Hoàng Mai, Hà Nội: Bài học cảnh báo tình trạng hàng hóa gắn mác sản phẩm ngoại lưu thông trên thị trường

(Mặt trận) - Suốt một thời gian dài, kho hàng Chi nhánh Văn phòng Hà Nội của Công ty TNHH SX TM DV H.N Thời trang tại địa chỉ 20 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội có nhiều biểu hiện bất thường trong hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ đối với người tiêu dùng khi mua bán, sử dụng hàng hóa, tuy nhiên dù dấu hiệu sai phạm diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” vẫn không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm vấn đề nhức nhối này.
Chi nhánh HNF tại Hà Nội có mặt bằng nằm trong Cổ phần Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Dệt may tại địa chỉ số 20 phố Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Theo như lời quảng cáo (trên trang web hnfgroup.com.vn), HNF Group gồm 2 công ty thành viên là: Công ty TNHH SX TM DV H.N THỜI TRANG có trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và Công ty VIETFRANCE Export SARL có trụ sở tại Paris, Pháp.

Công ty TNHH SX TM DV H.N THỜI TRANG (HNF) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0302933108, có trụ sở chính tại địa chỉ: 3/12 Tổ 51 Khu phố 4 Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM. Văn phòng đại diện tại Hà Nội ở địa chỉ số 20 phố Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Công ty này còn tự quảng bá, từ năm 2009 đã phát triển lĩnh vực kinh doanh mới là nhập khẩu và phân phối các nhãn hiệu mỹ phẩm và thực phẩm nổi tiếng của Pháp tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, Chi nhánh Văn phòng Hà Nội của Công ty TNHH SX TM DV H.N Thời trang tại địa chỉ 20 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội có nhiều biểu hiện bất thường trong hoạt động, xuất hiện các dấu hiệu sai phạm trong thu chi tài chính, cũng như sự thiếu minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ đối với các sản phẩm do chính doanh nghiệp này phân phối ra thị trường.

Người phụ nữ tên H.H bên các hộp đựng mỹ phẩm, dầu gội được cho là hàng xách tay từ Pháp.

Theo tìm hiểu thực tế, Chi nhánh Văn phòng Hà Nội của Công ty TNHH SX TM DV H.N Thời trang sử dụng phần diện tích nằm trong Cổ phần Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Dệt may (Vinateximex thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) là nơi hoạt động.

Việc tiếp cận kho hàng này là khá khó khăn do có người của Vinateximex thường xuyên túc trực, bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào và Chi nhánh Văn phòng Hà Nội của Công ty TNHH SX TM DV H.N Thời trang cũng rất thận trọng, cảnh giác khi bán hàng và thường từ chối những khách mua lẻ sản phẩm.

 

Các sản phẩm sữa được cất giữ trong khu vực nhà kho.

Kho hàng của Chi nhánh HNF tại Hà Nội có diện tích khoảng 100m2, dù thiếu các phương tiện cảnh báo phòng cháy, chữa cháy cần thiết nhưng doanh nghiệp này chất đủ các loại hàng hóa từ hóa mỹ phẩm, sữa tắm, dầu gội, dưỡng tóc, đồ ăn, thức uống, bánh kẹo, sữa, thực phẩm chức năng và các sản phẩm dành cho trẻ em…

Đáng chú ý, một nhân viên tên H.H còn quảng cáo, các sản phẩm của HNF được nhập trực tiếp từ Pháp bằng đường air (đường hàng không - PV) và sẵn sàng cung cấp các mặt hàng với số lượng lớn nếu khách có nhu cầu.

Bên ngoài bao bì của một số sản phẩm đều có nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng tại Pháp và dán tem đơn vị nhập khẩu và phân phối và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang - 3/12 Tổ 51 Khu phố 4 Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM.

Tuy nhiên, đến khi mua bán hàng hóa và yêu cầu Chi nhánh HNF tại Hà Nội xuất hóa đơn thì “chân tướng” nhiều mặt hàng do đơn vị này cung cấp mới dần lộ diện.

Cũng vẫn là nhân viên H.H cho biết, “nhiều loại hàng hóa do HNF cung cấp là hàng nhà chị nhập xách về nhưng có thể viết tên hàng hóa chung thì vẫn xuất được cho em. Tóm lại là sẽ có hóa đơn cho em thanh toán và cơ bản không đúng tên thôi”.

Dù mua hàng và có Chi nhánh tại Hà Nội nhưng Hóa đơn Giá trị Gia tăng vẫn được HNF xuất từ trụ sở chính tại TP.HCM.

Các con tem do chính HNF sản xuất sẽ được dán lên các sản phẩm có nội dung ghi tên, nhà sản xuất và đơn vị nhập khẩu và phân phối.

Như thể hiện là người nói được làm được nếu khách hàng sẵn sàng chi trả chi phí, thay vì cung cấp số tài khoản của công ty, người phụ nữ này cung cấp một list danh sách các tài khoản của nhiều ngân hàng mang tên Cù Thu Hiền và yêu cầu chuyển tiền vào để xuất hóa đơn VAT. Và cũng chính người có tên Cù Thu Hiền ký tên, có đóng dấu pháp nhân Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang vào Hóa đơn Giá trị gia tăng cho người mua hàng.

Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được thành lập năm 2003, do bà Nguyễn Thị Khánh Ngọc - người đại diện pháp luật.

Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang tại Hà Nội có tên người đứng đầu đơn vị phụ thuôc là bà Trần Thị Kim Ánh.

Câu hỏi đặt ra trong vụ việc này: Việc mua bán hóa đơn tại Chi nhánh HNF tại Hà Nội nhưng Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang lại xuất hóa đơn trong giá trị gia tăng tại TP.HCM có đúng quy định của pháp luật? Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ H.N Thời trang có được nhập khẩu theo đường chính ngạch hay không? Việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế của doanh nghiệp này diễn ra như thế nào? Đơn vị cho Chi nhánh HNF tại Hà Nội sử dụng mặt bằng là Cổ phần Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Dệt may có biết được Công ty HNF kinh doanh, buôn bán mặt hàng gì hay không? Nếu có sai phạm từ Công ty HNF thì Cổ phần Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Dệt may sẽ phải chịu trách nhiệm gì từ vấn đề này? Hoạt động của kho hàng có đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy không?

Viên uống nội tiết tố dành cho phụ nữ được vứt chỏng chơ tại 1 góc của căn phòng.

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…

Đối với vụ việc trên, đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai, Chi cục Quản lý thị trường Quận Hoàng Mai khẩn trương vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, làm rõ, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các mặt hàng, sản phẩm của Chi nhánh HNF tại Hà Nội được được lưu trữ, cất giữ tại Kho hàng tại địa chỉ số 20 phố Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Hai là, trước các dấu hiệu bất thường trong việc xuất hóa đơn mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, đề nghị Cục Thuế Hà Nội có chỉ đạo đối với các đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế tại Chi nhánh HNF tại Hà Nội.

Ba là, cần phát huy vai trò của Chi bộ Khu dân cư, các tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận và của người dân trong đấu tranh, ngăn ngừa, phòng chống để phát hiện nhanh chóng, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều