Tính đặc thù theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta

Phát triển kinh tế thị trường có vai trò rất quan trọng. Đối với nước ta, muốn chuyển từ nền kinh tế đang phát triển lên nền kinh tế hiện đại xã hội chủ nghĩa thì không còn con đường nào khác là phải phát triển kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường khắc phục được kinh tế tự nhiên tự cấp, tự túc, đẩy mạnh phân công lao động xã hội, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, khuyến khích ứng dụng công nghệ - kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất lao động, tăng số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy tích tụ tập trung sản xuất, mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương, các vùng lãnh thổ, thúc đẩy việc phát huy tính năng động sáng tạo của mỗi người lao động, mỗi đơn vị kinh tế, đồng thời tạo ra cơ chế phân bổ và sử dụng các nguồn lực của xã hội hợp lý, tiết kiệm... Vì vậy, phát triển kinh tế thị trường được coi là chiếc đòn xeo để xây dựng chủ nghĩa xã hội, là phương tiện khách quan để xã hội hóa xã hội chủ nghĩa nền sản xuất. Không thể có nền kinh tế thị trường ở nước này lại là bản sao của kinh tế thị trường ở nước khác.

Trong các tiêu thức để phân biệt nền kinh tế thị trường này với nền kinh tế thị trường khác, phải kể đến định hướng chính trị, kinh tế, xã hội chi phối sự vận động, phát triển của nền kinh tế. Ở nước ta những định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế là: Thứ nhất, phát triển nền kinh tế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, với sự đa dạng các hình thức sở hữu và các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Thứ hai, phát triển nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm thống nhất giữa sự phát triển, tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Thứ ba, xây dựng một nền kinh tế thị trường hòa nhập vào nền kinh tế thị trường khu vực và thế giới với nhiều hình thức quan hệ và liên kết phong phú đa phương, đa dạng.

Với định hướng trên, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là: tạo ra sự phát triển năng động, hiệu quả cao của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, tăng thêm các nguồn lực mới bằng cách nâng cao tỷ lệ tiết kiệm, tăng tích lũy và đầu tư hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu kinh tế, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao... để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo mục tiêu đó, có thể xác định những đặc trưng bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Một là, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu tổ chức nền kinh tế trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế còn kém phát triển. Kiểu tổ chức nền kinh tế này nhằm nhanh chóng đưa nước ta đạt đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế gồm nhiều thành phần, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều vận động theo định hướng chung và theo khuôn khổ pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ba là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Bốn là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế “mở” cả với bên trong và với bên ngoài. Tồn tại trong nhiều hình thái kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ chế thị trường không chỉ chịu sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường nói chung, mà còn chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế đặc thù của phương thức sản xuất chủ đạo. Do vậy, mô hình cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm khác nhau cơ bản:

Một là, về chế độ sở hữu: cơ chế thị trường trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa luôn hoạt động trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, trong đó, các công ty tư bản độc quyền giữ vai trò chi phối sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa lại hoạt động trong môi trường của sự đa dạng các quan hệ sở hữu, trong đó, chế độ công hữu giữ vai trò là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi trong khi phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần phải củng cố và phát triển kinh tế nhà nước có khả năng điều tiết, hướng dẫn sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Kinh tế nhà nước phải được củng cố và phát triển ở các vị trí then chốt của nền kinh tế, ở lĩnh vực an ninh quốc phòng, ở các lĩnh vực dịch vụ xã hội cần thiết... mà các thành phần kinh tế khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư vì không sinh lời hoặc ít lãi.

