Các tỉ phú dollar của Việt Nam. Ảnh: VNExpress
Ở tuổi “tam thập”, ông Trần Đình Long mới bắt đầu khởi nghiệp. Ông đi buôn, và hàng hoá khi ấy là máy xây dựng. Giờ đây, Hoà Phát của ông nộp thuế lớn thứ 2 cho Hải Dương. Riêng tại Hưng Yên, Tập đoàn của vị "vua thép" này đóng góp ngân sách nhiều nhất cho tỉnh với hơn 1.200 tỷ đồng, chiếm 12% tổng thu ngân sách của địa phương và trên 40% tổng thu từ khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Ông Trần Bá Dương khởi nghiệp bằng cờ lê, mỏ lết và “bàn tay trắng” trong một xưởng đại tu ôtô. Và từ những phát minh đầu tiên, máy chạy rà động cơ, cho đến ngày trở thành tỷ phú dollar thế giới hôm qua 6.3 là chuỗi không ngừng nghỉ.
Đến cuối 2016, Tổng nộp ngân sách của THACO là 18.000 tỷ đồng, trong đó nộp tại tỉnh Quảng Nam là 14.350 tỷ đồng.
Nhớ năm ngoái, khi những thay đổi trong chính sách nhập khẩu ôtô khiến Thaco “hắt hơi”, cả tỉnh Quảng Nam như lên cơn sốt khi khoản hụt thu 3.000 tỷ từ Thaco không cách gì bù đắp nổi.
Ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương, hai tỷ phú Việt mới nhất trong bảng xếp hạng của Forbes đã đóng thuế như thế đấy. Đóng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất.
Chúng tôi cũng có những con số mang tính đóng góp khác. Một ví dụ là con số hơn 1,7 vạn lao động tại Thaco hay 5 vạn lao động tại Vingroup.
Những con số luôn khách quan. Bởi, tuyệt đối chính xác: Đó chính là sinh kế của 1,7 vạn, của 5 vạn gia đình.
Những tỷ phú Việt được vinh danh, đó hẳn nhiên phải là niềm tự hào khi giờ đây số người giàu có, giàu có một cách minh bạch, công khai, gần như là một tài sản, một chỉ số phồn vinh quốc gia.
Những tỷ tỷ dollar của họ cũng đồng nghĩa với cống hiến, mà những con số về tiền thuế nộp ngân sách quốc gia hay số công ăn việc làm họ tạo ra có lẽ chỉ là khía cạnh dễ nhận thấy nhất mà thôi.
Theo Anh Đào/Lao động