Tiệc về hưu xa hoa, lãng phí
Tại buổi “gặp mặt chia tay” này, ngoài nhân vật chính là ông Nguyễn Phước Thanh, là sự xuất hiện của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank; ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cùng các lãnh đạo, đại diện các chi nhánh Vietcombank cũng tham dự.
Biển hướng dẫn khách đến dự tiệc "gặp mặt chia tay" ông Nguyễn Phước Thanh tại Khách sạn Melia Hà Nội
Theo một số nguồn tin, buổi tiệc chia tay ông Nguyễn Phước Thanh diễn ra từ 18h đến 22h với sự góp mặt của một số nhân vật có tầm ảnh hưởng và các nhân vật hoạt động trong ngành ngân hàng. Trong bữa đại tiệc có rất nhiều món ăn sơn hào hải vị như: Súp hải sâm với điệp, tôm rồng, cá song ngậm ngọc, rượu ngoại… Với những món ăn đặc biệt như thế này, lại được tổ chức tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội, có thể thấy cá nhân, đơn vị nào đứng ra tổ chức bữa tiệc cũng rất “chịu” chi, bởi số tiền bỏ ra tổ chức là không hề nhỏ.
Khách đứng chờ vào dự tiệc
Được biết bữa tiệc xa hoa lãng phí này đều do Ngân hàng quốc doanh (ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước) chi trả. Và vì sao ngân hàng lại đứng ra chi trả bữa tiệc như thế này vẫn đang là ẩn số?
Không chỉ có những món ăn đắt tiền, an ninh của bữa tiệc được thắt chặt, bảo mật rất cao. Toàn bộ thang máy của tòa nhà đều bị tắt, thay vào đó, các khách mời sẽ được di chuyển bằng thang máy riêng.
Bữa tiệc hoành tráng với khoảng hơn 200 quan khách lớn nhỏ được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức
Cũng theo nguồn tin, tham dự bữa tiệc một số khách mời là lãnh đạo cấp Vụ, Cục thuộc NHNN Việt Nam tỏ ra khó chịu khi cho rằng bị ông Phước Thanh gọi điện “mời đi”, không ít quan khách bỏ về sớm ngay sau khi khai mạc chương trình đại tiệc hoành tráng này.
Thời kỳ đương nhiệm của ông Thanh xảy ra nhiều “đại án” ngân hàng
Trong thời kỳ ông Nguyễn Phước Thanh giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN đã xảy ra nhiều đại án ngân hàng, số tiền “khủng” bị rút ruột thực sự được hé lộ khi xét xử những đại án này. Trách nhiệm của lãnh đạo NHNN và Cơ quan Thanh tra giám sát đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm rõ.
Vậy thời kỳ đương nhiệm, ông Nguyễn Phước Thanh đã có đóng góp như thế nào cho ngành ngân hàng mà trước khi về hưu ông Thanh – một trong nhiều nhân vật có nhiều “ảnh hưởng” trong ngành ngân hàng (phụ trách hoạt động thanh tra, giám sát) lại được tổ chức một bữa tiệc chia tay linh đình như vậy? Bởi, không phải “quan chức” nào nghỉ hưu cũng được đặc cách như ông Thanh!
Trong thời kỳ ông Nguyễn Phước Thanh giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN đã xảy ra nhiều đại án ngân hàng
Ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc NHNN vào tháng 7/2013. Trong thời gian công tác, ông Thanh đảm trách các vấn đề như giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, trong thời gian công tác, ông Thanh cũng được giao trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (công tác thanh tra ngân hàng; tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu; quản lý cấp phép và hoạt động các Tổ chức tín dụng; thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng); Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP. HCM.
Điều đáng nói là mỗi năm cơ quan này tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra lớn, bé và có quyền chủ động công bố về sai phạm liên quan của các ngân hàng, các cá nhân liên quan. Vậy tại sao vẫn có nhiều đại án ngân hàng xảy ra trong thời gian vừa qua? Trách nhiệm này thuộc về ai? Là những vấn đề vẫn chưa được làm rõ.
Trong những ngày qua, Đảng và Chính phủ đang quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng. Đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
Thời gian vừa qua, hàng loạt “đại án” liên quan đến hệ thống ngân hàng đã gây rúng động, khi con số thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không phải chuyện hiếm. Cụ thể như “đại án” Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thất thoát 9.000 tỉ đồng, đại diện Viện kiểm sát đã kiến nghị HĐXX phải kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét hành vi vi phạm đối với Ban thanh tra giám sát của NHNN. Lý do vì đơn vị này đã không thực hiện tốt vai trò của mình, tham mưu cho NHNN để cho Phạm Công Danh tái cơ cấu VNCB khi không đủ điều kiện. Đại diện Viện kiểm sát cũng kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể. Tránh hiện tượng để “sót” để “lọt” bất kỳ nhân vật nào.
Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) - chủ mưu trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại tòa ngày 19/7 (Ảnh: tuoitre.vn)
Được biết, thời gian xảy ra “đại án” này cũng là thời kỳ đương nhiệm của ông Nguyễn Phước Thanh.
Ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.
Đại án của các ngân hàng vừa qua, các cá nhân đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc làm của mình. Tuy nhiên, dư luận cũng luôn đặt câu hỏi: Dù là Chủ tịch hay Tổng giám đốc các ngân hàng cũng không thể “một tay che cả bầu trời”, hay “làm mưa làm gió”. Bởi, các ngân hàng vẫn trực thuộc sự quản lý của NHNN, vậy ai tiếp tay cho các sai phạm này vẫn cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Theo Tuấn Ngọc/Thương hiệu công luận