoảng cách đến các điểm nút giao thông và lối lên xuống các tòa nhà chung cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy. Cản trở lối tiếp cận của các thiết bị cứu hỏa khi có hỏa hoạn đến các tòa nhà CT1A, CT1B và CT2A, lối tiếp cận các họng nước cứu hỏa và phòng chống tai nạn giao thông, không đáp ứng các quy định tại Điểm 8, Mục IV của Thông tư 04/2008/TT-BXD.
Theo phát hiện của chính người dân, giấy phép của Sở GTVT Hà Nội, “Giấy phép tạm thời sử dụng đường (phố) để giữ phương tiện giao thông tại lòng đường K15 (KĐT Văn Quán), phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội” số 244/GP-SGTVT do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp ngày 19.3.2018 có nội dung không nhất quán, được cấp cho Cty TNHH MTV Đỗ Hữu Tín trên cơ sở xét đơn đề nghị của Công ty CP Bảo vệ An ninh Đại Dương(!?) - cũng chính là công ty được chính quyền ưu ái cấp phép thu phí ở khu Hyundai Hillstate như đã nói ở trên.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ thì Hà Nội có hơn 300 điểm trông giữ xe dưới lòng đường. Các giấy phép điểm trông giữ xe này là do Sở GTVT cấp.
Theo vị lãnh đạo này, việc cấp phép theo đúng quy trình, quy định. Trước khi cấp đã thông qua chính quyền địa phương, tổ dân phố, công an và đã khảo sát thực tế.
“Phía Sở cấp theo đúng quy trình, có hồ sơ biên bản đầy đủ chứ không tự ý. Không phải thích cấp là cấp, thích thu là thu”.
Tuy nhiên, về Sở GTVT vẫn chưa trả lời câu hỏi: Vì sao những Cty tư nhân mới thành lập nhưng đã được ưu ái cấp phép như Cty Đại Dương (thành lập tháng 10.2017) và những khoản tiền thu được từ dịch vụ này sẽ được ăn chia thế nào, nhất là với những bãi xe thu tiền mà không trả vé, hoặc vé không đúng với quy định hiện hành.
Theo Cao Nguyên – Linh Anh/Báo Lao động