Ứng dụng công nghệ trong phát triển bền vững

Bệnh dịch, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thiên tai cực đoan xảy ra gần đây, đặt ra những vấn đề cấp bách đối với quản lý tài nguyên và xã hội để thu hút đầu tư nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ thực thi chương trình hành động nhằm đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển bền vững.

Nội dung phát triển bền vững 

 
Nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của các sự cố ô nhiễm môi trường đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh chính trị; gây ra căng thẳng, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới.

Từ Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1972 với sự tham gia của 113 quốc gia trên thế giới, tới Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển được tổ chức tại Rio de Janneiro (Braxin) năm 1992 với sự tham gia của trên 200 quốc gia, các nước đã đạt được được đồng thuận về phát triển bền vững, xác định trong Chương trình Nghị sự 21 là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Nội hàm về phát triển bền vững được khẳng định ở Hội nghị Rio năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg năm 2002, không chỉ bao gồm trụ cột kinh tế và xã hội mà còn phải bao hàm trụ cột thứ ba, đó là môi trường. Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 trụ cột của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (bao hàm cả chất lượng tăng trưởng), phát triển xã hội (phát triển cả thể chất và tinh thần của con người thông qua cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục để bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là ứng phó biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng, chống cháy rừng, chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Chính vì vậy, phát triển bền vững phải gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, dựa trên các thành tựu phát triển tiên tiến nhất của nhân loại về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để hình thành các trung tâm đô thị thông minh sầm uất trong tương lai.

Có nhiều cách thức, quan điểm, mô hình và công cụ để mỗi quốc gia đạt được phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh là một trong những công cụ quan trọng được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản của Hội nghị Rio, Chương trình Nghị sự 21 và đóng góp để đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo định nghĩa của EU, tăng trưởng xanh là xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tận dụng vị thế tiên phong của châu Âu trong công cuộc phát triển những quy trình, công nghệ mới, bao gồm công nghệ xanh, áp dụng sâu rộng lưới điện thông minh sử dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng lưới toàn EU và củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kinh doanh cũng như hỗ trợ khách hàng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên. Chiến lược EU 2020 định hình một mô hình kinh tế thị trường xã hội hiện đại của châu Âu với ba ưu tiên có quan hệ bổ sung cho nhau: (i) Tăng trưởng thông minh: phát triển kinh tế dựa vào tri thức và nghiên cứu đột phá cải tiến công nghệ; (ii) Tăng trưởng bền vững: thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên, xanh hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn; (iii) Tăng trưởng bình đẳng: khuyến khích nền kinh tế với nhiều công ăn việc làm, tạo ra sự gắn bó trong xã hội và bình đẳng giữa các vùng, miền.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý tài nguyên

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm quan nhà máy sản xuất biến áp truyền tải tại tỉnh Bắc Ninh, tháng 12/2019.
 
 
Các nước phát triển trên thế giới đều quản lý tài nguyên từ tâm trái đất tới hết tầng khí quyển. Quản lý tài nguyên quốc gia dựa trên dữ liệu không gian (spatial data) dựa trên nền địa lý quốc gia, hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia NSDI (National Spatial Data Infrastructure) và nền địa chính quốc gia NDCD (National Digital Cadatral Database). Mọi nguồn tài nguyên quốc gia đều được lưu trữ đặc tính theo cơ sở dữ liệu truyền thống và tọa độ theo cơ sở dữ liệu không gian GIS (Global Information System).

Chiến lược phát triển bền vững quốc gia cần được lập, thực hiện, kiểm tra, giám sát và hoàn thiện (PDCA: Plan-Do-Check-Action) dựa trên quy hoạch sử dụng đất tích hợp ứng dụng công nghệ bản đồ đa lớp vào quản lý quy hoạch quốc gia. Lãnh thổ chủ quyền quốc gia bao gồm cả tầng ngầm trong lòng đất, vùng đất, vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tầng khí quyển. Các nước trên thế giới đều sử dụng quy hoạch sử dụng đất tích hợp cấp quốc gia để phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng (tầng ngầm, mặt đất và tầng không) cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính. Ở Việt Nam, quy hoạch sử dụng đất tích hợp cần được xây dựng trên nền địa lý và địa chính quốc gia, bao gồm tất cả quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Ứng dụng công nghệ bản đồ đa lớp cho phép quản lý hiệu quả không gian tài nguyên quốc gia, theo kịp trình độ các nước phát triển trên thế giới đối với việc quản lý tài nguyên từ tâm trái đất tới hết tầng khí quyển dựa trên dữ liệu không gian. Quản lý dữ liệu theo không gian sử dụng bản đồ đa lớp cho phép quản lý và thu tiền quyền khai thác khoáng sản, nước ngầm, công trình ngầm (tàu điện ngầm, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại trong lòng đất), mặt đất, công trình trên cao (nhà cao tầng, cầu nối các tòa nhà), tần số vô tuyến, quyền sử dụng không gian máy bay không người lái, quyền khai thác đường không,...

Ứng dụng công nghệ bản đồ đa lớp cho phép quản lý không gian phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường theo bản đồ sử dụng đất tích hợp, bao gồm bản đồ lập, thực hiện, tiến độ triển khai dự án, kiểm tra, giám sát, quyết toán và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, cảng, cửa khẩu, trạm thu phí, định vị phương tiện vận tải công cộng; hạ tầng truyền thông, thông tin; hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, tuyến, tour du lịch; hạ tầng y tế, giáo dục, cơ sở văn hóa, thể thao; kiểm soát môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý chất thải rắn, lỏng, khí; hạ tầng tài chính, kho bạc, ngân hàng và các tổ chức tín dụng; quản lý tài sản công; quản lý địa chính, mã số bưu điện; và người dùng dịch vụ công.   

Công nghệ bản đồ đa lớp được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác các công nghệ đã phổ biến trên thế giới hiện nay: i) Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) để lưu trữ số liệu theo nhiều lớp dữ liệu độc lập do các bộ quản lý lĩnh vực, cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương quản lý khu vực thực hiện; ii) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để phê duyệt và xác nhận thông tin cơ sở dữ liệu không gian thu thập thông qua viễn thám (satellite), máy bay không người lái (drone), camera đường phố (street view camera) và thông tin do người dùng dịch vụ công cung cấp, cập nhật hằng ngày; iii) Ứng dụng công nghệ đám mây (cloud) để nhà nước quản lý dữ liệu tập trung và người dân có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, sử dụng mã định danh thống nhất; iv) Ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để lưu trữ số liệu theo thời gian và ghi dấu các điều chỉnh trên hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu theo không gian và phân cấp đối tượng được truy cập. Người dân được truy cập số liệu yêu cầu công khai theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý phát triển xã hội

Con người, vốn, tài nguyên là ba đầu vào cốt yếu của sản xuất và phát triển kinh tế. Đầu tư cho y tế và giáo dục là đầu tư cho con người. Quản lý hiệu quả ngân sách theo kết quả đầu ra là cơ sở để quản lý hiệu quả nguồn lực ngân sách quốc gia. Ngân sách tập trung đầu tư cho con người để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thể chất và trí tuệ thông qua y tế và giáo dục. Quản lý không gian tài nguyên quốc gia, tài sản công, đất đai, khoáng sản, môi trường và phân bổ ngân sách dựa trên các chỉ tiêu phân bổ theo không gian là nền tảng để sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.

Con người thường hành động theo động cơ cá nhân, nên cách tốt nhất để huy động và khai thác nguồn lực đất nước là dựa trên thiết kế xây dựng thể chế (institutional arrangement) và tạo ra cơ chế khuyến khích tài chính (financial incentives) để lợi ích cá nhân trùng với lợi ích quốc gia, tạo động lực cho con người trong lúc chạy theo lợi ích cá nhân thì đồng thời đóng góp vào lợi ích quốc gia. Trong khu vực tư nhân, mô hình trả lương theo kết quả công việc là nền tảng để xây dựng một cơ chế làm việc tự giác. Trong quản lý tài chính, ngân sách, chính phủ điều tiết bất bình đẳng thu nhập thông qua thuế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân qua hệ thống dịch vụ công hiệu quả. Thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả để tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Sử dụng mã định danh cá nhân thống nhất theo Luật Căn cước công dân là bước đi đầu tiên để người dân dùng dịch vụ công thống nhất cho các dịch vụ như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mã số thuế, quản lý nhân khẩu, y bạ điện tử, mã số học sinh, sinh viên trực tuyến, mã số công chức, viên chức, mã số người dùng dịch vụ công, tài khoản ngân hàng, kho bạc để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nộp phạt, thu phí không dừng, phí đường bộ, đỗ xe,... Trong kỷ nguyên số, tài sản giá trị nhất là người dùng. Cần phát triển mã số định danh cá nhân để tạo sự thống nhất cho người dùng dịch vụ công, phát triển hệ sinh thái số và mạng xã hội Việt Nam nhằm khai thác nguồn lực hàng chục triệu người dùng ở Việt Nam. 

Đầu tư cho phát triển y tế cần ưu tiên phát triển hệ thống y tế dự phòng (kiểm soát và phòng bệnh); hệ thống khám, chữa bệnh ban đầu (hệ thống bác sĩ gia đình thông qua trạm y tế xã, phường); hệ thống bệnh viện vệ tinh; hệ thống đào tạo y, dược; hệ thống sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế. Phát triển hệ thống y bạ điện tử trọn đời để theo dõi tiền sử bệnh tật, bệnh án, liên thông kết quả xét nghiệm nhằm giảm chi phí khám, chữa bệnh; xây dựng phần mềm y tế và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tuyên truyền, thông báo các biện pháp phòng bệnh và khám, chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn nơi khám và chuyển tuyến bệnh viện.

 Can thiệp tim mạch cho bệnh nhi bằng hệ thống máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số 2 bình diện (DSA) hiện đại tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh_Ảnh: dichvucong.quangninh.gov.vn
Đầu tư cho phát triển giáo dục cần ưu tiên phát triển giáo dục trọn đời, tự học, tự sáng tạo, tự lập thân, tự lập nghiệp, tự khởi nghiệp. Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình, học để chung sống, học để làm người. Đào tạo công dân toàn cầu, có cơ hội tiếp thu được kiến thức nhân loại và khả năng cạnh tranh việc làm toàn cầu. Quản lý chương trình giáo dục phổ thông cần xây dựng theo hệ thống chuẩn đầu ra (learning outcomes) cho từng cấp học, từng lớp học và từng bài giảng. Chương trình giáo dục mới cần kèm theo bài giảng video mẫu của giáo viên cho từng bài giảng gắn với chuẩn đầu ra. Cần nhanh chóng chuẩn hóa các kỳ thi năng lực và kiến thức quốc gia từ phổ thông tới dạy nghề, đại học và đào tạo công chức, viên chức. Thực hiện đào tạo trực tuyến, tự học, học tập trọn đời và đánh giá khối lượng kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực tự chủ, năng lực ứng dụng, thực hành thông qua các kỳ thi năng lực. Thực hiện truyền hình giáo dục theo giờ lên lớp để giáo viên vùng sâu, vùng xa sử dụng hỗ trợ cho bài giảng của mình nhằm xác lập chuẩn giáo dục quốc gia thống nhất.

Cần thực hiện những bước đi đầu tiên để thiết lập mạng xã hội Việt Nam trên cơ sở khai thác hàng chục triệu người dùng là học sinh, sinh viên và công chức, viên chức, thực hiện truyền hình tương tác và giáo dục, đào tạo trực tuyến qua internet đối với giáo dục phổ thông và đào tạo thường xuyên, giáo dục trọn đời kỹ năng sống và 365 nghề theo mô hình kết hợp với doanh nghiệp (Dual Education System của Đức). Hệ thống đào tạo công chức, viên chức cần chuyển sang đào tạo trực tuyến để giảm thời gian học tập tập trung và chỉ tổ chức kiểm tra chuẩn hóa trình độ theo mô hình của đề thi năng lực trực tuyến.

Cũng cần thay đổi cách thức quản lý ngân sách nhà nước theo không gian để đạt được các kết quả nêu trên. Ngân sách nhà nước cần được quản lý thông qua kết quả (performance budgeting) thay vì kiểm soát hạng mục chi (line item budgeting); thực hiện chi tiêu trung hạn theo chiến lược phát triển; điều chỉnh cuốn chiếu hằng năm để bảo đảm linh hoạt. Ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư đều phải thực hiện chi tiêu trung hạn phù hợp với chiến lược phát triển, quản lý bằng kết quả đầu ra. Khu vực thiếu hụt về trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông, văn hóa, thể thao hay có tỷ lệ thất nghiệp cao thì sẽ được ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực tương ứng ở khu vực đó dựa trên cơ sở số liệu thống kê theo không gian./. 

Theo PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH THỌ - PGS, TS. MAI THU HIỀN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều