Quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Đại hội XIII của Đảng, nhất là các nghị quyết mới đây về phát triển các vùng kinh tế chiến lược, cho thấy địa bàn Tây Bắc vừa giàu tiềm năng, lợi thế nhưng cũng đang đứng trước những yêu cầu cùng thách thức trong lộ trình hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Các địa phương Tây Bắc luôn đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; rút ngắn khoảng cách với các vùng khác. Tuy nhiên, nhiều địa bàn đang trong thực trạng còn nhiều hạn chế, yếu kém bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, là “vùng trũng” phát triển vùng “lõi nghèo” của cả nước…
Theo đó, từ tỉnh, huyện đến cơ sở vùng Tây Bắc đã luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, hệ thống chính trị trong bám sát chủ trương, giải quyết kịp thời hiệu quả những hạn chế, bất cập cùng các vấn đề, yêu cầu từ thực tiễn đặt ra.
Hướng mạnh vào các mục tiêu phát triển
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc anh em chung sống, tài nguyên phong phú cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Tỉnh cũng là địa bàn có nhiều thách thức trong phát triển. Nửa nhiệm kỳ qua, ghi dấu ấn của tỉnh trong khai thác lợi thế so sánh, coi trọng liên kết vùng phát huy nội lực trong phát triển.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định du lịch là lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế, đây là lĩnh vực chưa phát huy giá trị tương xứng với tiềm năng. Theo đó, cùng thị xã Sa Pa, tỉnh tập trung khai thác tính đặc sắc, của các huyện vùng cao Bắc Hà, Bát Xát nhằm tạo nên mô hình đột phá, dẫn đường. Câu hỏi đặt ra với lãnh đạo tỉnh và huyện là: “Bắc Hà có nhiều tiềm năng, lợi thế, người dân chịu khó nhưng tại sao vẫn là huyện nghèo?”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Xuân Phong trao đổi.
Từ điều tra, khảo sát, cho thấy Bắc Hà chưa quy hoạch, đầu tư ngang tầm cho các lĩnh vực thế mạnh phát triển, nhất là du lịch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành nhiều cuộc làm việc với Bắc Hà, yêu cầu huyện nhận diện được những vấn đề trọng tâm để lãnh đạo triển khai; chủ động đề xuất, thực hiện cách làm mới phù hợp với thực tế.
|
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển của huyện Bắc Hà. (Ảnh QUỐC HỒNG) |
Theo đó, Huyện ủy Bắc Hà xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, thực hiện các mục tiêu của địa phương, bảo đảm sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị toàn huyện. Gần đây huyện Bắc Hà đã tạo sự bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch phát triển. Tăng trưởng GRDP từ năm 2022 đến nay của huyện đạt hơn 15%; thu nhập bình quân đầu người tăng 21%…
Nhìn rộng hơn, từ lãnh đạo vào khâu đột phá, du lịch Lào Cai triển khai hiệu quả. Năm 2023, lượng khách đạt gần 4 triệu, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Với mức thu hơn 10.000 tỷ đồng Lào Cai lọt tốp các địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023. Từ các chủ trương đổi mới trong phát triển kinh tế-xã hội, thu nhập bình quân của người dân Lào Cai năm 2023 ước đạt 88 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh…
Trong phát triển kinh-tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, qua điều tra, khảo sát tỉnh Yên Bái đã ban hành chủ trương, giải pháp để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản trên địa bàn. Nổi bật như Nghị quyết số 69 của tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh trao đổi, nghị quyết được triển khai đã tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện.
Với sự chỉ đạo của tỉnh, năm 2022 các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn mở hướng liên kết với các huyện Mường La, Bắc Yên tỉnh Sơn La trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu Trịnh Văn Xuê cho biết.
Vốn thuộc địa bàn khu vực Tây Bắc, một số huyện phía tây của hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa cũng có những điểm chung trong phát triển kinh tế-xã hội giống các tỉnh Tây Bắc. Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị xã diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh, hầu hết là địa bàn vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết là nghèo.
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều mỗi năm 1-1,5%, trong đó vùng miền núi từ 2-3%. Quỳ Châu là huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42% dân số. Gần đây, với sự chỉ đạo của tỉnh, nhiều huyện nghèo của tỉnh trong đó có Quỳ Châu tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hải Lý cho biết, huyện đầu tư hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho hộ nghèo, phát triển các mô hình kinh tế mới có sức lan tỏa. Qua đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 42% (năm 2021), xuống còn 37% (năm 2022). Ở “huyện nghèo 30a” Kỳ Sơn, công tác này được cả hệ thống chính trị dồn sức quyết liệt chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực. Huyện đã giảm từ hơn 59% hộ nghèo năm 2022, đến hết năm 2023 này sẽ còn chưa tới 50%.
Thực tế tại nhiều tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, và các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cho thấy, đối với các huyện tỷ lệ hộ nghèo cao, nếu không sớm hạ nhanh tỷ lệ sẽ kéo theo tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả tỉnh. Tuy nhiên, để giảm nghèo thực chất, đòi hỏi các địa phương giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, cho không thay bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện nhằm khơi dậy ý chí, tính chủ động vươn lên của người dân để sớm thoát nghèo, phát triển nhanh và bền vững.
Giải quyết vấn đề từ cơ sở
Chuyển động rất đáng ghi nhận nhiều năm qua tại các địa phương vùng Tây Bắc luôn coi trọng quán triệt triển khai nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo cấp ủy chính quyền các cấp, phát huy vai trò hệ thống chính trị từ cơ sở trước các mục tiêu phát triển. Nhất là tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực tế đó từ yêu cầu, mục tiêu của sự phát triển cũ là do rút kinh nghiệm tại nhiều địa phương trước đây năng lực lãnh đạo, lề lối làm việc, chậm đổi mới, kém hiệu quả; tình trạng buông lỏng vũ khí tự phê bình và phê bình ở nhiều tổ chức Đảng.
Một bộ phận cán bộ chủ chốt, đứng đầu cấp ủy, chính quyền đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở suy thoái, biến chất nghiêm trọng về tư tưởng, đạo đức lối sống (nhiều lãnh đạo cấp tỉnh của vùng Tây Bắc nhiệm kỳ trước đã phải chịu hình thức cao nhất về kỷ luật Đảng và trách nhiệm hình sự)... đã tác động trực tiếp quá trình triển khai các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, niềm tin của nhân dân.
Tỉnh ủy Yên Bái đã có Nghị quyết “về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Số 37-NQ/TU); Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp hướng mạnh vào đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác cấp ủy gắn liền hiệu lực lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan, đơn vị thực hiện “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” bảo đảm phân công, chịu trách nhiệm gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.
Hiện, tỉnh Lào Cai có 100% thôn, bản, khu dân cư đều có tổ chức đảng với hơn 25 nghìn đảng viên đang sinh hoạt tại 1.215 chi bộ, trong đó có 1.024 chi bộ (chiếm hơn 80%) thành lập chi ủy góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị tại cơ sở.
Tại huyện Mường Khương, phát triển đảng viên trong vùng đồng bào, nhất là đảng viên là người DTTS được quan tâm, hiệu lực lãnh đạo của chi bộ thôn, bản được nâng cao. Bí thư Chi bộ Pha Long I, xã Pha Long Lý Thị Tươi nhìn nhận đảng viên ở chi bộ luôn làm gương để dân hiểu, dân tin.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần, nêu sự cần thiết, kinh nghiệm về đổi mới phương thức vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng cao, vùng DTTS. Từng địa phương, cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”.
Ở Lào Cai, nhiều năm qua việc nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn chặt với phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể, người uy tín trong cộng đồng. Từ đó, hoạt động đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS được tăng cường, chủ động từ cơ sở.
Tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp củng cố, nâng cao chất lượng cấp ủy viên, đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở, nhất là vùng núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy cấp trên đối với cơ sở đảng, tỉnh thực hiện phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách và dự sinh hoạt với từng chi bộ.
Theo đó, các đồng chí chỉ đạo chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt, giúp cán bộ cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo uốn nắn kịp thời những hạn chế, yếu kém ở cơ sở. Tại huyện Như Xuân, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Văn Ân cho biết, cấp ủy viên các cấp đã giúp địa phương cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tham mưu giải quyết kịp thời nhiều vấn đề từ cơ sở.
Tại các xã biên giới, vùng đồng bào DTTS khó khăn phía tây Nghệ An, Thanh Hóa đã tăng cường cán bộ có năng lực hoặc sĩ quan biên phòng tham gia cấp ủy. Vai trò tổ chức đảng trong hệ thống chính trị được củng cố, phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cùng được nâng lên.
Ghi nhận tại các đảng bộ, cho thấy các cấp ủy đã tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây cũng là quá trình khắc phục hạn chế, yếu kém từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng, nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Theo Lê Mậu Lâm và Hồng Châu/Báo Nhân dân