Ảnh minh hoạ (Nguồn: vovworld.vn)
Cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được hình thành về cơ bản và tiếp tục được hoàn thiện
Thứ nhất, cần hướng theo tiêu chí kinh tế thị trường do Tổ chức Thương mại Thế giới WTO yêu cầu, trong đó có ba tiêu chí quan trọng: 1) Tiền đồng Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, nhưng lộ trình chuyển đổi tự do đồng Việt Nam đến nay chưa rõ ràng; 2) Việt Nam duy trì quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo; 3) Kinh tế thị trường không thể là kinh tế kế hoạch, nhưng Việt Nam vẫn duy trì kế hoạch kinh tế hàng năm, 5 năm với các chỉ tiêu pháp lệnh cụ thể và có cả Ủy ban Kế hoạch. Việt Nam phải chủ động xử lý các vấn đề theo hướng thị trường hơn là yêu cầu và thuyết phục các nước cho Việt Nam vị thế kinh tế thị trường.
Thứ hai, cần phải đảm bảo các tín hiệu của thị trường, luôn phản ánh nhanh nhạy các biến động của thị trường và phát huy được vai trò điều tiết của nó. Các tín hiệu của thị trường Việt Nam (giá cả, lãi suất, tỷ giá, chỉ số chứng khoán, tiền lương...) đã phản ánh được những biến động của thị trường và có tác động điều tiết. Tuy nhiên, những yếu tố cản trở các tín hiệu của thị trường còn nhiều: Tình trạng độc quyền chi phối giá cả tràn lan, lãi suất thỏa thuận bị hạn chế bởi lãi suất trần và gói hỗ trợ lãi suất, tỷ giá bị điều tiết bởi không ít can thiệp kỹ thuật… Phải thừa nhận là Nhà nước cần áp dụng những biện pháp hành chính để điều tiết kinh tế, nhưng cần tính mức độ, giới hạn. Cần sớm có các giải pháp duy trì độ phản ánh nhanh nhạy của các tín hiệu thị trường. Chỉ khi các tín hiệu này phản ánh nhanh nhạy kịp thời những biến động của thị trường trong nước và thế giới, thì thị trường mới có tác động phân bổ các nguồn lực.
Luật Cạnh tranh cần sửa lại theo hướng hiện đại để có thể kiểm soát, ngăn chặn hữu hiệu mọi hành vi độc quyền. Cần có những biện pháp chế tài ngăn cấm các hành động độc quyền. Đồng thời, thiết kế một lộ trình tiến tới lãi suất, tỷ giá... thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tiền đồng Việt Nam được chuyển đổi tự do. Chuyển đổi công tác kế hoạch thành công tác quy hoạch có tính định hướng nền kinh tế, không có tính pháp lệnh. Đây chính là những việc cần làm để WTO công nhận vị thế kinh tế thị trường Việt Nam.
Thứ ba, hoàn thiện và phát triển đồng bộ các loại thị trường. Thị trường ở Việt Nam đang có quá trình hình thành cả về mặt thể chế, cũng như các chủ thể tham gia, do vậy Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Trong các loại thị trường có hai thị trường rất cơ bản và quan trọng, đó là thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Hai thị trường này phát triển lành mạnh thì kinh tế phát triển lành mạnh và ngược lại. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây cũng xuất phát từ hai thị trường này. Việt Nam phát triển hai thị trường này, nhưng cũng không thể không tính tới bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đó là:
Bài học thứ nhất, cần phải có một thể chế phù hợp để có thể kiểm soát hữu hiệu các rủi ro. Hai thị trường trên ở các nước phát triển đã hoạt động rất tự do trong một khuôn khổ thể chế đã từng được xem là hiện đại nhất. Tuy nhiên, những thể chế hiện có ở các nước này đã không kiểm soát được dòng vốn ồ ạt đổ vào hai thị trường, tạo ra những “bong bóng kinh tế”, gây nên rủi ro “đổ vỡ”. Vấn đề là cần có một thể chế giám sát, cảnh báo và ngăn chặn hữu hiệu các dòng vốn đầu cơ gây ra rủi ro bất trắc cho thị trường. Ở nước ta hiện đã có khá đủ các cơ quan giám sát, tuy nhiên cơ chế vận hành, quyền lực và hiệu lực của các cơ quan giám sát lại không đủ, do vậy cần phải sớm kiện toàn cơ chế hoạt động của các cơ quan giám sát theo hướng gia tăng quyền lực giám sát, ép buộc mọi chủ thể kinh doanh trong hai thị trường trên phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, hướng giám sát không chỉ nhằm vào hoạt động của thị trường, mà phải giám sát cả hệ thống thể chế của các thị trường này, gia tăng tính độc lập của các cơ quan giám sát. Cần giao quyền giám sát thực sự cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vì cơ quan giám sát này có tính độc lập với ngân hàng và Bộ Tài chính, chứ không thể chỉ là cơ quan tư vấn như hiện nay.
Bài học thứ hai, cần kiện toàn hệ thống dự báo, thông tin cập nhật, trung thực về tình hình hoạt động của hai thị trường. Thực tế ở Mỹ cho thấy, đã có quá nhiều thông tin thị trường không được cập nhật, đặc biệt là không trung thực, bóp méo thông tin, lừa dối Chính phủ và dân chúng. Phải có quy chế chặt chẽ, có chế tài nghiêm khắc đối với các thông tin không trung thực.
Bài học thứ ba, phải chăm lo việc đào tạo nhân lực cho thị trường trên theo hướng: Phải có cơ chế tuyển chọn sử dụng và đãi ngộ phù hợp đối với những người được làm việc trong các định chế Nhà nước quản lý hai thị trường trên, nếu chỉ chọn được những người bất tài, thì đó sẽ là nguyên nhân cho các đổ vỡ của thị trường, đồng thời phải có cơ chế loại bỏ những kẻ gian, lừa đảo tham gia thị trường, đó cũng là một nguyên nhân khiến thị trường đổ vỡ.
Bài học thứ tư, phải khai mở các lĩnh vực, các ngành hấp thụ có hiệu quả các dòng vốn, ngăn chặn các dòng vốn ồ ạt đổ vào một vài ngành, gây ra đầu cơ “bong bóng”.
Kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế là vấn đề quan trọng, có tầm chiến lược trong sự phát triển kinh tế Việt Nam. Nếu Việt Nam định hướng phát triển các thành phần kinh tế không có lợi thế cạnh tranh, thì nền kinh tế sẽ rơi vào thế yếu và kém hiệu quả. Do vậy, cần có những phân tích đánh giá khoa học và phù hợp với thực tế.
Ở Việt Nam, kinh tế quốc doanh đã có địa vị thống trị trong thời kỳ trước đổi mới. Đi vào thời kỳ cải cách và đổi mới, Việt Nam chuyển địa vị của kinh tế quốc doanh xuống chủ đạo. Đến Đại hội VIII của Đảng, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh thay đổi. Đảng đã xem kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, chứ không phải kinh tế quốc doanh. Đó là những thay đổi rất quan trọng trong tư duy kinh tế của Đảng.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo cách hiểu hiện nay là: Ổn định, điều tiết, nêu gương, định hướng nền kinh tế. Để thực hiện được vai trò này, Nhà nước phải sử dụng các công cụ thể chế gồm luật pháp, hành pháp và tư pháp, các công cụ kinh tế gồm tiền tệ, tài chính, các xí nghiệp quốc doanh. Như vậy, các xí nghiệp quốc doanh chỉ là một trong các công cụ để nhà nước ổn định và điều tiết nền kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế, suy nghĩ coi quốc doanh giữ vai trò chủ đạo vẫn có ý nghĩa chi phối chính sách.
Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Trong bối cảnh của thời kỳ 2011 - 2020, việc xác định rõ và chuẩn xác các quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở các cam kết quốc tế đã có thời kỳ 2011 - 2020 phải là thời kỳ chuyển từ “mở cửa” sang “hội nhập” theo chiều sâu và phát triển lợi thế cạnh tranh
Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã từ chỗ phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước, sang đàm phán, ký kết gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế, ký kết các hiệp nghị thương mại tự do với các nước và khu vực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTH). Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta mới đang dừng ở cấp độ nông của hội nhập kinh tế quốc tế, nghĩa là mới từng bước dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu đòi hỏi phải có sự hài hòa chính sách các tiêu chuẩn, phải nâng cấp thể chế hành chính và kinh tế lên tầm hiện đại và quốc tế, gia tăng hiệu quả của quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư.
Điều kiện tiên quyết và bao trùm của hội nhập theo chiều sâu là việc thiết lập các thể chế kinh tế thị trường hiện đại, làm cơ sở cho việc hài hòa hóa thể chế và chính sách hội nhập khu vực và toàn cầu.
Hội nhập kinh tế theo chiều sâu cũng có nghĩa là tạo một sự chuyển biến căn bản trong cơ cấu kinh tế, nói đúng hơn là phải làm cho nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế thế giới và khu vực, phát huy mạnh mẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế.
Coi trọng hội nhập đồng thời cả trên 3 cấp độ: toàn cầu, khu vực và song phương, nhưng cần xác định đối tác chiến lược là quyết định
Thời kỳ 2011 - 2020 là thời kỳ Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO, ASEAN và đây là cơ sở để Việt Nam có thể hội nhập quốc tế sâu hơn.
Trong điều kiện hiện nay, tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á đang nhận được sự đồng thuận ngày càng tăng của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, đặc biệt là Nhật Bản. Hội nhập Đông Á sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý chung đảm bảo sự ổn định của khu vực, giải quyết các bất đồng bằng các đối thoại thảo luận trong khối. Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy ASEAN hành động theo hướng này.
Cần nâng cấp vị thế đối tác của Hoa Kỳ lên tầm tương xứng với vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới siêu cường duy nhất, dù vai trò này có thể giảm trong những năm tới do suy thoái kinh tế. Giữ vững vị thế đối tác chiến lược của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU và Hàn Quốc. Tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết các loại Hiệp nghị thương mại tự do với các đối tác chiến lược trên. Lựa chọn đối tác chiến lược ở các châu lục khác, có thể là: Chile ở Mỹ Latinh, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ở Trung Đông,… để xâm nhập vào các khu vực này, vì Chile và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể chế kinh tế tự do nhất ở hai khu vực đó.
Phát huy tổng lực vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập quốc tế
Kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế châu Á trong nhiều thập kỷ qua cho thấy rằng, khu vực doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong kinh tế đối ngoại. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã khuyến cáo Việt Nam cần phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt hỗ trợ sự hình thành của các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng thực hiện nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, có khả năng hoạt động xuyên quốc gia.
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp tích cực tham gia tiến trình hội nhập, song vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế vẫn còn hạn chế, rất ít các doanh nghiệp tư nhân tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, khả năng cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa cũng rất hạn chế. Nếu tình trạng này chậm được cải thiện, chắc chắn tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gặp trở ngại, lợi ích thực sự của hội nhập đối với phát triển kinh tế Việt Nam sẽ suy giảm. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường quốc tế thông qua các kênh thương mại, đầu tư, dịch vụ… Thu hút các tập đoàn nước ngoài có tầm chiến lược đầu tư vào kinh doanh ở Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam phải theo hướng hiện đại và quốc tế, làm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam có khả năng cạnh tranh toàn cầu, làm cho dân giàu, nước mạnh. Muốn vậy, thể chế kinh tế Việt Nam phải được hoàn thiện theo các tiêu chí hiện đại, tiến bộ nhất và đó cũng là điều kiện để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Võ Đại Lược
TSKH, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Tài liệu tham khảo
1. Võ Đại Lược: Những vấn đề kinh tế Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 2014.
2. Huỳnh Thế Du: 10 năm WTO thua trên sân nhà, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2016, thách thức tái cơ cấu và triển vọng.
3. Hội đồng Lý luận Trung ương: Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010.