|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự và chủ trì Hội nghị - Triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2023 - Nguồn Ảnh Báo Đại đoàn kết. |
Sau gần 3 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái; tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng dương... Có được thành tựu đó là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, giải pháp quyết liệt của Chính phủ và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là yếu tố làm nên sức mạnh, giúp đất nước ta vượt qua khó khăn.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp... Do đó, dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19, bị hạn chế xuất nhập khẩu nguyên, vật liệu, sản phẩm, nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo việc làm cho người lao động; giữ vững và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường...
Hiện nay, hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam rộng khắp cả nước, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản; góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua.
Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cả nước quan tâm lựa chọn và mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt.
Năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Thông qua tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, người lao động, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội, từ đó tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần đạt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư cũng chỉ rõ, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Không chỉ trong tiêu dùng cá nhân, mà kể cả việc sử dụng nguyên vật liệu, mua sắm tài sản công cũng phải ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nếu có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập. Điều này cũng khẳng định thêm rằng, dù ưu tiên dùng hàng Việt Nam, song giai đoạn tới, hàng Việt Nam phải ngày càng khẳng định được chất lượng để chinh phục được thị trường Việt Nam. Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với tiêu thụ hàng hóa. Đây cũng là mảng thị trường hấp dẫn cho bất cứ doanh nghiệp nào, trong đó có doanh nghiệp nội địa.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, các doanh nghiệp vừa phải thích ứng với điều kiện mới, vừa cần phải xác định và lựa chọn những phân khúc riêng cho mình. Thực hiện chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển thị trường nội địa, nhưng để phát triển thị trường nội địa thì phải nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm để chinh phục thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa cho thị trường nội địa để sản xuất ra các sản phẩm thật sự chất lượng, có sức cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng.
Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa Việt Nam...
Tập trung triển khai các nội dung của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động: Chương trình nâng cao năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam, kết nối sử dụng hàng hóa dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp; tập trung triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024”.
Hưởng ứng Cuộc vận động, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt. Lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; ban hành tài liệu hỏi - đáp về Cuộc vận động, in và phát hành logo Cuộc vận động để các doanh nghiệp treo tại các siêu thị, trung tâm thương mại... nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam, gắn với việc tổ chức các lễ hội, hội chợ triển lãm, đưa hàng về nông thôn phục vụ Tết Nguyên đán.
Thời gian qua, việc tiếp tục thực hiện lộ trình cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các FTA thế hệ mới, điển hình là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội để nền kinh tế Việt Nam phát triển, song lại là một thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh tại thị trường trong nước do hàng hóa của các nước phát triển nhập khẩu vào thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng với điều kiện thuận lợi hơn.
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động là một trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; vì vậy, cần có nỗ lực lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể, phù hợp của Nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng tỉ lệ nội địa đầu vào các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước, người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý hàng giả, kém chất lượng; quan tâm việc xây dựng các thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong siêu thị. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên.
Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao như hệ thống của Central Retail là 90% và hệ thống của AEON Việt Nam là 80%.
|
Ảnh minh họa - Nguồn Internet. |
Năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi, hàng Việt Nam có sự tăng trưởng tốt. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 ngàn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác chống dịch Covid-19 cũng như luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% vào GDP; có những doanh nghiệp lớn trở thành biểu tượng và niềm tự hào cho quốc gia và cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.
Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững; đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ thuận lợi của hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất, kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh một số thuận lợi về sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước thì vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết là các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất xuống còn 0% - 5%.
Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở... thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Chính phủ thì quyết tâm cao, nhưng cấp dưới thực hiện chưa tới, chưa quyết liệt, vì thế mà nhiều thủ tục hành chính, vẫn chưa giảm, còn nhiều bất cập... việc tiếp cận vốn còn khó, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp Việt vẫn cao, khả năng ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để tăng hiệu quả, hạ giá thành vẫn còn khó khăn với doanh nghiệp Việt. Nhiều kênh thông tin chưa vào cuộc cùng với Cuộc vận động, công tác truyền thông còn những vấn đề bất cập... cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng tinh vi trên thị trường... Những khó khăn, bất cập đó làm cho các doanh nghiệp nội khó cạnh tranh được ngay trên sân nhà, chưa thực sự tạo điều kiện để sản phẩm nội cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn các Hiệp định Thương mại tự do khu vực và quốc tế có hiệu lực sâu. Trong xu hướng hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ gia tăng do việc mở cửa thị trường thực hiện các cam kết WTO và các hiệp định FTA khác. Hàng hóa của các nước trong khu vực và thế giới sẽ ngày càng gia tăng sự hiện diện ở thị trường Việt Nam. Đặc biệt, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ sẽ ngày càng tăng với sự hiện diện lớn hơn của các nhà đầu tư nước ngoài từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... điều đó sẽ tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam, làm ảnh hưởng và sẽ thay đổi việc ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam của người tiêu dùng đã được hình thành trong những năm qua...
Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, cần có những giải pháp triển khai để thích ứng với bối cảnh và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và để Cuộc vận động trở thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid -19, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam một cách cố định và bền vững do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn; hỗ trợ, thúc đẩy đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng trên khắp các vùng, miền của cả nước.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng.
Thứ ba, rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của Nhân dân.
Thứ tư, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực phát triển thị trường trong nước tại Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa Cuộc vận động, về ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, về thực hành tiết kiệm; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng, sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ... Tuyên truyền, giới thiệu về các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng có thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi tập trung đông dân cư.
Thứ sáu, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh.
Thứ bảy, gắn việc thực hiện Cuộc vận động với Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện hai “nhiệm vụ kép” - vừa phục hồi phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhằm động viên khuyến khích Nhân dân, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam vừa tập trung khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
Thứ tám, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động của các cơ quan trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp...; vận động người dân phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng, phát hiện, tố giác các hành vi về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trịnh Thị Thanh - Phó Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.