|
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm một mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Kinh tế tuần hoàn vì quyền con người
Thực tế, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận với kinh tế tuần hoàn: mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy…; trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi; các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp qui mô vừa và nhỏ. Một số mô hình mới tiệm cận ngày càng gần hơn với kinh tế tuần hoàn đã được hình thành như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương; sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản... Trong ngành dệt may, vải vụn được tái chế thành vải mới và sản phẩm quần, áo có sử dụng một phần vải tái chế này được gắn nhãn CE (tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu). Bã, vỏ hạt cà phê được dùng để sản xuất thành cốc uống cà phê cũng được dán nhãn CE. Trong ngành xây dựng, việc sử dụng vật liệu xây dựng tái chế, không nung… giúp đánh giá vòng đời của các tòa nhà và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp cho vật liệu xây dựng…
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là năng động trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua các kế hoạch tái chế rác thải, phụ phẩm, với qui trình xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến và được kiểm soát minh bạch. Thí dụ, công ty Nestlé sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi; chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại và sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Nestlé cũng có kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm tới năm 2025. Heineken Việt Nam có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế; 4/6 nhà máy bia sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu không phát thải các-bon. Unilever Việt Nam triển khai chương trình thu gom, tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn… Tính đến tháng 6/2019 có 9 doanh nghiệp tiên phong sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Các mô hình trên khi được tổng kết, đánh giá sẽ góp phần bổ sung, phát triển nền kinh tế tuần hoàn gắn với quyền con người tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế tuần hoàn bảo đảm quyền con người
Đối với quốc gia: Phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, vai trò tự chủ, sáng tạo của người sản xuất - kinh doanh trong nền kinh tế - xã hội nhờ tận dụng nguồn nguyên, vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Đối với xã hội: kinh tế tuần hoàn tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân; giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường bảo đảm quyền về môi trường theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cụ thể: Quyền bảo đảm việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; Quyền ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó; Quyền bảo đảm tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; Quyền bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa, lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường;…
Đối với doanh nghiệp: kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng,… Kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi từ nguồn cung nguyên, vật liệu, giảm nguyên liệu thô, tăng nguyên liệu tái chế, từ đó tạo ra lợi nhuận mới. Nó cũng tạo ra nhu cầu về các dịch vụ mới để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, như các dịch vụ hậu cần thu gom và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, dịch vụ tiếp thị và bán hàng nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, dịch vụ tái sản xuất các bộ phận và linh kiện hay làm mới sản phẩm,...
Đối với người sản xuất, kinh doanh: Kinh tế tuần hoàn kiến tạo sinh kế theo chuỗi hay vòng tuần hoàn của sản phẩm chất thải theo hướng thân thiện với môi trường. Thay vì chỉ dựa vào khai thác, bòn rút tự nhiên, kinh tế tuần hoàn có thể đa dạng hóa các loại hình phát triển kinh tế trong mối quan hệ cân bằng giữa khai thác và tái tạo tự nhiên. Với tư cách là cá nhân - cộng đồng, con người có thể phát huy truyền thống nương theo, hòa nhập và làm lợi cho tự nhiên trong cuộc sống.
Đồng thời, kinh tế tuần hoàn góp phần cơ bản vào việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân và doanh nghiệp như quyền được sinh kế, sinh sống trong môi trường không bị ô nhiễm; bảo vệ, bảo tồn không khí, đất trồng, nước, sông, hồ, biển, thực vật, động vật,... để duy trì sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái; quyền có thực phẩm, nước sạch, vệ sinh, an toàn; quyền có môi trường lao động sản xuất bảo đảm sức khỏe và an toàn; quyền có đất đai, tư liệu và điều kiện sản xuất an toàn; quyền tiếp cận thông tin và quyền bày quan điểm về tài nguyên sản xuất tuần hoàn gắn với làm lợi môi trường; quyền được tham gia lập kế hoạch, ban hành quyết định có tác động đến chất thải và tài nguyên sản xuất tuần hoàn; quyền tiếp cận tư pháp liên quan đến trách nhiệm pháp lý và bồi thường cho nạn nhân của ô nhiễm môi trường và những tác hại do khai thác, tái tạo chất thải và tài nguyên sản xuất tuần hoàn nói chung…
Về trách nhiệm và nghĩa vụ, tất cả cá nhân, tập thể đều đóng vai trò kép: vừa là chủ thể của các tài nguyên sản xuất của kinh tế tuần hoàn, trong đó có chất thải, vừa có nghĩa vụ bảo vệ chúng. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền sống và sinh kế trong phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững.
Vấn đề đặt ra và giải pháp
|
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là năng động trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Quang Vinh |
Vấn đề lớn nhất trong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải. Bởi lẽ kinh tế tuần hoàn là mô hình khép kín khi sử dụng chất thải của chu kỳ này cho đầu vào của chu kỳ mới. Ở Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Tỷ lệ rác thải cao gây khó khăn trong việc quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình tạo ra giá trị dài hạn, đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này.
Để đạt được yêu cầu đó đòi hỏi phải đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải. Nhưng đa số các doanh nghiệp ở nước ta hiện vẫn đang hoạt động theo logic nền kinh tế tuyến tính, tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trước mắt. Các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, chồng chéo, không rõ trong hệ thống quản lý môi trường, đặc biệt tính hiệu quả chưa cao trong thực thi các công cụ quản lý môi trường và quyền tiếp cận tư pháp trong kinh tế tuần hoàn, như việc không đánh giá hoặc đánh giá chiếu lệ tác động đến môi trường hay kiểm tra, giám sát sơ sài những cam kết bảo vệ môi trường trong xây dựng, đưa vào hoạt động công trình xử lý nước thải, xử lý rác tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình,... Chưa chú ý việc bảo đảm quyền tham gia của người dân, cộng đồng, kể cả quyền khiếu kiện, trong khai thác, tái tạo chất thải và các nguồn tài nguyên nói chung cho sản xuất tuần hoàn.
Một số giải pháp sau phát triển kinh tế tuần hoàn với quyền con người
Một là, bảo đảm quyền con người trong kinh tế tuần hoàn cần được đưa vào tất cả các khía cạnh, giai đoạn của đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Bởi vì, quyền con người không chỉ tồn tại trong khai thác, tái tạo chất thải và các tài nguyên khác của kinh tế tuần hoàn, mà cả trong quan hệ của con người và xã hội với môi trường. Nếu tách riêng các hợp phần có tính bức xúc nào đó có thể là cần thiết trước mắt, nhưng có nguy cơ không giải quyết được vấn đề phát triển bền vững của kinh tế tuần hoàn.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Trong đó, cần tận dụng những cơ hội hợp tác quốc tế trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI phát triển kinh tế tuần hoàn để tạo đà phát triển kinh tế tuần hoàn tại các khu vực kinh tế khác.
Ba là, qui định cụ thể trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng qui chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường,... nhằm kiến tạo hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Bốn là, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế, đặc biệt ưu tiên xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Năm là, tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để chuyển đổi phương thức sản xuất nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đang tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có thể chủ động giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh từ sự phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nguyễn Thanh Tuấn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quyền con người
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(Bài viết theo Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, số 6/2022).