|
Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: ĐỨC TUẤN) |
Trong dòng chảy mới này, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững và có kế hoạch hành động cụ thể thực hiện cam kết.
Chuyển động từ doanh nghiệp
Trong câu chuyện về phát triển kinh tế xanh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh nhắc đến ngành sản xuất viên nén gỗ. Năm 2022, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ hai trên thế giới và dự kiến sớm đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD do nhu cầu nhập khẩu của các nước EU tăng đột biến để bù đắp phần thiếu hụt khí đốt từ Nga. Nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu từ gỗ nhỏ, cành, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp - phụ phẩm của thu hoạch rừng trồng và nguồn dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn thu mua từ các xưởng, các cơ sở chế biến đồ gỗ. Vì vậy, cơ hội lớn của ngành viên nén gỗ trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu cũng song hành cùng quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn, khi phụ phẩm của doanh nghiệp này trở thành vật liệu sản xuất của doanh nghiệp khác và tạo ra các sản phẩm tiêu dùng xanh. Chuyển động tích cực của kinh tế xanh cũng diễn ra ở một số ngành nghề khác, như việc doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải thời trang làm từ bã cà-phê, việc thực hiện sáng kiến tư nhân trong xây dựng khu công nghiệp sinh thái với điển hình là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) hiện có nhiều nhà đầu tư xếp hàng chờ được thuê đất. "Ðó là những câu chuyện cụ thể cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng xanh. Quá trình này cần thúc đẩy hơn nữa từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước", bà Minh kiến nghị.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhiều quốc gia trên thế giới đã thông qua và thực thi chiến lược tăng trưởng xanh. Vấn đề kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cũng được lồng ghép trong các thỏa thuận, hợp tác, liên kết quốc tế. Nhưng yêu cầu về xanh hóa nền kinh tế không chỉ thể hiện ở cam kết chính trị và chính sách của các quốc gia mà còn đến từ áp lực thị trường như xu hướng tiêu dùng xanh, các lĩnh vực đầu tư, kinh tế sáng tạo, mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, thành phố thông minh,... và việc thực thi các cam kết, hội nhập quốc tế theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nếu như trước đây, doanh nghiệp lo lắng muốn sản xuất xanh phải hy sinh lợi nhuận và hiệu quả đầu tư vì chi phí cao thì hiện nay, cơ hội thị trường đang giảm sự đánh đổi này. Cụ thể, nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, doanh nghiệp được cấp chứng chỉ CSI (Bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững) có sức chống chịu tốt hơn ngay cả trong đại dịch Covid-19. Một nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy các thương hiệu có cam kết "xanh" và "sạch" có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Ðối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%.
Hợp tác quốc tế để tăng nguồn lực
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoản tài chính tăng thêm khoảng 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu trước tình trạng biến đổi khí hậu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nguồn kinh phí lớn như vậy, đòi hỏi phải phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Ðể hóa giải những thách thức do biến đổi khí hậu, các quốc gia không thể đi một mình. Với các đối tác quốc tế, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh với Nhật Bản. Cơ hội đang mở ra từ việc thực hiện Hiệp định Ðối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước như thiết bị điện và điện tử, kiến trúc bằng gỗ, điện gió, điện sinh khối, chia sẻ điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, canh tác hữu cơ,... Theo đề xuất của CIEM, Nhật Bản và Việt Nam có thể cân nhắc bốn định hướng thúc đẩy hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh thời gian tới, gồm nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam; hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị ít carbon, ít phát thải và thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan tăng trưởng xanh. Các bên liên quan của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong đợi cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ từ các đối tác Nhật Bản, nhưng cần tiếp tục cải thiện chất lượng kết nối dịch vụ từ trong nước, cụ thể là kỹ thuật số, kỹ năng lao động.
Nhu cầu về nguồn tài chính luôn là thách thức lớn đối với việc thực thi cam kết tăng trưởng xanh nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), nếu có quy định, chính sách rõ ràng về huy động vốn xanh, hướng đi sẽ mở rộng. Ông Dương cho biết: Khi gặp lãnh đạo các ngân hàng, họ nói câu chuyện tín dụng không phải vấn đề khó mà đang vướng mắc ở việc lấy tiêu chí nào để xác định đó là dự án xanh, kinh tế xanh. Hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh ở Việt Nam còn khá mơ hồ. Cơ quan xây dựng tiêu chí kinh tế tuần hoàn cho biết, đang lựa chọn ưu tiên khoảng 60 tiêu chí từ nay đến năm 2025, như vậy là quá nhiều. Theo đề xuất của CIEM, cần xây dựng một nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để khuyến khích doanh nghiệp tiên phong, còn trong dài hạn, cần nâng cao năng lực thể chế, quy định, chính sách liên quan tăng trưởng xanh.
Theo TÔ HÀ/Báo Nhân dân