Hai là, về tính giai cấp của Nhà nước và mục đích quản lý của Nhà nước: trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, sự can thiệp của Nhà nước luôn mang tính chất tư sản và trong khuôn khổ của chế độ tư sản với mục đích nhằm bảo đảm môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự thống trị của giai cấp tư sản, cho sự bền vững của chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì sự can thiệp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế lại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của toàn thể nhân dân lao động, thực hiện mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, về cơ chế vận hành: cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ chế đó bảo đảm tính hướng dẫn, điều khiển nền kinh tế nhiều thành phần hướng tới đích xã hội chủ nghĩa theo phương châm: Nhà nước điều tiết vĩ mô, thị trường hướng dẫn doanh nghiệp. Cơ chế đó thể hiện ở các mặt cơ bản: Thứ nhất, Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhân tố đóng vai trò “nhân vật trung tâm” và điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Thứ hai, cơ chế thị trường là nhân tố trung tâm của nền kinh tế, đóng vai trò “trung gian” giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Bốn làvề mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với công bằng xã hội: trong sự phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vấn đề công bằng xã hội chỉ được đặt ra khi mặt trái của cơ chế thị trường đã làm gay gắt các vấn đề xã hội, tạo ra nguy cơ bùng nổ xã hội, đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Song, vấn đề đó không bao giờ và không thể nào giải quyết được triệt để trong chế độ tư bản. Mục đích giải quyết các vấn đề xã hội của các chính phủ tư sản chỉ giới hạn trong khuôn khổ tư bản chủ nghĩa, chỉ được xem là phương tiện để duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chủ động ngay từ đầu việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Vấn đề công bằng xã hội không chỉ là phương tiện để phát triển nền kinh tế thị trường mà còn là mục tiêu của chế độ xã hội mới. Sự thành công của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng cao mà còn ở chỗ mức sống thực tế của mọi tầng lớp dân cư đều được nâng lên, y tế, giáo dục đều phát triển, khoảng cách giữa giàu - nghèo được thu hẹp, đạo đức, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ vững, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Năm là, về phân phối thu nhập. Sự thành công của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ dừng lại ở tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn phải không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm tốt các vấn đề xã hội và công bằng, bình đẳng trong xã hội. Đặc trưng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện: xác định các chỉ tiêu hiệu quả cần đạt được như: tốc độ tăng GDP/người, các chỉ tiêu về phát triển giáo dục, y tế, việc làm, về xóa đói giảm nghèo, về văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, môi sinh...; nâng cao chức năng xã hội của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong chế độ bảo hiểm xã hội, trong chính sách phân phối thu nhập, đồng thời, có chính sách bảo đảm xã hội đối với những đối tượng đặc biệt (gia đình có công với cách mạng, thương binh, người tàn tật...).

Tình hình đó đặt ra cho kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải kết hợp hài hòa 3 vấn đề sau đây: Thứ nhất, kết hợp vấn đề lợi nhuận với vấn đề xã hội. Mục đích của sự kết hợp này là vừa bảo đảm cho các chủ thể của kinh tế thị trường có được lợi nhuận cao, vừa tạo được điều kiện chính trị - xã hội bình thường cho sự phát triển kinh tế. Thứ hai, kết hợp chặt chẽ những nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội và nguyên tắc phân phối của kinh tế thị trường, như: phân phối theo lao động, theo vốn, theo tài năng, phân phối qua quỹ phúc lợi xã hội... Trong đó, nguyên tắc phân phối theo lao động là chính. Thứ ba, điều tiết phân phối thu nhập, một mặt, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách sao cho giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa lớp người giàu và lớp người nghèo...; mặt khác, phải có chính sách, biện pháp nâng cao thu nhập chính đáng của người giàu, người nghèo và của toàn xã hội.

Tuy vậy, nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay vẫn còn mang nặng những đặc điểm:

Một là, kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế quá độ. Tính quá độ thể hiện: trong nền kinh tế bao gồm nhiều loại hình sản xuất hàng hóa đan xen nhau: sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa và sản xuất hàng hóa nhỏ... (nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức sở hữu khác nhau tham gia sản xuất hàng hóa). Mỗi kiểu sản xuất hàng hóa có những nét đặc thù về bản chất kinh tế - xã hội và trình độ phát triển, nhưng đều là những bộ phận khác nhau của nền kinh tế quốc dân thống nhất, hình thành và chịu sự chi phối của một thị trường xã hội thống nhất với các quan hệ cung - cầu, giá cả chung, một đồng tiền chung... Bởi vậy, chúng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau, bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu và quyền thu nhập hợp pháp. Nhưng các kiểu sản xuất hàng hóa này không còn giữ nguyên bản chất, vì nó mang tính chất quá độ. Nhân tố kinh tế và quan hệ kinh tế trong sản xuất hàng hóa của mỗi thành phần kinh tế đều đã xuất hiện những cái mới. Ví dụ: trong sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa đã có những nhân tố kinh tế của kinh tế nhà nước như điện, nước, cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc... và đã có những quan hệ kinh tế với các thành phần kinh tế khác, chịu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa... Trong nền kinh tế thị trường quá độ, sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chủ đạo, định hướng đối với các kiểu sản xuất hàng hóa khác.

Hai là, kinh tế thị trường còn ở trình độ kém phát triển. Biểu hiện ở số lượng mặt hàng và chủng loại hàng hóa nghèo nàn, khối lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và kim ngạch xuất nhập khẩu còn nhỏ, chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa cao, chất lượng hàng hóa thấp, quy mô và dung lượng thị trường hạn hẹp; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài còn rất yếu; đội ngũ các nhà quản lý doanh nghiệp giỏi còn ít, thu nhập của người lao động còn thấp, do đó, sức mua còn hạn chế; nhiều loại thị trường còn ở trình độ thấp như thị trường vốn, thị trường chứng khóan, thị trường sức lao động... Trình độ phát triển thấp của sản xuất hàng hóa bắt nguồn từ trình độ thấp của lực lượng sản xuất, từ tính chất sản xuất nhỏ của nền kinh tế, từ trình độ phân công lao động xã hội kém phát triển, từ sự kém phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, lao động thủ công còn chiếm tỷ trọng lớn, từ sự nhận thức giản đơn về chủ nghĩa xã hội...

Ba là, nền kinh tế thị trường phát triển theo hướng hòa nhập vào thị trường thế giới. Cách mạng khoa học - công nghệ càng phát triển càng làm cho lực lượng sản xuất phát triển đạt trình độ xã hội hóa cao, dẫn đến quá trình khu vực hóa, quốc tế hóa nền kinh tế ngày càng mở rộng. Do vậy, phát triển kinh tế thị trường không phải chỉ dựa trên cơ sở điều kiện trong nước, mà còn phải tính đến quan hệ kinh tế quốc tế, đến xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế. Nền kinh tế thị trường của mỗi quốc gia muốn phát triển thuận lợi không thể không gắn với thị trường thế giới. Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đã làm cho số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa cho tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng cá nhân ngày càng phong phú, đa dạng, mà bất cứ một nước nào, dù là nước phát triển nhất cũng không thể sản xuất tất cả các loại hàng hóa. Vì vậy, mỗi nước phải tùy theo lợi thế của mình, lựa chọn những mặt hàng sản xuất có hiệu quả và cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Sản xuất hàng hóa ở nước ta chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài và áp dụng những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật hiện đại của thế giới để khai thác những tiềm năng còn rất lớn trong nền kinh tế. Muốn vậy, con đường đúng đắn là phát triển nền kinh tế mới hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu có hiệu quả.

Bốn là, phát triển kinh tế thị trường gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển kinh tế thị trường gắn với nền kinh tế mở là tất yếu, nhưng trong quá trình đó, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, thì cũng có nguy cơ du nhập những yếu tố văn hóa xa lạ với truyền thống, đặc điểm của dân tộc. Muốn giữ được nền kinh tế thị trường mang bản sắc văn hóa Việt Nam phải thực hiện có hiệu quả sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, không chấp nhận lối sống thực dụng với sự chi phối tất cả của đồng tiền, không chấp nhận việc thương mại hóa mọi hoạt động đời sống xã hội, mà đề cao những chuẩn mực giá trị văn hóa và đạo đức, đồng thời, đấu tranh xóa bỏ những tập tục và lối sống cổ hủ, lạc hậu. Kết hợp sự chọn lọc tinh hoa của văn minh nhân loại với sự giữ gìn những yếu tố tinh túy của văn hóa dân tộc, xây dựng những nhân tố văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Ở nước ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm các yêu cầu sau: tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với những tiến bộ về công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu “mọi lợi ích đều vì dân”, giải phóng con người, con người phát triển toàn diện. Phát triển kinh tế cao dựa trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo, cùng kinh tế hợp tác là nền tảng của kinh tế quốc dân. Các thành phần kinh tế khác phát triển theo sự quản lý của Nhà nước. Tính năng động của cơ chế thị trường phải gắn với sự quản lý của Nhà nước. Đa dạng các hình thức phân phối, phân phối theo lao động ngày càng chi phối. Không ngừng đổi mới và hoàn thiện quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng của đất nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia. Mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế theo nguyên tắc ngày càng tăng nhanh sức sống nội sinh của dân tộc, biến yếu tố ngoại sinh thành yếu tố nội sinh.

Để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần.

Hai là, mở rộng phân công lao động, phân bố lại lao động và dân cư trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, từng vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, tạo lập và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường.

Bốn là, đẩy mạnh cách mạng khoa học - công nghệ, nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm là, giữ vững ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả.

Sáu là, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và các nhà kinh doanh giỏi, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bảy là, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để phát triển kinh tế thị trường./.

 

Theo PGS.TS VŨ VĂN PHÚC/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều