Mùa hè bội thu của ngành du lịch Việt Nam

(Mặt trận) - Cao điểm hè, hàng chục triệu lượt khách đổ về các điểm du lịch, tăng trưởng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu du lịch đạt hàng trăm nghìn tỷ đồng, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác như vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống… phát triển.

Cao điểm hè - dấu mốc phục hồi của ngành du lịch

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phục vụ khoảng 60,8 triệu lượt khách nội địa. Trong đó chỉ riêng tháng 6, khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, lượng khách ước đạt 12,2 triệu lượt, con số kỷ lục từ khi có Covid-19 đến nay.

Các lễ hội sôi động được tổ chức trở lại, hành khách đông kín sân bay, khách sạn “cháy” phòng, dòng người nhộn nhịp ở các khu vui chơi và điểm tham quan thổi bừng sức sống cho ngành du lịch.

Nhiều điểm đến trong cả nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng khách lẫn doanh thu. Trong đó có Quảng Ninh đón 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Còn Sầm Sơn vượt qua Hạ Long, Nha Trang trở thành điểm đến hút khách hàng đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm, lượng khách ước đạt 4,4 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kỳ năm 2021. Sức hút của Sầm Sơn trong hè này phải kể đến loạt sự kiện, lễ hội, giải trí sôi động và đẳng cấp suốt 4 tháng do địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group.

Lễ hội Carnival đường phố Sầm Sơn.
Nếu Sầm Sơn trở thành tâm điểm hội hè của miền Bắc, thì Đà Nẵng thổi bừng sức sống du lịch miền Trung với loạt lễ hội, sự kiện như Carnival đường phố Sun Fest, Đại nhạc hội kết hợp trình diễn pháo hoa ở Công viên châu Á… Đặc biệt, Sun World Bà Nà Hills vẫn là điểm đến hút khách bậc nhất thành phố bên sông Hàn, bởi diện mạo hoàn toàn mới, với Thác Thần Mặt Trời đẹp tựa một góc Peterhof – “Cung điện mùa hè” nước Nga hay Lâu đài Mặt Trăng quy tụ rạp phim công nghệ cao và show diễn đẳng cấp “Trận chiến ở Vương quốc Mặt Trăng”.

Phú Quốc trong 6 tháng đầu năm cũng đón tới 1,4 triệu lượt khách. Dù bắt đầu vào mùa mưa, tháng 6 lượng khách đến “đảo ngọc” vẫn tăng đột biến, với hơn 140 chuyến bay, hơn 40 chuyến phà... Sun World Phu Quoc ở Hòn Thơm cũng đạt tốc độ tăng trưởng trên 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cho biết các điểm đến Sun World đã bắt đầu đón được lượng khách lớn vào tất cả các ngày, chứ không chỉ là ngày lễ hay cuối tuần như trước đây. Tổng lượng khách đến với các Sun World cả nước trong tháng 6/2022 hiện đã đạt mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19, thậm chí còn nhỉnh hơn đôi chút.

“Đây là tín hiệu vô cùng lạc quan cho thấy du lịch đã và đang dần trở lại trạng thái khôi phục hoàn toàn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua”, bà Nguyện cho biết.

Lễ hội Carnival đường phố Sầm Sơn.
Doanh thu du lịch tăng cao, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có gắn bó mật thiết tới các ngành kinh tế khác. Trước đại dịch Covid-19, du lịch tiệm cận ngành kinh tế mũi nhọn khi đóng góp 9,2% vào GDP cả nước.

Vì vậy ngay khi du lịch trở lại, lập tức kéo theo sự tăng trưởng của lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển... Đơn cử theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm doanh thu lữ hành tăng 94,4% so với cùng kỳ; doanh thu của dịch vụ lưu trú tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Các công ty lữ hành lớn trên cả nước ghi nhận lượng khách đăng ký tour hè “bùng nổ” trở lại, đặc biệt tháng 7, nhu cầu về khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn tăng cao. Hè 2022 Saigontourist dự kiến phục vụ hơn 280.000 lượt khách, con số này có thể cao hơn do nhu cầu du lịch trong, ngoài nước vẫn đang tăng mạnh. Còn BestPrice Travel cho biết, lượng khách nội địa đặt tour qua công ty này tăng 120% so với trước dịch, thậm chí có những tuyến điểm lượng khách tăng từ 130% - 150% so với trước dịch như Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Lạt.

Lâu đài Mặt Trăng mới ra mắt tại Ba Na Hills, như đưa du khách lạc vào thế giới cổ tích.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing BestPrice Travel nhận định du lịch đang có sự bùng nổ lớn sau 2 năm Covid-19, trong đó một phần nhờ vào những sản phẩm mới được đầu tư tại các điểm đến. “Ở các địa phương được các doanh nghiệp đầu tư các khu vui chơi thì sẽ có lợi thế thu hút du khách hơn rất nhiều, đơn cử như Hạ Long có Sun World Ha Long, Đà Nẵng có Sun World Ba Na Hills, Phú Quốc có VinWonders và Sun World Phu Quoc. Thậm chí có những du khách đặt dịch vụ để trải nghiệm những khu vui chơi này là chính, tắm biển là phụ”, ông nói.

Trước Covid-19, ngành du lịch tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp. Vì thế khi du lịch trở lại, kéo theo những đợt “đại tuyển dụng” nhân sự. Hàng ngàn người lao động từng bị thất nghiệp trước đó do dịch bệnh đã có thể đi làm trở lại, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Với quy mô ngày càng phát triển, các khu du lịch Sun World trên toàn quốc dự báo cần thêm hàng nghìn lao động. Đơn cử như Sun World Ba Na Hills tới năm 2025 có thể cần tới 10.000 nhân sự.

Theo thống kê của Hotel Job, website chuyên về tuyển dụng cho ngành du lịch, nhu cầu tuyển nhân sự trong ngành khi bước vào hè cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2022 và cũng gấp đôi so với cùng kỳ trước dịch Covid-19.

Có thể thấy, du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, khi chỉ nửa đầu năm, lượng khách nội địa đã đạt mức gần với kỳ vọng cả năm, tổng thu từ du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng. Qua đó ngành du lịch cũng tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp doanh thu không nhỏ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục kinh tế đất nước sau những ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

HN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều