Những định hướng lớn cho đầu tư và phát triển các công trình giao thông trọng yếu giai đoạn 2021 - 2025

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện các quy hoạch ngành quốc gia với tầm nhìn dài hạn để định hướng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đầu tư những công trình trọng yếu mang tính đột phá, có thể phát huy hiệu quả ngay, nhằm kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tăng cường kết nối đồng bộ hệ thống giao thông cho các vùng, khu kinh tế động lực, các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại,tạo ra sức bật đột phá của nền kinh tế. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đơn vị có liên quan cam kết với Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đúng tiến độ, ngày 21-7-2020) _Ảnh: TTXVN 
Thực trạng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta thời gian qua

Kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống KCHT giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác và hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... Với vai trò, ý nghĩa quan trọng nêu trên, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông”(1).

Kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong khoảng thời gian 10 năm qua, hệ thống KCHT giao thông đã có bước phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đường bộ: Có lợi thế là phương thức vận tải linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly trung bình và ngắn (<300km). Trong thời gian qua, nhiều công trình đường bộ hiện đại, quan trọng đã được đưa vào khai thác, như mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên); đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc, trong đó có nhiều tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội(2); Thành phố Hồ Chí Minh(3); cao tốc kết nối liên vùng(4); kết nối cảng biển cửa ngõ (Tân Vũ - Lạch Huyện); một số cầu lớn (Bạch Đằng, Cao Lãnh, Vàm Cống); hầm lớn (Cù Mông, Đèo Cả);...

Hàng hải: Là phương thức vận tải chủ yếu trong xuất, nhập khẩu hàng hóa(5). Đến nay, hệ thống KCHT giao thông đã hình thành một số cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tiếp nhận thành công tàu công-ten-nơ từ 132.000DWT đến 214.000DWT, như cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng), Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 300.000DWT, hàng lỏng đến 150.000DWT (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000DWT,...

Đường thủy nội địa: Là phương thức lợi thế đối với vận tải khối lượng lớn, cự ly trung bình và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển; ưu thế về chi phí thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong 10 năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện đầu tư, nâng cấp 16 tuyến vận tải thủy chính có nhu cầu vận tải lớn; đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang để hỗ trợ cho hành lang Bắc - Nam và một số tuyến vận tải sông pha biển kết nối các tỉnh ven biển và kết nối cảng biển vào sâu trong nội địa...

Hàng không: Là phương thức vận tải có tính đặc thù cao, ưu thế về vận chuyển hành khách và hàng hóa có giá trị, cự ly vận chuyển từ trung bình đến dài (trên 700km - 800km), thời gian ngắn và ít bị ảnh hưởng bởi chia cắt địa hình. Hiện nay, hệ thống cảng hàng không đang khai thác 22/23 cảng theo quy hoạch, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế(6); 13 cảng hàng không quốc nội(7). Công suất hạ tầng phục vụ vận tải hành khách đạt 95 triệu hành khách/năm, 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đường sắt: Là phương thức vận tải lợi thế đối với khối lượng lớn, cự ly trung bình và dài (300km - 800km). Do điều kiện nguồn lực hạn chế, giai đoạn vừa qua, ngành đường sắt chỉ thực hiện cải tạo, nâng cấp một số điểm xung yếu trên tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Hà Nội - Lào Cai; hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác 5,67km đoạn Hạ Long - Cái Lân của tuyến Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân;...

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển KCHT giao thông và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống KCHT giao thông nước ta vẫn chưa có sự phát triển bứt phá. Việc thực hiện mục tiêu phát triển KCHT đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền... Bên cạnh đó, “Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông thiếu đồng bộ”(8); mạng lưới đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra(9); hệ thống đường sắt lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; một số cảng biển chưa khai thác hết công suất, thiếu các cảng sông, cảng biển hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch; một số sân bay quốc tế lớn, như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đều quá tải,... Nguyên nhân chính là do nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển KCHT giao thông còn rất hạn hẹp(10); khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm mạnh. Thêm vào đó, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, không hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro,... nên việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt nguồn vốn của tư nhân tham gia đầu tư phát triển KCHT giao thông còn gặp nhiều khó khăn...

Nhìn chung, do kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức, các đột phá chiến lược dù được nhận diện nhưng chưa được cải thiện đáng kể. Những năm gần đây, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ kết cấu hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng kết cấu hạ tầng)(11).

 Trong thời gian qua, nhiều công trình đường bộ hiện đại, quan trọng đã được đưa vào khai thác (Trong ảnh: Hệ thống giao thông cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh) _Nguồn: zing.vn
Những định hướng lớn về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030

Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Chương trình hành động để cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp. Trong đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) xác định công tác quy hoạch hệ thống KCHT giao thông của cả 5 chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường hàng hải, đường hàng không, đường thủy nội địa được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Quy hoạch hệ thống KCHT tốt, bảo đảm có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn sẽ phát huy được lợi thế nổi trội từng vùng, miền, kết nối được các trung tâm kinh tế, tạo ra không gian phát triển kinh tế mới, tạo ra nguồn lực và là cơ sở để hình thành các dự án hấp dẫn nhà đầu tư; đặc biệt sẽ phát huy đúng lợi thế của từng chuyên ngành nhằm góp phần giảm chi phí logistic, tối ưu hóa chi phí vận tải, từ đó, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo hoàn thành toàn bộ 5 quy hoạch ngành GTVT quốc gia (trong tổng số 37 quy hoạch ngành quốc gia của cả nước). Đến nay, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông vận tải cơ bản hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia về đường bộ; Hội đồng thẩm định quốc gia, Thường trực Chính phủ cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4 chuyên ngành còn lại (hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không).

Đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch ngành GTVT được lập đồng thời theo hướng tích hợp nên bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa các chuyên ngành và khắc phục được hạn chế của các quy hoạch trước đây; phù hợp với quan điểm phát triển trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quy hoạch bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, cho phép các địa phương có nhu cầu phát triển và huy động được nguồn lực có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai sớm các dự án đầu tư. Theo đó, định hướng chung về phát triển KCHT giao thông giai đoạn 2021 - 2030 trong các quy hoạch ngành quốc gia gồm:

Về đường bộ, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I. Kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu hoàn thành xây dựng khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng không, các ga đường sắt) chưa có tuyến cao tốc song hành.

Về hàng hải, ưu tiên phát triển các cảng biển trọng điểm, gồm cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại thành phố Hải Phòng (Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải); các cảng biển quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch, các bến cảng quy mô lớn gắn khu kinh tế, khu công nghiệp, luyện kim, lọc dầu, nhiệt điện than, khí. Từng bước kêu gọi đầu tư một số cảng biển đầu mối tiềm năng, như Vân Phong, Trần Đề,... các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể kiểm tra thực trạng khai thác, đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển tại Hải Phòng _Ảnh: TTXVN
Về đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp kỹ thuật đồng bộ các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24h; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch đạt khoảng 5.000km. Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải trên các hành lang vận tải thủy; hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng. Giải quyết cơ bản kết nối đường bộ với các cảng thủy nội địa chính, đầu tư các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, đặc biệt là tại cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu; đầu tư một số cảng khách phục vụ du lịch và vận tải hành khách.

Về hàng không, ưu tiên tập trung đầu tư hình thành một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (cảng hàng không Nội Bài) và Thành phố Hồ Chí Minh (cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành). Khai thác có hiệu quả và từng bước nâng cấp bảo đảm nhu cầu 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới, nâng tổng số cảng hàng không cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không khoảng 278 triệu hành khách/năm nhằm phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km. Đầu tư hệ thống KCHT, thiết bị quản lý bay theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách theo dự báo. Từng bước huy động nguồn lực đầu tư các trung tâm logistic, trung tâm đào tạo và huấn luyện bay, trung tâm bảo dưỡng sửa chữa tàu bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Về đường sắt, nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn 7 tuyến đường sắt hiện hữu; triển khai đầu tư 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ, kết nối cửa khẩu quốc tế chính với Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia phù hợp với các điều ước về vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Định hướng các công trình trọng yếu giai đoạn 2021 - 2025

Để phát triển KCHT giao thông theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra trong Nghị quyết của Đảng, phù hợp với nội dung các quy hoạch ngành quốc gia, Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với một số mục tiêu chính yếu. Phấn đấu hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cải tạo, nâng cấp khoảng hơn 1.000km quốc lộ, một số cầu lớn trên các tuyến quốc lộ huyết mạch để đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm an toàn giao thông trên một số hành lang vận tải quan trọng. Đầu tư hoàn chỉnh tuyến luồng sông Hậu để bảo đảm tàu tải trọng lớn vào được cụm cảng Cần Thơ; cải tạo tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để bảo đảm tiếp nhận tàu 200.000T không giảm tải; cải tạo, nâng cấp tuyến luồng Quy Nhơn để bảo đảm tiếp nhận tàu 50.000T; tuyến luồng Thọ Quang để tiếp nhận tàu 8.000T - 100.000T; luồng vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn đáp ứng yêu cầu phát triển cụm công nghiệp Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An. Đầu tư các công trình bảo đảm chủ quyền biển, đảo (đèn biển, tàu tiếp tế, tàu cứu nạn,...); đầu tư hoàn chỉnh tuyến Kênh Chợ Gạo; nâng tĩnh không các cầu trên một số tuyến đường thủy nội địa quốc gia có lưu lượng vận tải lớn (luồng sông Hồng và một số tuyến vùng đồng bằng sông Cửu Long). Cải tạo các tuyến luồng thủy nội địa khu vực phía Nam để nâng cao năng lực kết nối, vận tải hàng hóa giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cải tạo khu bay Cảng hàng không Côn Đảo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, giai đoạn 2 đường cất - hạ cánh 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hoàn thành đấu nối ray Hà Khẩu để bảo đảm thông tàu chuyển tải với phía Trung Quốc; cải tạo một số ga đường sắt để tăng năng lực xếp dỡ, gom hàng; hoàn thành cải tạo một số cầu yếu, hầm yếu, kiến trúc tầng trên,... Bảo đảm điều kiện an toàn chạy tàu, nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường sắt Thống Nhất; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cải tạo tuyến luồng vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để bảo đảm tiếp nhận tàu 200.000T không giảm tải _Nguồn: vapa.org.vn 
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch

Trong giai đoạn 2021 - 2025, để tạo ra đột phá thực sự trong phát triển KCHT giao thông, Bộ Giao thông vận tải xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai, trong đó xác định trọng tâm là 2 giải pháp về hoàn chỉnh thể chế và huy động nguồn lực.

Một là, tập trung xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện, đặc biệt là tạo ra hành lang pháp lý đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền để tăng tính chủ động trong việc huy động nguồn lực. Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, như xây dựng thể chế, quy hoạch và tăng cường giám sát, kiểm tra.

Hai là, xác định nguồn vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách gắn với những cơ chế, chính sách mang tính đột phá; linh hoạt lựa chọn, áp dụng một số mô hình huy động vốn đã thành công; sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước trong từng lĩnh vực, như: 1- Về đường bộ, phân cấp tối đa cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) đặc biệt là các dự án cao tốc; 2- Về hàng hải và đường thủy nội địa, ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho KCHT công cộng, như nạo vét luồng, bảo đảm hàng hải...; huy động nguồn lực tư nhân đầu tư toàn bộ hệ thống cảng, bến và phân cấp toàn bộ thẩm quyền cấp phép, kêu gọi đầu tư cho các địa phương; 3- Đối với hàng không, giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền tổ chức đầu tư theo hình thức PPP đối với tất cả các sân bay mới, các sân bay không trọng yếu, đặc biệt là các sân bay vùng Tây Bắc; 4- Đối với đường sắt, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư KCHT, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư thiết bị, vận hành khai thác và một số nhà ga. Đồng thời, xây dựng cơ chế để các địa phương quy hoạch và khai thác quỹ đất khu vực các nhà ga để tham gia đầu tư một phần, giảm áp lực ngân sách Trung ương. 

Ba là, về tổ chức thực hiện, việc phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống KCHT giao thông sẽ huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương là một yếu tố rất quan trọng. Khi đó, các tỉnh, thành phố có dự án đầu tư xây dựng KCHT giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc sẽ chủ động xây dựng, điều chỉnh một cách đồng bộ các quy hoạch khác của địa phương, đặc biệt là quy hoạch phát triển quỹ đất, tạo không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị.... Việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương sẽ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc lâu nay liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng.... Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng.

Để tạo hành lang pháp lý thực hiện các giải pháp này, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang rà soát toàn bộ quy định pháp luật và đề xuất sửa đổi, điều chỉnh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền quyết định. Ngành GTVT tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương sẽ thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025./.

NGUYỄN VĂN THỂ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

-----------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 222
(2) Hà Nội  - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài - Lào Cai
(3) Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
(4) Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long
(5) 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển
(6) Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc
(7) Điện Biên, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá và Côn Đảo. Riêng Cảng hàng không Phan Thiết đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 68
(9) Mục tiêu theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16-1-2012, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI là đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc
(10) Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông vận tải chỉ cân đối, bố trí đáp ứng khoảng 24% nhu cầu thực tiễn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
(11) Xem: “Tổng quan về Việt Nam”, https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview, ngày 7-4-2021

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều