Thương hiệu điều nhân Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới lựa chọn và tin dùng cho nên đầu ra rất ổn định. Hiện Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Đây chính là tín hiệu đáng mừng vì sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không ngừng đáp ứng tốt về chất lượng. Tuy nhiên, trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thị trường các nước, doanh nghiệp (DN) đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Đơn cử, năm 2016 Việt Nam nhập hơn 1,1 triệu tấn điều thô để chế biến đáp ứng họa động xuất khẩu, trong khi sản lượng điều của toàn thế giới đạt khoảng 3 triệu tấn. Năm 2017 ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, do thời tiết biến động sản lượng mùa vụ không đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu chế biến nên ngành này dự kiến nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn.
Không khá hơn ngành điều, thủy sản cũng có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu. Năm 2016, gần 90% doanh nghiệp thủy sản có nhu cầu nhập khẩu. Năm 2017, tình hình không khả quan hơn. Hiện doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu hải sản ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Mỹ, Canada,…
Công nghệ chế biến sản phẩm của Việt Nam ngày càng hiện đại, thương hiệu cũng vượt qua nhiều đối thủ xuất khẩu khác với chất lượng sản phẩm tốt. Cho nên, thời gian tới DN cần đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu để tăng giá trị giá tăng cho sản phẩm. Đây chính là lợi thế, cơ hội cho cả nhà trồng trọt lẫn DN chế biến xuất khẩu.
Song, với mong muốn kim ngạch xuất khẩu nông sản ổn định, phát triển bền vững cần định hướng xa hơn nữa để xây dựng vùng nguyên liệu. Xây dựng vùng nguyên liệu giúp DN chủ động được chất lượng và số lượng nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu.
Trường hợp, tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu về chế biến như hiện nay lợi nhuận thực thụ thu về không cao vì thực chất DN đang chế biến gia công.
Sắp tới, ngành điều cần mở rộng diện tích trồng trọt, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, phát triển giống điều cao sản đáp ứng nhu cầu khá lớn của thị trường trong và ngoài nước.
Đối với ngành thủy sản, phải nỗ lực thực hiện chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu cho hoạt động chế biến thực phẩm; hoàn thiện, gắn kết liên kết chuỗi giữa nông dân nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm có ý nghĩa thiết thực cho hoạt động xuất khẩu, nhưng để làm được điều này rất cần sự tích cực vào cuộc cũng như vai trò nhạc trưởng của cơ quan quản lý.
Theo Thanh Giang/Đại đoàn kết