|
Chính phủ công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 20/04/2023). |
Thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, ngày 09/01/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, tại văn bản số 103-HD/BTGTW, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia phải gắn với tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tiến độ triển khai các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, các quy hoạch của địa phương; góp phần giám sát việc thực hiện, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, cơ sở khoa học của Quy hoạch
Nội dung tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, cơ sở khoa học của Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó tập trung làm sâu sắc nội dung: Quy hoạch tổng thể quốc gia là sự cụ thể hoá đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết chuyên ngành của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ; là quy hoạch được xây dựng với quy mô lớn, mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm, thể hiện “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”; là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Quy hoạch tổng thể quốc gia mở ra cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việc hiện thực Quy hoạch trên thực tiễn sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm những mục tiêu chiến lược, lâu dài, bền vững trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước thời gian qua và phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế. Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước… tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; được hoàn thiện trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu Kết luận số 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1882/TB-TTKQH, ngày 22/12/2022 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
|
Giai đoạn 2031-2050, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
|
Tuyên truyền về những nội dung cơ bản của Quy hoạch
Về những nội dung cơ bản của Quy hoạch, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng phát triển, giải pháp thực hiện của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, tập trung tuyên truyền 5 quan điểm phát triển, nhất là những nội dung về phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ; phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tối đa nhân tố con người; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định…
Tuyên truyền 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển, tập trung làm rõ những quan điểm về không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế so sánh của quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong vùng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; gắn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; gắn kết khu vực đất liền với không gian biển...
Tầm nhìn đến năm 2050 với những mục tiêu về thu nhập của người dân cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới; trở thành quốc gia biển mạnh; người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao, công nghiệp văn hóa phát triển mạnh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu, nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai tương đương với các nước phát triển…
Mục tiêu tổng quát và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển kết cấu hạ tầng, quốc phòng, an ninh: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuyên truyền về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, theo đó hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển...
Tuyên truyền 13 định hướng phát triển, gồm: Phân vùng kinh tế - xã hội, định hướng phát triển và liên kết vùng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; phát triển các hành lang kinh tế; các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; phát triển không gian biển; khai thác và sử dụng vùng trời; phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia; phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia; sử dụng đất quốc gia.
Tuyên truyền về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là các giải pháp về huy động vốn đầu tư; cơ chế, chính sách; khoa học, công nghệ và môi trường; phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.
Cũng theo Hướng dẫn, nội dung tuyên truyền cần phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia; kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia ở các bộ, ngành, địa phương; quá trình nghiên cứu, kết quả xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; phản ánh thực tiễn triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia ở các bộ, ngành, địa phương; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia; kịp thời chỉ đạo định hướng tư tưởng, dư luận khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, đất đai, môi trường, các vấn đề về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, dân tộc, tôn giáo, sinh kế của nhân dân khi phải di dời khỏi nơi sinh sống...
Theo PV/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam