|
Chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm để phát triển vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh minh họa
|
Kế hoạch của Bộ GTVT nhằm thúc đẩy phát triển vận tải 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL gồm: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chú trọng vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm
Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa và hiệu quả giữa các phương thức vận tải; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm.
Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống cảng cạn cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Trong đó, ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía nam.
Thông qua việc kết nối giữa các doanh nghiệp để tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa-quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.
Hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các cảng đầu mối cũng sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa nhằm kết nối tốt dịch vụ vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác.
Để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác, kế hoạch cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics và khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải.
Bổ sung cơ chế khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải.
Hệ thống pháp luật liên quan liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải cũng sẽ được bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo được tập trung xây dựng, bổ sung hoàn thiện.
Bộ GTVT cũng sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức, vận tải hàng hóa qua biên giới, tạo thuận lợi vận tải qua biên giới phù hợp với các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương về giao thông vận tải mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
Hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức cũng sẽ được chuẩn hóa nhằm giảm giá thành vận chuyển, xây dựng, khuyến khích sản xuất, lưu thông hàng hoá, nâng cao công tác quản lý nhà nước và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo PT/Báo Chính phủ