Một số vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một trong những động lực của nền kinh tế nước ta thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực này cần sớm được triển khai bằng những chương trình hành động cụ thể với những mục tiêu rõ ràng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm Thành tựu kinh tế tư nhân, tháng 5/2019. ẢNH: NGỌC THẮNG
Thực trạng về năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong những năm gần đây gắn liền với quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, mở rộng các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp (năm 2005), từ chỗ chỉ có 4.086 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1992), đến hết năm 2010 tổng số doanh nghiệp tư nhân đăng ký ở nước ta đã lên tới con số 544.394 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thành lập mới giai đoạn 2000 - 2010 tăng trung bình khoảng 22%/năm. Nhờ sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2010, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 48% GDP. Tỷ trọng đầu tư của khu vực này cũng tăng nhanh từ 23% (năm 2000) lên 36,1% (năm 2010).

Tuy nhiên, sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng với tiềm năng, ngoại trừ trong vấn đề tạo việc làm. Sự nhỏ bé về quy mô và năng suất lao động còn thấp chính là nguyên nhân của điều đó. Song, cũng cần nhận thấy rằng, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong sự phát triển, đó là:

- Thiếu công nghệ hiện đại, vốn và nhân công chất lượng cao, do đó dẫn đến năng suất lao động thấp. Doanh nghiệp tư nhân luôn thiếu kinh phí để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nghiên cứu và phát triển.

- Kỹ năng quản lý và chuyên môn của nhiều doanh nghiệp tư nhân còn yếu kém nên thường phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tăng trưởng và mở rộng sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân chưa có khả năng, điều kiện để tham gia đấu thầu quốc tế.

- Chất lượng lao động, điều kiện làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế.

- Sau hơn 20 năm, vốn tích lũy của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhỏ bé nên chưa có tác động mạnh đến sự phát triển.

- Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, nhất là trong điều kiện hội nhập ngày càng mở rộng như hiện nay.

- Các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (bao gồm cả ISO 9.001-2.000, HACCP) và việc xây dựng thương hiệu...

- Các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động yếu, chưa cung cấp đầy đủ dịch vụ hỗ trợ, thông tin và tư vấn về chính sách cho doanh nghiệp.

- Liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như với các doanh nghiệp trong khu vực và ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản chưa được phát huy, do đó cản trở việc chuyển giao kiến thức, công nghệ, thông tin và ý tưởng kinh doanh.

- Số lượng hộ kinh doanh cá thể trong khu vực tư nhân hiện quá lớn trong khi lại thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa.

- Mặc dù đã nhận thức được về biến đổi khí hậu, môi trường, nhưng vì sự tồn tại và sinh lợi nhuận là mối bận tâm lớn nhất, nên ít doanh nghiệp đưa ra các phương án hành động cụ thể để bảo vệ môi trường gắn với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân

Tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định rõ một số nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong việc phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam. Đó là: sự quan tâm và mức đầu tư của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; công tác quản lý nhà nước cũng như các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển khu vực này triển khai chưa đạt hiệu quả cao.

Quan điểm phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định rất rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tại Đại hội XI của Đảng: "Hoàn thiện thể chế để tháo gỡ mọi cản trở, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại doanh nghiệp... Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế"(1). Do vậy, kinh tế tư nhân phải được định hướng phát triển và nâng cao năng lực trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, từng địa phương để khai thác lợi thế cạnh tranh của quốc gia và của từng địa phương. Nhà nước phải từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp những dịch vụ phù hợp cho khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh để kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Có thể nêu ra tám nhóm giải pháp chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân như sau:

Nhóm 1: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng thông qua việc sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm khắc phục các nội dung chưa rõ ràng, chồng chéo với Luật Doanh nghiệp về cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước về đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp, tiến độ̣ quy hoạch đất đai để tạo điều kiện mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; sửa đổi các quy định chi tiết thực hiện Luật Quản lý thuế; bổ sung chế độ kế toán cho phù hợp với trình độ doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao hiệu lực xét xử của tòa án, khuyến khích giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát các văn bản pháp luật chồng chéo, gây cản trở cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm 2Thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệpCụ thể là: Có chính sách ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc những ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp dược... Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Trợ giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nhân thông qua những chương trình xúc tiến thương mại. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút được nhiều lao động. Có biện pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, hoạt động chính thức theo Luật Doanh nghiệp, trước mắt tập trung vào những hộ kinh doanh cá thể đã có đăng ký và có mã số thuế. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút những doanh nghiệp này vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

Nhóm 3:  Tăng cường biện pháp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân thông qua việc phát động phong trào nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, coi đây là một cuộc vận động chính trị lớn, có ý nghĩa để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động; triển khai mạnh chương trình quốc gia về đẩy mạnh đổi mới công nghệ; hỗ trợ nghiên cứu đánh giá thị trường cạnh tranh toàn cầu và cải thiện năng suất trong các doanh nghiệp và ngành công nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.

Nhóm 4: Cải thiện việc tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân bằng các hình thức như thành lập Quỹ Phát triển DNVVN; khuyến khích thành lập các mô hình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; phát triển hợp tác công tư; hỗ trợ các tổ chức tài chính có lợi nhuận và dịch vụ tài chính phục vụ DNVVN; hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tạo điều kiện đẩy mạnh các hoạt động mua bán sáp nhập, thông qua đó hình thành được các doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh nhằm kinh doanh đạt hiệu quả cao; sớm cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư nguồn vốn của tư nhân.

Nhóm 5: Các biện pháp phát triển kinh tế vùng, khai thác lợi thế cạnh tranhTrước hết thành lập các ban điều phối kinh tế vùng có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Hình thành các cụm nông nghiệp, khu, cụm công nghiệp (trong đó sản xuất những nhóm sản phẩm có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao) gắn với các đô thị lớn để từ đó tạo ra những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có vai trò dẫn dắt và tác động lan tỏa đến sự phát triển các vùng khác.

Nhóm 6: Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệpXây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh. Lồng ghép chương trình giáo dục kinh doanh vào các chương trình đào tạo nghề để người lao động có hiểu biết cơ bản về doanh nghiệp, quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Nhóm 7: Nâng cao chất lượng lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững thông qua các nội dung như: Sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề; sớm nghiên cứu xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản liên quan, sửa đổi các quy định về việc làm và tiền lương trong bộ Luật Lao động; đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền việc nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, xây dựng tổ chức công đoàn, ký thỏa ước lao động tập thể; thiết lập và đưa vào hoạt động cơ chế ba bên bao gồm đại diện của chính quyền, người sử dụng lao động và người lao động ở cấp địa phương.

Nhóm 8: Tăng cường năng lực cho tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệptrên cơ sở: Xây dựng chương trình tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp trong công tác tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân để tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; tổ chức những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân chủ động hội nhập, vừa biết thực hiện những biện pháp phòng vệ thương mại ở trong nước, lại vừa biết vượt qua rào cản thương mại ở nước ngoài; tổ chức thí điểm để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển ngành, địa phương, trước mắt tiến hành tại 5 - 6 tỉnh, ngành, vùng có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh; tổng kết, đề xuất mô hình nghiên cứu, chuyển giao một số dịch vụ công cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và cho các hiệp hội đủ điều kiện.

Cùng với 8 nhóm giải pháp trên, sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng bảo đảm tính khả thi, sự thành công của chính sách và sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân./.

Theo TS. PHẠM THỊ THU HẰNG/Tạp chí Cộng sản

________________________________

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà nội, 2011, tr 101

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều