Hiện nay, trong giao dịch thanh toán quốc tế, hình thức Thư tín dụng (L/C) được sử dụng khá phổ biến. Bên cạnh đó, khái niệm UPAS L/C cũng không còn xa lạ với thị trường và doanh nghiệp, mang đến nhiều lợi ích dành cho khách hàng xuất nhập khẩu với các đối tác quốc tế cũng như thương mại nội địa với các đối tác trong nước.
So với L/C thông thường, UPAS L/C cho phép Nhà nhập khẩu (bên mua) được trả chậm và cho phép Nhà xuất khẩu (bên bán) được nhận thanh toán ngay hoặc sớm hơn thời hạn trả chậm của L/C. Đồng thời, giúp người mua thanh toán nhanh, an toàn với chi phí hợp lý, tiết kiệm vốn từ 2-3%/năm so với sản phẩm cho vay thông thường. Với hình thức thanh toán này, Ngân hàng tài trợ sẽ thanh toán trước hạn cho bên bán và thu lại tiền gốc và phí liên quan từ khách hàng vào ngày đáo hạn của L/C.
Công ty CP QT L.M – một Doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm UPAS L/C trong mua hàng cho rằng: “Đây là phương thức thanh toán đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho người mua như tiến độ giao hàng hóa không đúng cam kết hay người bán không giao hàng… Thực tế, UPAS L/C cũng đã giúp người mua như doanh nghiệp chúng tôi tiết giảm được chi phí tài chính từ 20% - 50%”. Được biết, sản phẩm UPAS L/C Doanh nghiệp này đang sử dụng được cung cấp bởi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK).
Với những ưu điểm nổi trội, UPAS L/C đang được ưa chuộng trong thanh toán quốc tế và nội địa. Năm tháng đầu năm 2022, ABBANK ghi nhận doanh số phát hành UPAS L/C là 953 tỷ đồng, doanh số phát hành UPAS L/C tháng 5 là 338 tỷ đồng, cao nhất trong năm tháng đầu năm 2022, tăng gấp 3,5 lần so với tháng 4 năm 2022. Thu thuần từ phí dịch vụ Thanh toán Quốc tế năm tháng đầu năm 2022 là 15,9 tỷ đồng trong đó phí dịch vụ UPAS L/C là 6,1 tỷ đóng góp rất lớn trong tổng thu phí dịch vụ Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại của ABBANK.
“Phát triển trở lại chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu là một trong những biện pháp để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Thấu hiểu và đồng hành cùng khách hàng, ABBANK tập trung đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hấp dẫn, tài trợ kịp thời cho nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng bền vững”. - Đại diện ABBANK chia sẻ.
Ngoài UPAS L/C, Ngân hàng này cũng đang áp dụng nhiều ưu đãi tín dụng cho Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Doanh nghiệp mua hàng nội địa theo phương thức L/C.
Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ được ABBANK cấp Hạn mức tín dụng để sử dụng các SPDV Tài trợ thương mại nhập khẩu, Thanh toán Nhập khẩu và L/C nội địa, với giá trị Hạn mức được cấp gấp tới 2 lần giá trị TSBĐ. Tỷ lệ ký quỹ phát hành L/C thấp chỉ từ 0% - 10% theo phân loại khách hàng và loại TSBĐ.
Bên cạnh “Hạn mức có TSBĐ”, Doanh nghiệp nhập khẩu có thể được cấp thêm “Hạn mức bổ sung” lên tới 30% giá trị Hạn mức có TSBĐ là sản phẩm huy động hoặc bất động sản; “Hạn mức phát hành L/C không TSBĐ” lên tới 50% giá trị Hạn mức tín dụng có TSBĐ của khách hàng tại ABBANK; và “Hạn mức Tài trợ nhập khẩu không TSBĐ” cũng lên tới 50% giá trị hạn mức tín dụng có TSBĐ tại ABBANK hoặc 50% Vốn Chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được ABBANK cấp “Hạn mức tín dụng có TSBĐ” và/hoặc “Hạn mức tín dụng không TSBĐ” để tài trợ xuất khẩu trước giao hàng/sau giao hàng (vay vốn, chiết khấu hoặc phát hành L/C) với tỷ lệ tài trợ cao lên tới 98% trị giá Hợp đồng/Đơn hàng xuất khẩu hoặc L/C hay Bộ chứng từ xuất khẩu. Yêu cầu về biện pháp bảo đảm cũng rất linh hoạt cho doanh nghiệp. Bên cạnh các TSBĐ hữu hình như Sản phẩm huy động, Bất động sản, Phương tiện vận tải, Máy móc thiết bị…thì TSBĐ là Hàng tồn kho, Quyền đòi nợ, Khoản phải thu từ Bộ chứng từ xuất khẩu, Bộ chứng từ được chiết khấu có thể được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện có liên quan.
HN