Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của SCB đạt 567.913 tỷ đồng, tăng trưởng 58.959 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 11,6% so với cuối năm 2018, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh.
Tăng trưởng huy động của SCB đạt 69.754 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 16,7%. Tổng số dư huy động thị trường 1 của SCB tính đến 31/12/2019 lên đến 488.092 tỷ đồng. Hoạt động huy động tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, khẳng định thế mạnh của SCB trên thị trường huy động vốn.
Dư nợ cho vay của SCB đến 31/12/2019 đạt 333.879 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm 2019. Trong năm qua, SCB tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng, cơ cấu lại tài sản theo hướng an toàn và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng tài sản có sinh lời trong cơ cấu bảng cân đối kế toán. SCB đã kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức thấp, lần lượt là 0,9% và 0,49%.
Năm 2019, SCB đạt lợi nhuận trước thuế là 220,3 tỷ đồng. Trong năm vừa qua, kết quả kinh doanh của SCB tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là những kết quả trong hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ với tổng thu nhập ngoài lãi đạt 1.937 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 30% so với năm 2018. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 33,5% so với 2018.
Đại hội đã nhất trí thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh SCB năm 2020 với các mục tiêu chính: Tập trung tối đa nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp tái cơ cấu; Phát triển kinh doanh; và Quản trị điều hành.
Dự kiến trong năm 2020, SCB sẽ tăng 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng mức vốn điều lệ sau khi tăng thêm là 20.232 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của SCB, góp phần thực hiện các mục tiêu theo chiến lược kinh doanh của Ngân hàng. Bên cạnh đó, SCB sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới, thu hồi nợ xấu, và xử lý tài sản theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với mục tiêu phát triển kinh doanh, SCB chuyển dịch mô hình và mô thức kinh doanh theo hướng đa dịch vụ. SCB dự kiến trong năm 2020 sẽ đạt thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019, trong đó: tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số; đẩy mạnh phát hành mới thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ…
Đồng thời, SCB chủ trương phát triển tín dụng mới một cách thận trọng và an toàn, chú trọng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ…, và đặc biệt là cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. SCB cũng định hướng tách rõ phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược cụ thể cho từng phân khúc.
Dự kiến trong năm 2020, tổng tài sản của SCB tăng lên 637.166 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 65.000 tỷ đồng; cho vay tăng trưởng khoảng 13% so với 2019, phù hợp với phê duyệt của NHNN…
Để đạt được mục tiêu này, SCB đã đề ra một số trọng tâm, trong đó ‘sợi dây’ xuyên suốt năm 2020 sẽ là khách hàng. Hướng đến mục tiêu NGÂN HÀNG BÁN LẺ ĐA NĂNG có tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi năm tối thiểu 30% và lấy hệ thống trải nghiệm khách hàng làm nền tảng, SCB đã có kế hoạch chuyên môn hóa mô hình kinh doanh. Thứ nhất là tổ chức mô hình kinh doanh với bộ máy độc lập cho hai mảng hoạt động Bán lẻ và Doanh nghiệp; Hai là tập trung phát triển dịch vụ khách hàng cao cấp; và Ba là triển khai kênh kinh doanh trực tiếp.
Năm 2020, SCB đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng có Chất lượng dịch vụ và Quản trị trải nghiệm hàng đầu, định hướng kinh doanh gắn liền với giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng”, phát triển văn hóa doanh nghiệp tương xứng với vị thế TOP 5 về quy mô tổng tài sản. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành, tác nghiệp; cũng như nâng cao công tác quản trị tài chính và kiểm soát chi phí…
Tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí miễn nhiệm một thành viên HĐQT là Bà Mai Thị Thanh Thủy và một thành viên Ban kiểm soát là Ông Nguyễn Mạnh Hải. Đại hội cũng đã thông nhất bầu bổ sung Ông Bùi Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp là thành viên mới của HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Hoạt động kinh doanh phát triển bền vững
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019 của SCB đạt được những kết quả vượt bậc với doanh số phí tăng trưởng 72% so với năm 2018.
Số lượng thẻ quốc tế mà SCB phát hành trong năm 2019 tăng trưởng 60% so với năm 2018. Sản phẩm nổi bật là Thẻ tín dụng quốc tế S-Care dành cho nhóm Khách hàng quan tâm tới sức khỏe, cùng 2 sản phẩm mới là Thẻ thanh toán quốc tế beYOU và Thẻ tín dụng quốc tế Premier Mastercard World đều được khách hàng đón nhận.
Năm 2019, SCB có tỷ lệ điện đạt chuẩn trên 98% theo đánh giá từ các Ngân hàng đại lý. Kết quả hoạt động kinh doanh mảng thanh toán quốc tế của SCB tiếp tục đạt được kết quả tích cực với doanh số thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đạt gần 4 tỷ USD, thu thuần phí dịch vụ của mảng đạt 187 tỷ đồng trong năm 2019.
Định hướng kinh doanh gắn liền với giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng”
SCB đưa giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động điều hành và phát triển kinh doanh. Do đó các sản phẩm, dịch vụ có giá trị lan tỏa đến cộng đồng dần trở thành các sản phẩm quan trọng và có vai trò tiền đề trong chặng đường phát triển bền vững sắp đến của SCB. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe Khách hàng và các biện pháp phòng chống rủi ro tài chính cũng quan trọng như quá trình nỗ lực kinh doanh của SCB.
SCB không chỉ nhằm mục tiêu phát triển bền vững và chú trọng vào chất lượng của hoạt động kinh doanh; mà còn hướng đến xây dựng hình ảnh Ngân hàng sang mục tiêu, tầm nhìn chung là phụng sự và đem lại lợi ích cao nhất cho Khách hàng, CBNV nói riêng và cộng đồng nói chung.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc SCB luôn thực hiện sứ mệnh của mình, hài hoà cả ba mục tiêu giá trị: mục tiêu tư nhân, mục tiêu nhà nước và mục tiêu xã hội. Đồng thời cũng thực hiện nâng cấp thương hiệu với ý niệm “Nhân văn: Vì cộng đồng”, luôn đưa lợi ích và trải nghiệm của Khách hàng làm giá trị cốt lõi để không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển toàn diện cả về tính ưu việt sản phẩm, sự tiện ích dịch vụ và đặc biệt là sự hoàn thiện về yếu tố con người.
PV